Số lượng công bố quốc tế hàng năm của Việt Nam đã cán mốc gần 10.000 bài/năm (năm 2018) trong đó các cơ sở giáo dục đại học đóng góp tới 70%. Tốc độ gia tăng các bài báo WoS & Scopus hàng năm của Việt Nam tăng mạnh (34,7% đối với cả nước và 41,6% đối với riêng các CSGDĐH). Vậy trường đại học nào có công bố quốc tế nhiều nhất nước?
Cán mốc 10.000 bài/năm
Số liệu công bố quốc tế trong CSDL WoS, Scopus và WoS & Scopus của Việt Nam nói chung và các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) nói riêng trong giai đoạn 2014-2018 được thống kê như sau:
Trong 5 năm đó, cả nước đã công bố 22.438 bài báo WoS, 29.932 bài báo Scopus và tổng cộng 32.732 bài trong CSDL tích hợp WoS & Scopus. Đồng thời, số liệu tương ứng của các CSGDĐH là 13.728 (WoS), 21.702 (Scopus) và 23.144 bài (WoS & Scopus), chiếm trung bình khoảng 70% so với năng suất của cả nước.
Về tổng số bài báo Scopus cao hơn số bài báo WoS 1,33 lần; tổng số bài báo WoS & Scopus cao hơn số bài báo WoS 1,46 lần và số bài báo Scopus 1,09 lần.
Lưu ý, tổng số bài báo WoS & Scopus trong giai đoạn 2014-2018 của Việt Nam chỉ tương đương với năng suất công bố bài báo Scopus của Indonesia trong năm 2017 (21.300 bài) hoặc năm 2018 (33.988 bài).
Năng suất khoa học - số lượng bài báo công bố trên Việt Nam đang tăng qua từng năm và có dấu hiệu tăng mạnh hơn sau năm 2017.
Trong giai đoạn 2014-2017, trung bình mỗi năm số lượng bài báo WoS & Scopus tăng khoảng 18,8% (từ 4.332 bài đến 7.217 bài trong 3 năm). Tuy nhiên, chỉ trong một năm từ 2017-2018, số lượng bài báo đã tăng lên 34,7% (từ 7.217 đến 9.719 bài). Như vậy, năm 2018, Việt Nam đã gần như đã cán mốc 10.000 công bố quốc tế một năm.
Kết quả này cao hơn một chút so với năng suất công bố bài báo Scopus hàng năm (ví dụ: 8.800 bài năm 2018) của Trường ĐHQG Singapore. Trong số đó, tốc độ gia tăng số công bố trong hai giai đoạn phân kỳ ấy của WoS là 22,4% và 30,5%; của Scopus là 18,1% và 33,7%.
Tương tự, số lượng bài báo WoS & Scopus của các CSGDĐH Việt Nam, từ 2014-2017, trung bình mỗi năm tăng 21,8%, nhưng chỉ tính riêng năm từ 2017-2018, con số này tăng lên đến 41,6%. Trong đó, tốc độ gia tăng số công bố trong hai giai đoạn phân kỳ ấy của WoS là 29,4 % và 38,5%; của Scopus là 21.3% và 41,1%.
Kết quả gia tăng công bố quốc tế theo bảng trên nhận thấy rằng, tỉ lệ gia tăng các bài báo Scopus ngày càng chiếm trọng số quan trọng và đặc biệt là sự đóng góp vào sự gia tăng đến từ các CSGDDH.
Kết quả này cho thấy các trường đại học tại Việt Nam đang dần quan tâm đến công bố quốc tế. Chính sự gia tăng năng suất công bố quốc tế của các CSGDĐH đã quyết định mức độ gia tăng chung về công bố quốc tế của cả nước. Sự gia tăng có tính chất đột biến này xảy ra trong thời kỳ các CSGDĐH Việt Nam được trao quyền tự chủ.
30 cơ sở giáo dục đại học có số lượng bài báo nhiều nhất
Số liệu về tổng số bài báo WoS & Scopus và số lần trích dẫn trong giai đoạn 2014-2018 được liệt kê cho thấy top 30 CSGDĐH có số lượng bài báo nhiều nhất trong giai đoạn 2014-2018.
Có thể thấy rằng, đến hết năm 2018, ĐHQGTpHCM và ĐHQGHN vẫn là hai cơ sở giáo dục có tổng số bài báo cao nhất. Điều thú vị là Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã vươn lên vị trí top 3 và Trường đại học Duy Tân nằm ở vị trí top 5.
Khi so sánh năng suất công bố quốc tế của các CSGDĐH có thể thấy số lượng bài báo của trường top 1 (ĐHQGTpHCM) chỉ nhiều hơn xấp xỉ 2 lần so với trường top 4 (Trường ĐHBK Hà Nội).
Thực tế, đây là 4 CSGDĐH hàng đầu của Việt Nam đã có tên trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế như QS, THE và AWRU.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các trường top 15 thì sự khác nhau về số lượng công bố quốc tế đã là 10 lần.
