Cộng đồng kinh tế Asean thành lập, TPP dự kiến sẽ có hiệu lực cuối quý I năm 2016, cùng một loạt các FTA mới được thực thi… tạo nên chuyển biến mạnh trong sự vận hành kinh tế Việt Nam nói chung và Dệt May Việt Nam nói riêng. Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường mới đây trả lời phỏng vấn về những cơ hội của Vinatex cũng như ngành DMVN và thực tế chuẩn bị thay đổi trong giai đoạn này.
Tổng Giám đốc Vinatex - ông Lê Tiến Trường |
- Thưa ông, Vinatex đã chuẩn bị như thế nào trước việc hàng loạt các FTA mà Việt Nam tham gia có hiệu lực thời gian vừa qua và tới đây? Nó ảnh hưởng ra sao tới tình hình của Dệt May Việt Nam?
Trong các Hiệp định thương mại tự do mà VN có tham gia, thì Hiệp hội Dệt May VN và Tập đoàn DMVN ngay từ đầu đã đồng hành trong các đoàn đàm phán của Chính phủ, và như thế đã có sự hiểu biết, nắm rõ thông tin để chuẩn bị ngay từ khi Hiệp định đang ở giai đoạn đàm phán. Đơn cử FTA với EU có xuất xứ từ vải trở đi, hay TPP quy định xuất xứ từ sợi trở đi, Vinatex đều đã có sự chuẩn bị đón các lợi ích này. Trong năm 2015, Tập đoàn đã triển khai xây dựng hàng loạt các dự án trên khắp cả nước, bao gồm các dự án từ kéo sợi - dệt nhuộm hoàn tất và may nằm trong định hướng các chuỗi liên kết. Cụ thể là những dự án trọng điểm như: (i) Ngành sợi: Hoàn thành giai đoạn 2 nhà máy sợi Phú Hưng tại Thừa Thiên - Huế; Xây dựng nhà máy sợi Nam Định tại KCN Hòa Xá, tỉnh Nam Định với quy mô 2,16 vạn cọc, sản lượng 4.700 tấn /năm; Xây dựng Nhà máy sợi Phú Cường tại tỉnh Đồng Nai với quy mô 3 vạn cọc sợi, sản lượng 5200 tấn/năm; (ii) Dệt nhuộm: Dự án nhà máy sản xuất vải Yarndyed tại tỉnh Long An với quy mô 10 triệu mét /năm; Dự án Khu liên hợp dệt may Quế Sơn tại tỉnh Quảng Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng với một chuỗi các nhà máy kéo sợi- Dệt nhuộm dệt kim- may và xử lý nước thải… Với sự chuẩn bị như vậy thì chúng tôi phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% năm 2018 và nội địa hóa 65% năm 2020.
- Tập đoàn đã chuẩn bị nguồn nhân lực ra sao đáp ứng những đầu tư mới đó?
Về sự chuẩn bị nguồn nhân lực, năm 2015 có điểm sáng là Trường Cao đẳng dệt may Thời trang của Tập đoàn đã được nâng cấp lên thành trường Đại học Dệt May, năng lực đào tạo tới 500 (SV) kỹ sư thực hành/khóa. Trường đào tạo theo hình thức 35% thời gian thực hành ở nhà máy, 65% thời gian học tại trường nên tạo ra nguồn nhân lực mới rất hiệu quả, thực học thực làm. Từ năm 2013 tới nay, mỗi năm đã đào tạo được 300 giám đốc, chuyền trưởng, tổ trưởng, ổn định đội ngũ cho SX. Nhờ đội ngũ nhân lực chất lượng này, mà sợi Phú Hưng sau 8 tháng đi vào hoạt động đã sinh lợi. Kế hoạch đào tạo trong nhà trường hay các khóa ngắn hạn của Tập đoàn đều hết sức căn cơ, không đào tạo tràn lan mà đào tạo đáp ứng đòi hỏi thực tế. Đào tạo gắn với thực tế làm việc theo quy trình SX tự động hóa, ví như trước đây với 10 ngàn cọc sợi cần tới 100 công nhân thì nay chỉ cần 25 người.
- Thưa ông, vậy còn việc hình thành Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) có tác động thế nào với Dệt May Việt Nam?
