Nếu không có chính sách đột phá, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2017 dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 5-7% so với năm 2016.
2016 là một năm ảm đạm của ngành dệt may Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có nguy cơ không được phê chuẩn.
Năm 2017, dự báo tăng trưởng của ngành dệt may cũng không mấy sáng sủa. Nếu không có chính sách đột phá, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2017 dự báo cũng sẽ chỉ tăng khoảng 5-7% so với năm 2016.
Tập đoàn Dệt may đặt tốc độ tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2017.
Mặc dù trong tháng đầu tiên của năm 2017, các doanh nghiệp dệt may đã có đủ hàng trong quý I với đơn hàng dồi dào, nhưng về dài hạn thì khó khăn vẫn đang hiện hữu do “dư âm” của năm cũ để lại. Để đạt được mức tăng trưởng bền vững đòi hỏi ngành dệt may nói chung và các doanh nghiệp dệt may nói riêng phải có các giải pháp, hướng đi để vượt khó và tiến tới đạt được mục tiêu đề ra trong cả năm.
Ông Nguyễn Đình Lập, Giám đốc Công ty TNHH Trường Phúc, Hưng Yên cho biết, mục tiêu xuất khẩu đặt ra trong năm 2017 của công ty từ 4,5 - 5 triệu USD. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, để đạt được con số này, ngay từ đầu năm công ty đã đề ra nhiều giải pháp.
“Để nâng cao năng suất lao động, đạt được doanh thu như mục tiêu đề ra, ban lãnh đạo công ty đã đề ra những phương hướng rất cụ thể. Công ty đã đầu tư thêm các loại máy chuyên dụng để nâng công suất lao động. Đồng thời cố gắng nâng cao tiền lương, tiền thưởng và cả các chế độ đãi ngộ tốt nhất để thu hút được người lao động có tay nghề cao, đảm bảo năng suất chất lượng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, công ty sẽ xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng”, ông Lập cho biết.
Những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may được dự báo sẽ kéo dài sang tận quý III/2017, nhiều chuyên gia trong ngành dệt may cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần lựa chọn phương án tiếp cận, mở rộng thị trường nội địa, bởi hiện nay, thị trường dệt may nội địa của Việt Nam có quy mô và tiềm năng khá lớn, từ 4 - 5 tỷ USD. Các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế sẵn có, tập trung khai thác hiệu quả năng lực sản xuất để tăng tích lũy, chuẩn bị nguồn lực cho đổi mới công nghệ, chuyển dần từng bước sang xu hướng khai thác thị trường nội địa.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, bên cạnh các chiến lược của doanh nghiệp thì Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng có nhiều giải pháp tối ưu để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Hàng năm ngành vẫn cùng với các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ để giới thiệu hàng dệt may, không chỉ ở những trung tâm thành phố lớn, thậm chí còn đưa về vùng sâu vùng xa, các hội chợ lẻ. Hiệp hội cho rằng, các cấp các ngành, các doanh nghiệp bên cạnh mục tiêu xuất khẩu cũng không quên thị trường nội địa, bởi đây là thị trường rất phong phú, nhiều tiềm năng”, ông Cẩm lưu ý.
Đứng trước hàng loạt thách thức đặt ra, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, năm 2017, để ngành dệt may Việt Nam phát triển ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh thì thời gian tới, cần tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước, quản lý tốt hơn các dự án đầu tư vào dệt may.
Hơn nữa, do đơn hàng ngày càng giảm, doanh nghiệp cũng cần chuyển dần từ sản xuất gia công sang các hình thức sản xuất có hàm lượng giá trị giá tăng cao hơn; doanh nghiệp cần tìm kiếm khách hàng trực tiếp, giảm dần xuất khẩu qua trung gian, nhằm “mua tận gốc, bán tận ngọn”, giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh, giành thế chủ động cao hơn trong sản xuất, kinh doanh xuất khẩu.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cần liên kết chặt chẽ trong phát triển thị trường, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh.
“Năm 2017 tín hiệu thị trường có thể sáng hơn một chút, đặc biệt là khi kinh tế Mỹ có chiều hướng tăng trưởng tốt hơn, mức độ tiêu thụ tiêu dùng của thị trường Mỹ sẽ có hy vọng cải thiện. Tập đoàn Dệt may đặt tốc độ tăng trưởng 6,5-7%, đạt trên 30 tỷ USD. Để đạt được kết quả này cần một sự nỗ lực tổng hợp cả từ phía doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý Nhà nước và hạ tầng kinh tế xã hội nói chung. Đặc biệt, ngành vẫn phải tập trung vào năng suất, cải thiện chi phí lao động trên một đơn vị sản phẩm, rút ngắn thời gian giao hàng dịch vụ tại các nơi cũng như củng cố mạng lưới logistic đối với các nước”, ông Trường cho biết.
Năm 2017, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 30 tỷ USD, đây là mục tiêu rất thách thức. Do vậy, để vượt qua khó khăn và đạt mức tăng trưởng bền vững, không còn cách nào khác, mỗi doanh nghiệp cần phát huy nội lực, chú trọng đầu tư công nghệ, luôn cải tiến mẫu mã sản phẩm, chất lượng để sản phẩm dệt may có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và chinh phục thị trường nước ngoài./.
Theo Chung Thủy
VOV