Sau khi được xóa bỏ 7 dòng thuế đối với mỹ phẩm, nhiều thương hiệu chăm sóc sắc đẹp của Hàn Quốc đang tìm đường vào Việt Nam thông qua mô hình nhượng quyền.
“Việt Nam hiện là thị trường tiềm năng nhất đối với các công ty hoạt động trong ngành chăm sóc sắc đẹp của Hàn Quốc. Có thể xuất phát từ việc thu nhập bình quân ngày càng cao hoặc do yêu cầu công việc mà tỷ lệ phụ nữ và giới trẻ thành thị Việt Nam có nhu cầu làm đẹp bằng liệu trình chuyên nghiệp tăng rất nhanh. Theo một thống kê chưa chính thức, ước tính con số này vào khoảng 30%”, ông Cho Yun Oh – đại diện thương hiệu chăm sóc da và thẩm mỹ viện Beaupeople nhận định.
Theo ông Cho, Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu nhượng quyền nước ngoài trong ngành làm đẹp, do đó đây là thị trường màu mỡ và dự báo sẽ trở thành xu hướng kinh doanh dẫn dầu trong vòng 10 năm tới. Hiện công ty cũng tích cực tìm kiếm đối tác để phát triển mô hình nhượng quyền salon chăm sóc da và học viện thẩm mỹ.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của thị trường này là xu hướng tiêu dùng thay đổi liên tục do quá trình hội nhập diễn ra nhanh chóng, dẫn đến sự cạnh tranh và đào thải rất khốc liệt. Để đảm bảo khả năng thành công cao nhất, hầu hết doanh nghiệp Hàn Quốc đều xây dựng nền tảng vững chắc ở những thị trường lân cận như Thái Lan, Singapore… trước khi tính đến việc “đổ bộ” vào đây.
Doanh nghiệp chăm sóc sắc đẹp Hàn Quốc đang tích cực tìm đối tác nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam. |
Đại diện Leekaja HairBis, thương hiệu chăm sóc tóc sở hữu số lượng cửa hàng trong nhóm dẫn đầu tại Hàn Quốc mới đây cũng xác nhận thông tin Việt Nam có thể là điểm đến tiếp theo trong kế hoạch nhượng quyền thương hiệu toàn cầu. “Phần lớn các trào lưu Hàn Quốc đều được giới trẻ Việt Nam yêu thích, điển hình như âm nhạc và ẩm thực. Đây là một trong những điều làm chúng tôi tự tin hơn cho dự định chinh phục thị trường này”, vị này nói.
Chia sẻ về dự định tại thị trường Việt Nam, đại diện Leekaja HairBis cho biết ngoài dịch vụ chăm sóc tóc và phụ kiện nhập khẩu thì thương hiệu này cũng sẽ tập trung nghiên cứu những dòng sản phẩm làm đẹp riêng để phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Vị này cũng tiết lộ sẽ có chiến lược thu hút khách hàng nam giới, đối tượng ít được các nhãn hàng chăm sóc sắc đẹp quan tâm.
“Tôn chỉ của chúng tôi khi nhượng quyền thương hiệu tại bất cứ quốc gia nào là phải chú trọng đến việc đào tạo nhân lực tiếp quản và vận hành trung tâm chăm sóc sắc đẹp. Điều này được thực hiện thông qua các học viện thẩm mỹ với chương trình giảng dạy kết hợp bí quyết của Leekaja và tâm lý tiêu dùng của khách hàng địa phương. Chúng tôi có phần lo lắng khi thực hiện điều này tại thị trường Việt Nam”, đại diện thương hiệu này cho biết.
Ông Yoon Joo Young, Giám đốc Thương vụ Hàn Quốc tại TP HCM nhận định, mô hình nhượng quyền thương hiệu Hàn Quốc đang khá thành công trong vài năm gần đây, đặc biệt đối với lĩnh vực ẩm thực và làm đẹp. Thị trường này đang có điều kiện thuận lợi nhiều phía, từ xu hướng tiêu dùng của người Việt đến chính sách hợp tác thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).
Theo ông Yooon, việc ngày càng nhiều thương hiệu chăm sóc sắc đẹp nhắm đến thị trường Việt Nam là tín hiệu tích cực, ghi nhận những thành công ban đầu của VKFTA khi Việt Nam cam kết xóa bỏ 265 dòng thuế cho Hàn Quốc, trong đó có 7 dòng thuế áp dụng với mỹ phẩm. “Chúng tôi kỳ vọng việc doanh nghiệp Hàn Quốc tìm đến đây cũng sẽ tăng tính cạnh tranh, tạo động lực cho các thương hiệu nhượng quyền nội địa phát triển”, ông Yoon nói.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay có khoảng 163 thương hiệu nhượng quyền vào thị trường Việt Nam, đạt mức tăng trưởng khoảng 15-25% một năm. Trong đó, có 11 doanh nghiệp Hàn Quốc nhưng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực.
Riêng về mặt hàng mỹ phẩm, dữ liệu từ Trade Map của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, từ con số chưa đầy 500 triệu USD năm 2011, giá trị mỹ phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đã tăng lên hơn 1,1 tỷ USD năm 2016. Con số này được dự báo tiếp tục tăng gấp đôi, lên khoảng 2,2 tỷ USD vào năm 2020.
Các số liệu này cũng được củng cố khi báo cáo nghiên cứu thị trường của Euromonitor International cũng cho biết, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam, với 90% là hàng nhập khẩu, đã vượt mốc 1 tỷ USD từ cách đây 2 năm với mức tăng trưởng hằng năm thường xuyên đạt 2 con số.
Tỷ trọng dành cho mặt hàng này trong tổng ngân sách của của người tiêu dùng cũng được các chuyên gia ước tính tăng lên mức 1,2% sau 3 năm nữa, so với con số 0,4% của năm 2011.
Phương Đông / VnExpress