Hàn Quốc đang tạo điểm nhấn tích cực trong dòng chảy FDI vào Việt Nam. Song, ở tình hình chung, đầu mối chuyên trách cảnh báo sẽ có dịch chuyển sản xuất sang nước khác nếu không kiểm soát tốt COVID-19.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đó, trong 9 tháng, đã có 1.212 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) (giảm 37,8%). Trong khi tổng vốn đăng ký đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ).
Trong giai đoạn, có 678 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 15%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ).
Cùng với đó, đã có 2.830 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 45,3%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,2 tỷ USD (giảm 43,8% so với cùng kỳ).
Tính lũy kế đến ngày 20/09/2021, cả nước có 34.141 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 403,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 245,14 tỷ USD, bằng 60,8% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
VỐN THỰC HIỆN THÁNG 9 TIẾP TỤC SUY GIẢM DO COVID-19
Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, việc đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp đã tiếp tục có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực phía Nam.
Với việc nhiều nhà máy đã bị ngưng hoặc giảm công suất, ước tính các dự án ĐTNN đã giải ngân được 13,28 tỷ USD trong 9 tháng năm 2021, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 5,5 điểm % so với 8 tháng năm 2021.
Thống kê cho thấy, tính chung 9 tháng, nhiều tiêu chí như số lượng dự án mới, lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, lượt GVMCP hay tổng giá trị góp vốn đều có tỷ lệ giảm tới hai con số so với cùng kỳ.
Tuy vậy, mặt tích cực là vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh vẫn duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với lũy kế của 8 tháng đầu năm, tiếp tục cho thấy quy mô, chất lượng của các dự án đang tăng lên.
“Việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 9 tháng năm 2021”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Cùng với đó, việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư.
Ngoài ra, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các KCN làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Đáng quan ngại hơn là việc Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá: Do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất nên nhiều đơn hàng đã phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng.
"Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác", Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN CHẾ TẠO CHIẾM TRÊN 50% TỔNG VỐN ĐĂNG KÝ
Trong 9 tháng đầu năm, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 11,8 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như GVMCP không nhiều song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,5 tỷ USD, chiếm gần 25%.
Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,78 tỷ USD và trên 750 triệu USD.
Nếu xét về số lượng dự án mới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu, chiếm lần lượt 33,2%, 28,2% và 14,9% tổng số dự án.
HÀN QUỐC VƯỢT NHẬT BẢN TRỞ THÀNH ĐỐI TÁC FDI LỚN THỨ 2
Xét theo đối tác đầu tư, trong giai đoạn đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, Singapore tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 7,2% so với cùng kỳ 2020.
Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản, đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư, tăng 23,4% so với cùng kỳ.
Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư, tăng 88,8% so với cùng kỳ.
Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…
Vốn đầu tư của Singapore gấp 1,6 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp gần 1,9 lần vốn đầu tư của Nhật Bản do Singapore có dự án lên tới 3,1 tỷ USD. Riêng dự án trên đã chiếm tới 49,3% tổng vốn đầu tư của đảo quốc này.
Điểm nhấn gần đây từ dòng vốn FDI của Hàn Quốc là việc LG Display điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD. Trong đó, việc điều chỉnh tăng 1,4 tỷ USD ngày 30/8 vừa qua chưa được cập nhật trong số liệu FDI tháng 8 của Cục Đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc mặc dù xếp thứ hai về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như số lượt GVMCP. Do đó, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất.
Xét theo địa bàn đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nhờ dự án điện gió trị giá 3,1 tỷ USD, Long An dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, riêng dự án điện 3,1 tỷ USD đã chiếm tới 85,3% tổng vốn đầu tư của Long An.
Với dự án điều chỉnh vốn lớn 1,4 tỷ USD của LG Display, Hải Phòng vượt lên đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 2,7 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư. TP.HCM đứng thứ ba với gần 2,4 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh,…
Nếu xét về số dự án, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh.
Trong đó, TP.HCM dẫn đầu cả về số dự án mới (33,3%), số lượt dự án điều chỉnh (17,4%) và GVMCP (59,5%). Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút ĐTNN, song xếp thứ hai về số dự án mới (21,1%), số lượt dự án điều chỉnh (14%) và GVMCP (11,9%).
XUẤT NHẬP KHẨU CỦA KHỐI FDI TIẾP TỤC "BÙ ĐẮP" NHẬP SIÊU
Theo ghi nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất nhập khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng trong 9 tháng, song mức độ tăng đã giảm nhẹ so với thóng kê của 8 tháng.
Cụ thể, xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt gần 178 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,8% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt trên 176,8 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ, chiếm 73,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Trong khi đó nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt 159,8 tỷ USD, tăng 34,4% so cùng kỳ và chiếm 65,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Tính chung trong 9 tháng, khu vực ĐTNN đã xuất siêu gần 18,2 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 17,1 tỷ USD không kể dầu thô.
Như vậy, so với giai đoạn đầu năm, số lượng xuất siêu lớn của khu vực FDI đã không còn đủ bù đắp phần nhập siêu lớn của khu vực doanh nghiệp trong nước (lên tới 21,8 tỷ USD).