Khi dịch Covid-19 xảy ra, chuỗi mắt xích trong ngành du lịch đã nảy sinh những mâu thuẫn. Những người suy nghĩ tích cực thì cho rằng đây là cơ hội giúp chuỗi mắt xích này tái thiết lập để cùng nhau phát triển bền vững hơn khi dịch đi qua.
Dịch vụ nhà hàng trên tàu du lịch trên sông Hàn, Đà Nẵng. Ảnh Nhân Tâm
Bài toán "chôn vốn" đặt cọc
Trong một lần trò chuyện gần đây, hai vị giám đốc của hai công ty du lịch, một có trụ sở tại Hội An và một có trụ sở tại Đà Nẵng, than trời về chuyện bị chôn vốn trong các chuỗi cung ứng khi xảy ra đại dịch.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Indochina Unique Tourist, chia sẻ công ty anh trước khi có dịch đã đặt cọc cho các đơn vị lưu trú và hàng không hàng chục tỉ đồng để đặt dịch vụ lưu trú và vận chuyển cho các tour của mình trong năm.
“Giờ trong lúc khó khăn, tôi muốn thỏa thuận tạm rút về để xoay xở, nhưng không được”, ông nói và dẫn chứng đối tác của mình là Mercure Bana Hills French Village tại Bà Nà, Đà Nẵng. Khi ông muốn rút lại tiền cọc trong thời gian này vì khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhưng khách sạn không đồng ý và chỉ chịu hoàn lại vào tháng 6 theo cam kết hợp đồng.
"Dòng tiền của chúng tôi đang bị đóng băng, một phần do các đối tác không chấp thuận cho rút lại tiền cọc để giải quyết khó khăn do Covid-19 gây ra".
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Indochina Unique Tourist.
Khi ông Thủy trao đổi đây là tình huống bất khả kháng thì mỗi bên cần nhường một bước với sự nhân văn. Nhưng phía khách sạn trả lời, họ cũng gặp khó khăn về mặt tài chính và chịu thiệt hại do dịch bệnh. “Nếu công ty ông muốn rút tiền về ngay thì phải chịu một khoản phạt”, theo thư phúc đáp của khách sạn gửi cho ông Thủy.
Bên cạnh cơ sở lưu trú, ông Thủy cũng muốn rút tiền cọc từ các hãng hàng không nhưng cũng là điều bất khả thi. “Họ chỉ chấp nhận dời các booking (đặt vé) sang năm 2021. Dòng tiền chúng tôi đang bị đóng băng”, ông cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours, thì tự an ủi: “Tôi thì đỡ hơn. Tôi đang bị mắc kẹt 3-5 tỉ đồng. Họ mà xù (không trả tiền) là tôi điêu đứng. Bây giờ, ai cũng vịn vào lý do Covid để không trả tiền”.
Ông cũng tư vấn ông Thủy nên tìm một luật sư kinh tế để tư vấn và giải quyết.
Đứt gãy chuỗi cung ứng
Chia sẻ với TBKTSG Online, anh Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vitours, cũng xác nhận những trường hợp như hai công ty vừa kể trên là không hiếm.
Ở thời điểm bình thường, các đơn vị trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, bao gồm lữ hành, hàng không, cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan… sẽ hợp tác trơn tru để phục vụ khách và cùng chia sẻ lợi nhuận. Nói một cách khác là sống cộng sinh với nhau và cũng có thể là cùng nhau chết.
“Nếu tình hình kéo dài thì các doanh nghiệp cùng ôm nhau chìm xuồng vì bị chôn vốn”.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vitours.
Sự thật là khi dịch Covid-19 xảy ra, đời sống cộng sinh nảy bắt đầu phát sinh vấn đề. Không có khách du lịch, không đơn vị nào có thể thu được tiền. Các đơn vị giữ tiền (như tiền đặt cọc nói trên) của nhau, chỉ ưu tiên giải quyết khó khăn của chính mình, vì vậy chuyện giải quyết mâu thuẫn đi vào vòng luẩn quẩn.
