Nhờ hưởng lợi từ thị trường hàng không tăng trưởng nóng mà doanh thu và lợi nhuận của các công ty cung cấp suất ăn trên máy bay, bán hàng miễn thuế… đều tăng đột biến so với năm trước, có nơi gấp 20 lần.
Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài (Mã CK: NCS) mới đây đã chào bán bổ sung 3,98 triệu cổ phiếu, tương đương gần 40 tỷ đồng nhằm tăng vốn điều lệ theo kế hoạch. Cổ đông đang nắm giữ 60% cổ phần là Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines cũng vừa xin phê duyệt chủ trương góp thêm vốn để củng cố tỷ lệ sở hữu tại đơn vị này. Trong bối cảnh thực hiện nhiều đợt thoái vốn ở hầu hết công ty con trong vài năm trở lại đây, động thái này cho thấy Vietnam Airlines đang đặt nhiều kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của “con gà đẻ trứng vàng” ngành phụ trợ hàng không.
Báo cáo tài chính của NCS ghi nhận doanh thu thuần trong năm qua xấp xỉ 533 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 84,6 tỷ. Trong đó, doanh thu cung cấp suất ăn chiếm tỷ lệ 79%, nguồn thu còn lại đến từ hoạt động quản lý kho bãi, dịch vụ giặt ủi và vệ sinh dụng cụ trên máy bay. Công ty đặt mục tiêu cung cấp 6,77 triệu suất ăn cho gần 50.000 chuyến bay nội địa và quốc tế trong năm qua.
Hiện công ty là doanh nghiệp độc quyền cung cấp suất ăn cho nhiều hãng hàng không lớn như: Vietnam Airlines, Vietjet, Qatar Airways, Japan Airlines… tại sân bay Nội Bài. Ước tính mỗi ngày công ty bán 18.900 suất ăn cho các hãng hàng không với giá trung bình là 63.000 đồng, trong đó phần lãi khoảng 8.300 đồng.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành phụ trợ hàng không công bố lãi đột biến trong năm 2016.
Một trường hợp khác cũng tăng trưởng mạnh trong năm qua là Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn, với lợi nhuận sau thuế gấp đôi năm trước, đạt mức 174 tỷ đồng. Lý giải về khoản lãi tăng đột biến, ban lãnh đạo công ty cho rằng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc chi nhánh công ty tại cảng hàng không Đà Nẵng, Cam Ranh đã vận hành và phát sinh doanh thu, lợi nhuận ổn định từ giữa năm nay.
Lũy kế cả năm, doanh thu công ty đạt 876 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 598 tỷ đồng của năm 2015. Nhóm doanh thu hàng không đóng góp hơn 97% (tương đương 853,8 tỷ đồng), bao gồm các hoạt động cho thuê quầy thủ tục, kéo đẩy máy bay và phục vụ mặt đất. Doanh thu phi hàng không gồm dịch vụ hành lý, giặt ủi, bảo trì và sửa chữa tàu bay tuy chiếm tỷ trọng ít nhưng cũng đang tăng trưởng nhanh.
Mới đây, Công ty cổ phần dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, MCK: SAS) cũng đã công bố báo cáo tài chính với kết quả tăng trưởng ấn tượng nhất từ khi niêm yết trên sàn UPCoM. Theo đó, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 20 lần so với năm trước, đạt mức 233,9 tỷ đồng do thành công trong nhiều thương vụ chuyển nhượng vốn và đầu tư mua bán chứng khoán kinh doanh. Hiện hoạt động chính của Sasco là bán hàng tại các cửa hàng miễn thuế trong sân bay. Trong tổng doanh thu 2.089 tỷ đồng của năm 2016, hoạt động bán hàng tại các trung tâm thương mại và chi nhánh khác mang về hơn 1.000 tỷ đồng và 555 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo chưa kiểm toán của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), doanh thu và lợi nhuận trước thuế của đơn vị này lần lượt đạt 2.905 tỷ đồng và 774 tỷ, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ không lưu, dịch vụ thông tin dẫn đường và giám sát, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn… cho tất cả tàu bay dân dụng và vận tải quân sự (khi được ủy quyền) hoạt động tại các cảng hàng không trên cả nước, trên vùng trời và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.
Tổng sản lượng điều hành bay trong năm qua đạt 729.422 chuyến, trong đó có 376 lượt chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia đi đến và bay qua lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng là năm phá kỷ lục về lượng chuyến điều hành bay lớn nhất trong lịch sử phát triển của công ty.
Một số chuyên gia nhận định, chính sự tăng trưởng nóng của thị trường hàng không đã tác động tích cực, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các ngành dịch vụ phụ trợ.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, ước tính trong năm 2016, lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không đạt 52,2 triệu, tăng hơn 29% so với năm trước. Trong đó, lượng khách sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không giá rẻ chiếm gần 55% tổng lượng vận chuyển trên các chặng bay nội địa. Dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), giai đoạn 5 năm tới, ngành hàng không Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao thứ 5 thế giới, ước tính 7.3% mỗi năm.
Bên cạnh đó, quy định khung giá mới một số dịch vụ phi hàng không tại sân bay được Bộ Giao thông vận tải ban hành, có hiệu lực từ tháng 1 năm nay cũng là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, khung giá cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cơ bản đều tăng so với trước đây.
Phương Đông / VNExpress