Với nhiều dự án lớn về sợi, dệt, nhuộm sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2016, ngành dệt may Việt Nam đang dồn sức đầu tư nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) - hai hiệp định được đánh giá sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu của ngành.
Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), năm 2015, ngành dệt may Việt Nam đạt 27,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 10% so với năm 2014. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp (DN) khi các thị trường lớn của ngành như EU, Nhật Bản đều không tăng kim ngạch nhập khẩu, chỉ thị trường Mỹ đạt mức tăng trưởng cao nhất - 14%.
Năm 2015, các DN trong ngành cũng dồn sức đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ từ các hiệp định thương mại tự do. Riêng VINATEX đã có 3 dự án lớn sản xuất nguyên phụ liệu, gồm Nhà máy Sợi Phú Hưng, Nhà máy Sợi Nam Định quy mô 2,16 vạn cọc sợi, Nhà máy Sợi Phú Cường 3 vạn cọc sợi. Trong đó, dự án Sợi Phú Hưng đã hoàn thành Nhà máy dệt sợi Yarndyed tại Long An, dự án Sợi Nam định dự kiến sẽ được hoàn thành trong quý 1/2016.
VINATEX đang chuẩn bị đầu tư chuỗi sản xuất dệt, sợi tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Dự án có quy mô 12.000 tấn vải/năm, đủ sức cung ứng vải dệt kim cho các nhà máy may tại khu vực miền Trung. Ngoài ra, tập đoàn hiện còn có 6 dự án may nằm trong chuỗi sản xuất quần áo dệt kim, quần áo dệt thoi, veston, dự kiến sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2016.
“Mục tiêu đến năm 2018, thời điểm dự kiến cả Hiệp định TPP và Hiệp định EVFTA có hiệu lực, VINATEX sẽ chủ động được 60% nguồn nguyên liệu từ sợi và vải. Đến năm 2020, tập đoàn phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa 65%,” ông Trường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trường, năm 2016, ngành dệt may dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến dộng. Một số thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam như Nhật Bản, EU triển vọng kinh tế không cao. Tổng cầu hàng dệt may của thế giới năm 2016 sẽ không tăng so với năm 2015.
Ngoài ra, các dự báo về giá dầu vẫn tiếp tục ở mức thấp, giá nguyên liệu tổng hợp làm từ sản phẩm hóa dầu như xơ, sợi polyester cũng thấp sẽ kéo theo nguyên liệu tự nhiên như bông và cây có sợi khác cũng phải thấp theo để cạnh tranh. Chính vì vậy mặt bằng giá chung năm 2016 cho một sản phẩm dệt may là không tăng và kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam năm 2016 dự báo chỉ tăng trưởng từ 8-10%.
Tuy nhiên, VINATEX cũng như DN trong ngành vẫn sẽ ưu tiên vốn cho các dự án đầu tư, nhất là các dự án sản xuất nguyên phụ liệu. Theo đó, các dự án sẽ sử dụng công nghệ có tính tự động cao, năng suất tốt và chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế như Nhà máy sợi Phú Cường.
Đặc biệt, VINATEX đã ra nghị quyết thành lập các tổng công ty tại hai miền Bắc, Nam. Tổng công ty Miền Bắc gồm 4 đơn vị: Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex), Công ty TNHH MTV Dệt 8/3, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh và Nhà máy sợi Nam Định, Nhà máy may Quảng Bình, Nhà máy may Tuyên Quang. Tổng công ty Miền Bắc lấy Hanosimex là nòng cốt, sợi của công ty sẽ cấp cho toàn chuỗi, sau sẽ phát triển thêm hệ thống may quần, vải dệt thoi và may áo jacket.
Tổng công ty Miền Nam gồm 2 thành viên: Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Phương, Nhà máy may Kiên Giang và 4 dự án: Nhà máy sợi Phú Cường, Nhà máy sản xuất vải Yarndeyd (Long An), Nhà máy may Cần Thơ và Nhà máy may Bạc Liêu. Tổng công ty Miền Trung đang được nghiên cứu phương án xây dựng với hạt nhân là Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ và Khu liên hợp Quế Sơn.
Mỗi tổng công ty sẽ là một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh, từ sản xuất sợi, vải đến may. Đây cũng là cơ sở để hình thành nên các chuỗi cung ứng nhỏ, giúp VINATEX chắc chân hơn trong cạnh tranh và đáp ứng dần quy tắc xuất xứ từ các hiệp định thương mại tự do.
Việt Nga - Báo Công Thương