“Trong số các mắt xích trong chuỗi cung ứng thì đặt cọc cho hàng không chiếm số tiền lớn nhất của một công ty lữ hành. Tôi biết có những công ty đặt cọc cho các hãng hàng không lên đến 5-10 tỉ đồng. Các hãng hàng không cho di dời cọc sang năm nhưng các doanh nghiệp vẫn phải trả lãi và gốc tiền vay cho ngân hàng hằng tháng”, ông Tùng nói và đưa ra ví dụ. Một công ty muốn đặt dịch vụ cho các tour hè của mình gồm nội địa, inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) và outbound (khách Việt Nam ra nước ngoài) thì phải đặt cọc từ tháng 1.
“Nếu tình hình kéo dài thì các doanh nghiệp cùng ôm nhau chìm xuồng vì bị chôn vốn”, ông Tùng nói và chia sẻ thêm, tại Vitours cũng đang thiệt hại và các đối tác của công ty tại Hà Nội và TPHCM cũng bị thiệt hại theo.
Là người lâu năm của ngành du lịch, ông Tùng cũng hiểu được các hãng hàng không cũng có cái khó của riêng mình. Họ cũng bị kẹt số tiền lớn. Vì vậy, điều mà ông Tùng mong mỏi là có những hỗ trợ trực tiếp, cấp bách và đồng bộ hơn từ Nhà nước.
Du lịch online lên ngôi sẽ thay đổi chuỗi mắt xích?
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, câu chuyện chuỗi cung ứng phục vụ du lịch hỗ trợ nhau và cùng nhau phát triển là điều tất yếu lâu nay.
Khách du lịch nước ngoài tại Đà Nẵng những ngày chưa xảy ra dịch Covid-19. Ảnh: Nhân Tâm
Vì đây là mối quan hệ làm ăn lâu dài nên ông Dũng, cũng là Chủ tịch HĐQT Vietnam TravelMart, đề xuất các bên nên ưu tiên ngồi lại với nhau, giải quyết một cách hợp tình hợp lý. “Dựa vào cam kết hợp đồng hoặc bên thứ ba can thiệp chỉ là giải pháp cuối cùng”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng cũng nhắc đến một yếu tố thời gian dịch bệnh sẽ làm thay đổi hành vi mua hàng. Thói quen tiêu dùng trực tuyến sẽ trở nên phổ biến hơn khi nhiều khách hàng có cơ hội “ngâm cứu kỹ” về các tour du lịch. Họ sẽ dễ dàng tiếp cận trực tiếp các chuỗi cung ứng này.
"Các công ty lữ hành đóng vai trò rất lớn trong việc kết nối các mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch khi dịch qua đi".
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Thực tế, theo những chuyên gia trong ngành du lịch, sau dịch bệnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch và du lịch tự túc sẽ chiếm ưu thế.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, có 78,67% khách du lịch tham gia phản hồi tìm kiếm tour từ một công ty du lịch qua mạng xã hội như Facebook, Instagram…; trang web du lịch (64,89%); hỏi người quen, bạn bè (64,44%); qua video và các bài viết của Travel blogger (32,44%). Các hình thức truyền thống như đài phát thanh - truyền hình, báo - tạp chí và sách chiếm tỷ lệ thấp.
“Vì vậy sau dịch phải có những chương trình kích cầu. Lúc đó vai trò lữ hành là rất lớn vì sẽ phải kết nối các dịch vụ trong chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn”, ông Dũng cho biết.
Có cùng quan điểm với ông Dũng, ông Tùng của Vitours cho biết trong thời gian qua du lịch trực tuyến đã phát triển nhiều và sắp tới sẽ còn mạnh hơn nữa. Vì vậy các mắt xích trong chuỗi cung ứng cần phải thay đổi phương thức hoạt động và trở nên mạnh mẽ hơn.
Việc tổ chức hợp lý trong cuỗi cung ứng là điều quan trọng để có thể phát triển bền vững, bao gồm các đơn vị hạn chế cho nợ lẫn nhau và việc hợp tác với nhau cần bải bản hơn.