Các chuyên gia, nhà tư vấn đầu tư và công ty phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp dự báo sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, các nhà sản xuất quốc tế sẽ dịch chuyển đầu tư, trong đó Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia được chú ý.
Sản xuất của một doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Hùng Lê
Từ kế hoạch dịch chuyển nhà máy của Nhật Bản
Trong gói kích thích kinh tế khẩn cấp được thông qua vào ngày 7-4, chính phủ Nhật Bản kêu gọi tái lập chuỗi cung ứng đã bị tấn công bởi dịch bệnh. Chính phủ dành hơn 240 tỉ yên (khoảng 2,2 tỉ đô la Mỹ) trong kế hoạch ngân sách bổ sung cho năm tài khóa 2020 để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy về trong nước hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất bằng việc chuyển đến Đông Nam Á.
Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho rằng từ đại dịch Covid-19 cần rút ra một bài học đắt giá. Đó là sự mong manh của nền kinh tế trước một thảm họa bất ngờ khi doanh nghiệp quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu của một quốc gia.
Do đó, vào đầu tháng 4, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã công bố kế hoạch xây dựng nền kinh tế có khả năng chống chịu hơn với chuỗi cung ứng kép.
Ngoài việc hỗ trợ di dời sang Nhật Bản, METI sẽ còn hỗ trợ các công ty Nhật Bản muốn chuyển thiết bị và nhà máy sản xuất sang các địa điểm đầu tư khác như các quốc gia thành viên ASEAN.
Theo ông Hirai Shinji, Việt Nam sẽ là một quốc gia được chú ý nhiều với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau khi hồi phục bởi cú sốc từ dịch Covid-19. Năng lực quản lý rủi ro của Việt Nam cũng được các công ty Nhật đánh giá tích cực khi chính phủ đã thực hiện tốt việc kiểm soát dịch bệnh.
Hiện tại những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đang lan rộng có thể ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam. Tuy nhiên, về dài hạn, theo ông Shinji, hầu hết các tập đoàn sản xuất lớn đã có mặt ở Việt Nam và dòng vốn của những tập đoàn này sẽ được rót thêm vào lĩnh vực sản xuất chế tạo ở Việt Nam.
"Với những doanh nghiệp được thành lập 5 năm trở lại đây thì có đến 75% cho biết họ mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Đây là một tỷ lệ khá cao so với nhiều nước khác trong khu vực mà JETRO khảo sát gần nhất", ông Hirai Shinji chia sẻ.
Đến nhà đầu tư đa quốc gia khác
Sản xuất của một doanh nghiệp đa quốc gia ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Hùng Lê
Ở thời điểm này của năm ngoái, đánh giá về khả năng Việt Nam thu hút các nhà sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài trước cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, ông Trần Duy Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng các khu công nghiệp Kizuna, còn dè chừng và cho rằng không dễ dàng bởi sức hấp dẫn của thị trường hơn một tỉ dân là rất lớn.
Trung Quốc là cơ sở sản xuất toàn cầu, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho nhiều nước trên thế giới nên rời bỏ Trung Quốc, tìm nguồn cung ứng khác sẽ làm tăng chi phí sản xuất.
Thế nhưng sự cố đứt nguồn cung nguyên vật liệu, linh kiện sản xuất từ Trung Quốc do Covid-19, theo ông Vũ sẽ khiến không ít nhà sản xuất thế giới phải xem xét lại khi “bỏ trứng vào một giỏ”, phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ nước này. Đây cũng là lý do mà Kizuna vẫn tiếp tục rót vốn xây nhà xưởng để đón các nhà đầu tư khi dịch bệnh không còn.
Trong khi đó, tập đoàn cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản JLL cho rằng từ năm ngoái, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.
Dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam năm 2019 tăng 35,6% so với cùng kỳ, đối nghịch với mức giảm 16,2% trong lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Dữ liệu năm nay theo JLL dự báo sẽ bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục.
Việt Nam vẫn là một điếm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, chia sẻ, và cho rằng dù dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, chủ đầu tư vẫn tự tin tăng giá đất trong quí đầu năm 2020 do đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn.
Dưới tác động của Covid-19, việc tạm hoãn các thỏa thuận thuê đất và các nhu cầu mới sẽ ngày càng rõ nét hơn nếu tình hình không sớm cải thiện. Tuy nhiên, theo JLL, thị trường sẽ phục hồi và phát triển nhanh sau khi dịch được kiểm soát. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.
Các nhà xưởng sản xuất trong một khu công nghiệp-khu chế xuất ở TPHCM. Ảnh minh họa: Hùng Lê
Tập đoàn JLL cho rằng: Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong lương lai.
Trong lúc đó, Trung Quốc tập trung phát triển các ngành công nghiệp giá trị gia tăng. Đây là nơi tụ hội các công ty hàng đầu thế giới về pin mặt trời, mạng 5G, trí tuệ nhân tạo và sản xuất pin mà lý do chính là vì các doanh nghiệp này sản xuất ra sản phẩm có giá trị cao, tạo ra nguồn thu nhập thuế cao cho chính phủ.
Thêm nữa, các ngành công nghiệp sản xuất giá trị thấp thường gây ô nhiễm nhiều hơn, trong khi Trung Quốc đang mong muốn cải thiện môi trường tại các khu đô thị. Việc chuyển sang sản xuất sạch hơn, ít không gian hơn cũng sẽ giải phóng đất để tái quy hoạch.
Tương tự, VinaCapital từng dự đoán rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy nhanh quá trình di chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Còn ở thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 tiếp tục sẽ là nhân tố thúc đẩy quá trình này.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam. Mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc hiện cao gấp ba lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân nơi này cũng cao hơn.
Quy mô của Trung Quốc không thể được nhân rộng: lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc còn cao hơn dân số Việt Nam. Hơn nữa, một khối lượng lớn ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc, ông Stephen lưu ý.
Về lâu dài, nhiều doanh nghiệp có khả năng thay đổi kế hoạch sản xuất của họ để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro của những cú sốc tương tự trong tương lai. Cùng với các sáng kiến để cải thiện hiệu suất bền vững và hạn chế tác động môi trường của các hoạt động sản xuất, các nhà bán lẻ có thể lựa chọn sản xuất và mua sản phẩm từ thị trường nội địa, đại diện JLL kết luận.