Trong 10 ứng dụng thương mại điện tử phổ biến nhất ở Việt Nam có sự góp mặt của Amazon và eBay.
Ảnh minh họa.
Mới đây, iPrice đã công bố báo cáo Tổng kết Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 hướng đến 2020.
Theo báo cáo này, 10 website thương mại điện tử phổ biến nhất ở Việt Nam ngoài các website sàn giao dịch phổ biến, còn có các website đến từ các hệ thống bán lẻ như website của Thế Giới Di Động xếp vị trí thứ 2, FPT Shop ở vị trí thứ 6 hay Hoàng Hà Mobile ở vị trí thứ 10.
Những hệ thống này chỉ bán sản phẩm công nghệ, điện máy thay vì tổng hợp mọi sản phẩm như các website thương mại điện tử thông thường.
Số liệu cũng cho thấy, Shopee đang là sàn thương mại điện tử dẫn đầu ở Việt Nam trong cả năm 2019. Trong năm qua, website này đã đưa vào một số chức năng mới trong đó có cả việc cho phép người bán live stream bán hàng, hợp tác với Grab để giao hàng trong ngày.
Với việc tập đoàn đứng sau là SEA Limited đạt doanh thu tăng 152% trong năm qua, iPrice đưa ra dự đoán trong năm 2020, website này vẫn còn có thể tiến xa hơn.
10 website TMĐT có lượt truy cập nhiều nhất Việt Nam năm 2019 (theo: iPrice)
Sendo trong năm 2019 lại hướng đến việc thu hút các khách hàng mới. Lượng truy cập từ quý 1 sang quý 2 của website này đã tăng 24%. Số lượt tải ứng dụng Sendo cũng đứng thứ 2 ở Việt Nam trong quý 2 và quý 3.
10 ứng dụng TMĐT được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam năm 2019.
Tiki trong năm qua đứng thứ 3 về số lượt tải ứng dụng, thứ 4 về lượt truy cập website. Dù có cả những chức năng như cho phép livestream qua TikiLIVE, có hệ thống kho bãi và giao hàng nhanh và cũng đã được tăng vốn trong năm 2019 nhưng vị trí của Tiki lại bị coi là tụt so với năm 2018.
Vào đầu năm nay, từng xuất hiện thông tin Tiki và Sendo có dự định sáp nhập để đối trọng lại 2 website quốc tế là Shopee và Lazada, tuy nhiên những thông tin này vẫn chưa rõ ràng.
Tuy xếp thứ 2 trong số các ứng dụng di động, Lazada chỉ đạt vị trí thứ 5 trong số các website thương mại điện tử có lượt truy cập lớn. Lý do có thể đến từ việc các hoạt động quả bá sản phẩm, khuyến mại của dịch vụ này chỉ có cho người dùng điện thoại.
iPrice dự đoán thương mại điện tử ở Việt Nam đã qua giai đoạn “giáo dục người dùng” về mua sắm trực tuyến. Đến nay nhiều việc mua sắm qua mạng đã trở thành phản xạ đối với người tiêu dùng. Việc truy cập vào các website đã được thực hiện trực tiếp bằng cách gõ địa chỉ, thay vì dùng công cụ tìm kiếm như trước đây.
Do vậy, cạnh tranh giữa các trang thương mại điện tử trong năm 2020 sẽ nằm ở dịch vụ mới, khả năng giao hàng trong 2 đến 3 giờ. Ngoài ra các sàn cũng cần có những biện pháp giữ chân khách hàng thiết thực hơn và việc phụ thuộc vào các chương trình giảm giá của khách hàng cũng sẽ giảm đi.