Nhìn từ trên cao, khu vực này có hình dạng chữ S uốn cong mềm mại giống như bản đồ Việt Nam thu nhỏ. Đây cũng là nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền, thu hút đông đảo giới nhiếp ảnh và các tín đồ mê xê dịch tới ghé thăm, trải nghiệm.
Là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng cả nước, Phú Yên trở thành cái tên hàng đầu được đông đảo du khách lựa chọn dừng chân vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nơi đây sở hữu khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, được ví như xứ “hoa vàng cỏ xanh”, còn chi phí dịch vụ phải chăng và người dân thân thiện, nhiệt tình.
Ở Phú Yên, ngoài những điểm check-in quen thuộc như tháp Nghinh Phong, vịnh Vũng Rô, hòn Yến, Ghềnh Ông - Bãi Xép... còn có một nơi hấp dẫn không kém, thu hút bất kỳ du khách nào khi đặt chân tới miền biển này. Đó chính là Mũi Điện.
Mũi Điện (hay còn được biết đến với tên gọi Mũi Đại Lãnh) thuộc thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên và nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về phía Nam.
Mũi Điện tọa lạc gần bến cảng Vũng Rô và nằm dưới dãy đèo Cả - một trong những cung đường hùng vĩ nhất Việt Nam. Năm 2008, Mũi Điện vinh dự được Bộ Văn Hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh thắng cấp Quốc gia (Ảnh: Mai Ka)
Khung cảnh lúc bình minh trên quốc lộ 29, đoạn qua Mũi Điện - Hải đăng Đại Lãnh thơ mộng, đẹp ngỡ ngàng (Ảnh: Hoàng Minh Đức)
Không chỉ gây ấn tượng bởi phong cảnh tuyệt đẹp, tràn ngập sắc xanh của biển cả và cỏ cây hay những mỏm đá nhiều hình thù độc đáo, Mũi Điện còn “hút hồn” giới nhiếp ảnh và những tín đồ ưa xê dịch bởi hình dạng chữ S mềm mại khi nhìn từ trên cao, tựa như bản đồ Việt Nam thu nhỏ.
Đặc biệt, đây còn là một trong những nơi đón bình minh sớm nhất trên đất liền ở nước ta. Nhiều du khách tới du lịch Mũi Điện không ngần ngại thức dậy từ 3h sáng để kịp “săn” khoảnh khắc đón những ánh nắng mặt trời đầu tiên trong ngày.
Mũi Điện nhìn từ trên cao có hình dạng giống như chữ S uốn cong mềm mại, tựa bản đồ Việt Nam thu nhỏ (Ảnh: Hoàng Vũ)
Ở Mũi Điện, ngọn hải đăng đứng sừng sững trên đỉnh đồi, mặt quay ra biển là điểm check-in nổi tiếng, hút khách. Nằm ở độ cao 110m so với mặt nước biển, du khách khi đứng từ nơi cao nhất của ngọn hải đăng sẽ dễ dàng phóng tầm mắt ra xa, ngắm trọn cảnh biển đẹp như tranh vẽ.
Một trải nghiệm được đánh giá không thể bỏ lỡ khi tới Mũi Điện chính là "săn" bình minh. Điểm đến này là một trong những nơi cực đông của Tổ quốc, là nơi trên đất liền có thể đón bình minh sớm nhất trong ngày (Ảnh: Đức Ngô)
Để tới ngọn hải đăng này, du khách có thể chọn đi bộ chừng 15 – 30 phút, thong dong ngắm cảnh trên đoạn đường dài chừng 1km hoặc thuê xe ôm của người bản địa với mức giá 50.000 đồng/2 người/chiều. Phí tham quan tại ngọn hải đăng là 20.000 đồng/người.
Tới đây, sau khi tham quan, check-in ngọn hải đăng, du khách có thể kết hợp trải nghiệm những vách đá phía dưới hay các khu vực lân cận để khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên nơi này.
Để tới được đỉnh ngọn hải Đăng Mũi Điện, du khách phải leo khoảng 110 bậc thang xoắn ốc (Ảnh: Mai Ka)
Ngoài ngọn hải đăng, du khách có dịp ghé thăm Mũi Điện có thể tranh thủ kết hợp khám phá một số điểm đến lân cận khác như Mũi Rạng Đông, Bãi Môn,… hay thưởng thức các món ngon địa phương chế biến từ hải sản như cua huỳnh đế, mực, tôm,… với chi phí phải chăng.
Để di chuyển đến Mũi Điện từ thành phố Tuy Hòa, du khách có thể lựa chọn hai cung đường. Một là đi theo quốc lộ 1, qua Đèo Cả rồi rẽ trái qua hướng vịnh Vũng Rô. Hai là đi thẳng đường dọc biển Phước Tân - Bãi Ngà. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của nhiều du khách đã từng đến đây, bạn nên đi theo con đường dọc biển Phước Tân - Bãi Ngà bởi đây là đoạn đường dễ đi, có cảnh sắc xinh đẹp và khá gần để đến Mũi Điện.
Ngoài Mũi Điện, nếu có dịp du lịch TP. Tuy Hòa, Phú Yên, du khách cũng có thể kết hợp ghé thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng khác như Gành Đá Đĩa (hay Ghềnh Đá Đĩa, thuộc địa phận thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An); Bãi Xép (cách TP. Tuy Hòa khoảng 13km) gây ấn tượng với những bụi xương rồng xanh mướt trên đỉnh núi; tháp Nghinh Phong (tọa lạc tại quảng trường Nghinh Phong, TP. Tuy Hòa);… (Ảnh: Nguyễn Xuân Vĩnh, Huệ Ling)