Asean tiêu thụ hàng dệt may không lớn, nhưng lại là các nước SX và xuất khẩu dệt may, coi dệt may là thế mạnh trong chiến lược phát triển của mình. Quá trình cạnh tranh tại đây diễn ra hai chiều, cái được của chúng ta là phổ sản phẩm rộng hơn, về tổng bộ sẽ tốt hơn cho từng nước. Với sự qua lại sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, Việt Nam có thể trông đợi được vào các đơn hàng tăng lên, bù đắp cho lượng hàng mà có thể họ tiêu thụ được ở thị trường của ta. Việt Nam không ngại cạnh tranh trong AEC, chúng ta đang trên đà tăng trưởng và chấp nhận các cạnh tranh khác. Điều căn cốt trong cạnh tranh là năng suất và chất lượng sản phẩm của chúng ta vẫn tốt nên vẫn duy trì được sự phát triển ổn định.
- Ông dự đoán ra sao cho tình hình của Dệt May Việt Nam năm 2016?
2016 là năm có nhiều biến động trong thị trường tài chính, tiền tệ. Ngoại trừ Mỹ đã phục hồi kinh tế hoàn toàn, thì những thị trường như châu Âu, Nhật Bản phục hồi không cao. Tổng cầu dệt may toàn cầu năm 2016 vẫn tương đương năm 2015. Giá dầu vẫn thấp, kéo theo mặt bằng giá nguyên liệu dệt may không cao. Như vậy, tổng cầu không thay đổi, giá nguyên liệu thấp hơn, thì có lợi cho nhà XS ở việc chi phí đầu vào giảm. Trong năm tới, sản lượng hàng SX sẽ tăng 11% nhưng tăng trưởng KNXK có thể chỉ từ 8-10%.
- DMVN dù đã có sự chuẩn bị trong khâu SX nguyên liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, nhưng liệu ta có đủ năng lực để được tích hợp vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu?
Các chuỗi cung ứng được hình thành do những đơn vị có thương hiệu và hệ thống phân phối trên thị trường. Đương nhiên họ chỉ tích hợp vào chuỗi những đơn vị mang lại hiệu quả cho cả chuỗi. Nếu ta chưa được họ tích hợp thì chính ta đang có vấn đề. Ta làm ra sản phẩm đắt hơn họ, chất lượng kém họ chẳng hạn. Chung quy lại là nếu năng lực cạnh tranh của ta kém thì sẽ không được tích hợp. Dệt vải Trung Quốc hiện có quy mô lớn gấp 20 lần của Việt Nam, tuy nhiên, hy vọng từ các Hiệp định thương mại tự do, với sự giảm thuế này chúng ta có thể chia lại thị trường. Các DM DMVN có thể mất chi phí đầu tư ban đầu để có năng lực đáp ứng nhu cầu và được tích hợp vào chuỗi. Nhờ đó mà phấn đấu vượt lên đạt trình độ của chuỗi, phát triển quy mô và sau đó được phân chia lợi nhuận trong chuỗi. Trong trường hợp anh không chịu đầu tư, thay đổi thì cứ đứng ngoài chuỗi, không tăng được quy mô nên cứ bé nhỏ mãi và sẽ bị nuốt chửng.
- Thưa ông, có giải pháp nào bảo vệ DN DMVN trước sự cạnh tranh khốc liệt này khi DN FDI đầu tư mạnh vào Việt Nam để hưởng lợi từ quy tắc xuất xứ?
Tôi cho rằng trong 6000 DN dệt may của VN thì vẫn có từ 15-20% DN phải phá sản. Cạnh tranh ở kinh tế thị trường là điều đương nhiên, chúng ta đã tham gia kinh tế thị trường thì phải chấp nhận cạnh tranh liên tục. Nếu anh làm ra hàng không có giá tốt, chất lượng tốt thì không ai mua, do đó buộc anh phải liên tục đầu tư, cải tiến để lớn mạnh.
- Thời gian qua, có ý kiến cho rằng năng suất lao động của chúng ta có vấn đề, ý kiến ông thế nào?
Tôi nhận thấy năng suất lao động kỹ thuật trong ngành may ở Việt Nam là cao nhất trong các nước AEC và đạt được ở mức khá so với thế giới, tương đương với NSLĐ kỹ thuật của Ấn Độ. Rõ ràng các nhà đặt hàng thấy có lợi thì mới tới Việt Nam đặt hàng. Việt Nam luôn tăng năng suất lao động ổn định trong hơn 10 năm qua, hiện nay đã tăng gấp 177 lần so với 20 năm trước.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Vinatex)