Ngày 9/6, tại Công ty CP Gốm Chu Đậu (Hải Dương), Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Phát triển mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu”.
Khách hàng thăm quan khu trưng bày sản phẩm tại Công ty CP Gốm Chu Đậu
Theo ông Vũ Hy Thiều - chuyên gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ (TCMN), hàng TCMN của Việt Nam đã vươn ra thị trường nước ngoài và tiếp cận được những thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Hàn Quốc… với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, việc mở rộng thị phần cũng như cạnh tranh trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp phải tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu qua các đối tác trung gian khiến lợi nhuận thấp không đủ để doanh nghiệp tái đầu tư.
Nguyên nhân là do sản phẩm thiếu tính sáng tạo, không có mẫu mã mới. Việc sản xuất đại trà theo kinh nghiệm truyền thống khiến sản phẩm TCMN không có sự đa dạng, dẫn đến giá trị đơn hàng ngày càng thấp. Các mẫu mã sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài không có giá trị bền vững mà chỉ có thể đáp ứng đối với một số lô hàng trong thời gian nhất định.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Quốc Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: Mẫu mã chậm cải tiến khiến sản phẩm truyền thống của các làng nghề bị hàng hóa nước ngoài cạnh tranh gay gắt tại chính làng nghề của mình. Và đây cũng chính là “điểm nghẽn” cho xuất khẩu mặt hàng này.
Bà Phạm Thị Hòa, chủ cở sở tranh thêu tay cao cấp Hòa Nhựa (Hải Dương) đề xuất: Doanh nghiệp sản xuất TCMN chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, do đó cần có những chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp sản xuất bền vững, tiếp cận được nhiều thị trường.
Theo thống kê, hiện cả nước có trên 5.000 làng nghề và làng có nghề nhưng hầu hết trong số này vẫn hoạt động tự phát, manh mún, thậm chí không ít làng nghề đứng trước nguy cơ mai một. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, doanh nghiệp và địa phương cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt, có giá trị sử dụng cao, không nên sản xuất đại trà vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh của sản phẩm Trung Quốc. Đặc biệt chú trọng mẫu mã sản phẩm để tháo gỡ điểm nghẽn xuất khẩu hàng TCMN. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp sản xuất cần được hỗ trợ thông tin thị trường, rào cản kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.