Dường như không mấy bận tâm đến tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ ra sao, các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vốn vào lĩnh vực dệt may Việt Nam.
Cuối tháng 9 vừa qua, một sự kiện diễn ra ở khu công nghiệp (KCN) Hòa Xá (Mỹ Xá, TP. Nam Định) được giới dệt may Việt rất quan tâm, đó là việc khánh thành nhà máy may Spectre, 100% vốn đầu tư từ Spectre A/S (ĐanMạch). Nhà máy này được đầu tư với tổng vốn 5 triệu USD, quy mô hơn 500 lao động, dòng sản phẩm chủ đạo là trang phục thể thao cho các môn leo núi, chạy bộ, đạp xe và săn bắn. Đây là nhà máy thứ hai của Spectre tại VN, sau nhà máy tại Thái Bình.
Nhà máy mới của Spectre đặt tại Khu công nghiệp Hòa Xá, Mỹ Xá, TP. Nam Định. |
Không quan trọng có TPP hay không
Một vài năm trước, việc một tập đoàn dệt may lớn đầu tư vào Việt Nam để đón cơ hội TPP là chuyện rất bình thường. Nhưng ở thời điểm hiện nay khi mà tương lai của TPP vẫn còn bất định, thì việc một tập đoàn nước ngoài không những tiếp tục duy trì sản xuất mà còn mở rộng đầu tư thêm nhà máy lại trở thành hiện tượng thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Ông Jesper Klausen, Chủ tịch Cty TNHH Công nghệ may mặc Spectre Việt Nam cho biết, trước khi đầu tư vào Việt Nam, Cty này đã tìm nhiều địa điểm khác trong khu vực, nhất là ở Trung Quốc nhưng cuối cùng vẫn quyết định chọn Việt Nam là điểm dừng chân. Việc chọn Việt Nam không hẳn lý do Việt Nam là một trong 12 nước đang đàm phán TPP, mà Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng đáp ứng được những điều kiện mà Spectre đặt ra như giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào và thiện chí của chính quyền trong việc hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành dự án.
“Dự kiến năm 2018, Spectre Việt Nam sẽ đổ thêm vốn để tăng quy mô sản xuất hàng xuất khẩu sang châu Âu”, ông Jesper Klausen nói.
Dù không nói ra, song ai cũng hiểu TPP dù chưa biết thế nào, nhưng khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, lãnh đạo Spectre đã “nhắm” tới những cơ hội từ Hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực từ năm 2018.
Theo các chuyên gia dệt may, EU là thị trường mà ngành dệt may Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần, nếu tận dụng tốt thì sẽ có cơ hội để tăng trưởng đột biến trong giai đoạn 2018 - 2020. Có lẽ đây là dư địa thu hút các DN FDI tiếp tục đổ vốn vào các dự án mới tại Việt Nam.
Hấp dẫn từ các FTA
Không chỉ có NĐT Đan Mạch tin tưởng vào cơ hội đầu tư dệt may Việt Nam ở giai đoạn này, nhiều NĐT khác cũng đang có xu hướng mở rộng vốn đầu tư tại Việt Nam. Trước Spectre, hai “đại gia” dệt may đến từ Đài Loan đang đầu tư tại Đồng Nai và Bình Dương cũng mở rộng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.
Đó là dự án của Cty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) đã tăng thêm 485,8 triệu USD để sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester, gồm xơ dài filament, sản phẩm sợi cotton, sợi tổng hợp và dệt kim…
Tập đoàn Tainan Spinning cũng điều chỉnh tăng vốn cho Dự án Cty TNHH sợi Long Thái Tử tại KCN Long Khánh, với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 50 triệu USD.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch tập đoàn Dệt may Việt Nam nói rằng, không có TPP nhưng ngành dệt may Việt vẫn còn các FTA khác như: FTA VN - EU, FTA VN - Hàn Quốc, FTA VN - Nhật Bản, FTA VN- Liên minh kinh tế Á - Âu,…, những FTA này vẫn có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng tốt cho ngành dệt may Việt Nam.
“Với diễn biến bất lợi của TPP, các NĐT nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam vẫn quyết định tăng vốn đã cho thấy bức tranh sáng sủa, chứng tỏ môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn rất hấp dẫn”, ông Trường nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT TCty may Hưng Yên nói rằng, “trong rủi, có may” bởi muốn hưởng lợi từ TPP thì ngành dệt may phải có mọi công đoạn sản xuất “từ sợi trở đi”, tức là phải thực hiện trong nước hoặc tại các nước trong khu vực TPP. Nhưng đến nay ở Việt Nam, không có địa phương nào muốn đầu tư vào ngành dệt bởi những hệ lụy môi trường. Mặt khác, đa số nguyên liệu của ngành dệt may vẫn đang phải nhập khẩu nên rõ ràng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” khó thực hiện được.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng sẽ đánh thuế nhập khẩu 45% đối với hàng hoá Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn các NĐT đang đầu tư sản xuất ở Trung Quốc sẽ tìm thị trường khác để chuyển dịch đầu tư, trong đó Việt Nam sẽ là một điểm đến phù hợp nhất.
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, từ đầu năm tới nay, dù không có nhiều dự án mới, nhưng rất nhiều NĐT dệt may đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút gần 800 triệu USD vốn FDI vào ngành dệt may, đây được xem là con số không tệ trong bối cảnh không TPP như hiện nay.
Bên cạnh những thuận lợi từ các FTA, thì ngay bản thân các chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chi phí lao động cạnh tranh đã khiến Việt Nam trở thành trung tâm thu hút vốn FDI dệt may trong khu vực. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao Việt Nam đứng trong top 5 các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Quốc Anh / DĐDN