Đáng nói hơn, khi so sánh trường top 1 với top 30, sự khác biệt lên đến gần 50 lần. Điều này cho thấy ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 15 CSGDĐH có định hướng và năng lực nghiên cứu nổi trội. Đây là thông tin có ý nghĩa, có thể sử dụng để hoạch định chính sách phát triển các CSGDĐH.
Tổng số bài báo WoS & Scopus và số trích dẫn giai đoạn 2014-2018 của top 30 CSGDĐH Việt Nam.
Tổng số bài báo WoS & Scopus và số trích dẫn giai đoạn 2014-2018 của top 30 CSGDĐH Việt Nam.
Khi khảo sát cụ thể mức độ gia tăng trong thời gian gần đây của một số CSGDĐH có thể thấy rằng, trong giai đoạn 2014-2018, tốc độ gia tăng về công bố quốc tế hàng năm của ĐHQGHN, ĐHQG TpHCM và các CSGDĐH truyền thống hầu như không có sự đột biến, trong lúc đó Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân có tốc độ gia tăng vượt trội.
Năm 2017, số lượng bài báo WoS & Scopus của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã vượt qua ĐHQGHN và năm 2018 lại tiếp tục vượt qua ĐHQGTpHCM.
Năm 2018, số lượng bài báo WoS & Scopus của Trường ĐH Duy Tân cũng đã tiến kịp Trường ĐHBKHN. Trước đó, năm 2014, hai trường này thậm chí còn không nằm trong top 10 của Việt nam.
Đóng góp của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã làm thay đổi cán cân công bố quốc tế của các CSGDDH tại khu vực TP.HCM so với khu vực Hà Nội.
So sánh mức độ gia tăng về số lượng bài báo giữa các CSGDĐH tại khu vực Hà Nội và TP. HCM.
Cụ thể, vào năm 2014, số lượng bài báo WoS & Scopus của các CSGDĐH Hà Nội cao hơn, sự cân bằng giữa hai khu vực đã đạt được vào năm 2017. Vào năm 2018, số lượng bài báo của các CSGDĐH tại TP.HCM đã tăng mạnh, vượt xa so với số lượng bài báo của các CSGDĐH tại Hà Nội.
Xu thế này đang tiếp tục được khẳng định trong năm 2019. Tính đến 11/2019, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân lần lượt đã công bố được 2300 và 980 bài báo WoS & Scopus, dẫn đầu các CSGDĐH. Đồng thời, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã đứng đầu cả nước, vượt qua cả Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Kết quả phân tích cho thấy rằng, chỉ số trích dẫn trung bình của các CSGDĐH Việt Nam đạt giá trị 9,2. Sau khi đối sánh và chuẩn hóa với CSDL do bảng xếp hạng QS công bố cho ĐHQGHN, có thể thấy rằng chỉ số trích dẫn trung bình của Việt Nam xấp xỉ giá trị trung bình của khu vực châu Á.
Theo đó, Việt Nam có 7 CSGDĐH có chỉ số trích dẫn cao hơn chỉ số trung bình của cả nước và của châu Á là: Trường ĐH Y Hà Nội (18,1); Trường ĐH Y tế cộng đồng (16); Trường ĐH Duy Tân (11,8); Trường ĐH Mỏ Địa chất (11,0); ĐHQGHN (10,7); Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (10,6) và Trường ĐH Tôn Đức Thắng (10,3).
Ngoài trường hợp các trường đại học thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, chỉ số trích dẫn trung bình cao của Trường ĐH Mỏ Địa chất và Trường ĐH Kinh tế quốc dân là điều đáng ghi nhận. Các nghiên cứu của hai trường vừa nêu có thể vừa có tính cập nhật, đồng thời liên quan đến các vấn đề đặc thù của Việt Nam nên được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nhiều.
Trang điện tử của hệ thống CSDL tích hợp WoS và Scopus Vcgate https://vcgate.vnu.edu.vn:3000.
Các số liệu công bố trên thuộc công trình nghiên cứu phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) Web of Science và Scopus trên hệ thống Vcgate của ĐHQGHN đối với các bài báo của các tác giả Việt Nam. Nhóm nghiên cứu Nguyễn Hữu Thành Chung, Võ Đình Hiếu, Ngô Mạnh Dũng - ĐH Quốc gia Hà Nội đã triển khai xây dựng thành công Phần mềm hệ thống cổng thông tin chỉ số nghiên cứu Việt Nam.
Hiện nay, hệ thống này này đã chỉ mục cho gần 70 tạp chí xuất bản trực tuyến của Việt Nam với gần 50.000 bài báo, bước đầu phục vụ việc xếp hạng chất lượng các tạp chí và cung cấp khả năng phân tích, đánh giá năng lực công bố kết quả nghiên cứu ở trong nước.
Ngoài việc thu thập và chỉ mục cho các bài báo trên các tạp chí của Việt Nam, Vcgate còn có khả năng thu thập chỉ số trích dẫn. Do đó, Vcgate có chức năng tương tự như các hệ thống CSDL khoa học của các quốc gia khác, đặc biệt rất tương đồng với WoS và Scopus.
Đặc biệt, công trình này cũng chỉ ra mối liên hệ giữa tự chủ đại học và việc nâng cao năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học.
Theo Hồng Hạnh / dantri.com.vn