Thật không ngờ vùng đất “quê hương năm tấn” – Thái Bình lại có những điểm du lịch thưởng ngoạn đẹp đến vậy.
Biển Đồng Châu thơ mộng
Bãi biển Đồng Châu nằm trên địa phận xã Đông Minh – huyện Tiền Hải, Thái Bình.
Biển Đồng Châu sở hữu khí hậu cực kì trong lành, thích hợp cho việc dưỡng bệnh, nghỉ ngơi và đặc biệt, hải sản ở đây rất rẻ và ngon.
Đặc biệt, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những cánh đồng vạng (ngao) nhiều chưa từng có.
Biển Cồn Vành
Cồn Vành thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải có diện tích rộng gần 2.000ha, với địa hình tương đối bằng phẳng, thuộc Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (được UNESCO công nhận vào tháng 12/2004).
Điểm tạo nên sức hấp dẫn của Cồn Vành là triền cát mịn màng, trải dài.
Tại đây, vào mỗi buổi sáng, du khách có thể ra rất xa để tắm mà nước vẫn chỉ cao tới ngực.
Đến Cồn Vành, du khách sẽ có thể tận hưởng những trải nghiệm vô cùng lý thú khi thư thái ngắm biển đêm, hòa mình vào thiên nhiên và cảm nhận từng cơn gió trời lồng lộng.
Biển Cồn Đen
Cồn Đen nằm cách đất liền 3 km thuộc xã Thái Đô, Thái Thuỵ, Thái Bình. Biển Cồn Đen được xưng tụng là cồn biển đẹp nhất miền Bắc.
Cồn Đen cũng là nơi rất thích hợp để tắm biển mỗi dịp hè về. Bên cạnh đó, đến đây, bạn có thể, tìm hiểu đời sống động thực vật, tổ chức các cuộc picnic, nghỉ dưỡng bằng tàu thuyền với các trò vui chơi, giải trí….
Đền thờ vương triều nhà Trần
Du lịch lịch sử của Thái Bình gắn với hàng loạt các đền, chùa, từ đường được tỉnh và nhà nước công nhận. Nếu không thể sắp xếp thời gian tham quan tất cả, thì những điểm bạn không nên bỏ qua là khu di tích đền thờ vương triều nhà Trần.
Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2017 diễn ra vào đêm 13 tháng Giêng tại Khu di tích đền Trần Thái Bình (thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Xây dựng đền thờ vương triều nhà Trần nhằm tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam; bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của nhà Trần, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh về tham quan, chiêm bái.
Chùa Keo
Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư.
Công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa Keo là gác chuông cao 11,04m với 3 tầng mái. Tầng một có treo một khánh đá dài 1,87m. Trên tầng hai là quả chuông được đúc năm 1686 và tầng ba là nơi có chuông đúc năm 1796.
Chùa Keo là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, bao gồm hai cụm kiến trúc: Khu Chùa là nơi thờ phật và khu Đền thánh thờ đức Dương Không Lộ - Vị đại sư thời nhà Lý có công dựng chùa.
Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ đẹp bậc nhất của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương đến vãn cảnh chùa trong ngày Xuân và những ai yêu thích kiến trúc chùa cổ của Việt Nam.
Làng vườn Bách Thuận
Làng vườn Bách Thuận (xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) nằm ở trong đê sông Hồng, bên trái hướng thành phố Thái Bình đi Nam Ðịnh. Ðây là một làng vườn trù phú, rìa làng là bãi phù sa nơi trồng dâu nuôi tằm và chuối, mía.
Trồng hoa, làm cây cảnh không chỉ đơn thuần là một nghề kiếm sống của người dân Bách Thuận, mà còn góp phần tạo nên một vùng quê chan hòa với thiên nhiên, gìn giữ bầu không khí trong lành.
Đền Tiên La
Đền Tiên La thuộc thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Đền Tiên La được công nhận di tích quốc gia năm 1986. Toàn bộ ngôi đền làm theo cấu trúc “Tiền nhất – Hậu đinh” đúng cấu trúc, theo đúng dáng vóc kiểu cổ từ cột, kèo đến đao mái uốn cong và mang dáng hình con rồng bay lên hoặc Lưỡng Long Chầu Nguyệt, có ba tòa điện chính là: Đại Bái (Tiền tế), Trung tế và Hậu điện hay còn gọi là Hậu Cung. Qua cổng (Tam quan ngoại), vào sân đền là Tam quan nội và hai bên có Lầu Cô, Lầu Cậu.
Theo Diệu Thu (Tổng hợp) (Dân Việt)