Mức xuất siêu kỷ lục 13,49 tỷ USD sau 8 tháng có thể coi là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến thương mại toàn cầu suy giảm.
8 tháng qua, trong khi xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ, thì nhập khẩu chỉ đạt 161,87 tỷ USD, giảm 2,4%.
Vì sao xuất siêu 8 tháng qua tăng cao bất thường như vậy. Với 13,49 tỷ USD, xuất siêu 8 tháng năm 2020 cao hơn 1,6 tỷ USD so với con số 11,9 tỷ USD ước tính trước đó, tăng gấp 2,78 lần con số 4,85 tỷ USD cùng kỳ năm 2018 và gấp 2,46 lần cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng trong tháng 8 năm nay, thặng dư thương mại của Việt Nam lên tới 4,99 tỷ USD.
Nếu xuất siêu lớn nhờ xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng, trong đó xuất khẩu tăng nhanh hơn, thì đó là điều đáng mừng. Nhưng ở trường hợp này, 8 tháng qua, trong khi xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ, thì nhập khẩu chỉ đạt 161,87 tỷ USD, giảm 2,4%. Có nghĩa, chúng ta xuất siêu kỷ lục chủ yếu do nhập khẩu giảm.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc lớn vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu lâu nay của nền kinh tế, có trên 90% là thiết bị máy móc, nguyên vật liệu đầu vào, chỉ 8 - 10% là dành cho tiêu dùng.
Vì thế, đặt trong bối cảnh Covid-19, nhập khẩu giảm có thể là do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cũng có thể do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn trong nhập khẩu hàng hóa.
Nhưng với lý do nào cũng đều dẫn tới thực tế là, sản xuất - kinh doanh đang gặp khó, thậm chí đình trệ. 8 tháng, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ 2019, thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Tình hình sẽ khó cải thiện trong những tháng cuối năm, nếu nhập khẩu tiếp tục suy giảm.
Ở góc độ khác, sản xuất khó khăn thì ảnh hưởng tới việc làm, tới thu nhập của người dân. Do đó có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng khi người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu.
Nhập khẩu giảm, xuất khẩu tăng, dù tăng ở mức thấp, tất yếu sẽ dẫn tới xuất siêu lớn. Song là xuất siêu trong trạng thái “không bình thường”, nên đã phần nào cho thấy những khó khăn của nền kinh tế. Chưa kể còn một thực tế đã nhiều năm nay không thể thay đổi, đó là xuất siêu hoàn toàn do phần đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, khu vực trong nước luôn nhập lớn với trên 9 tỷ USD trong 8 tháng qua, trong khi khu vực FDI xuất siêu 22,54 tỷ USD.
Bức tranh xuất siêu vì thế không hoàn toàn màu hồng. Nhưng rõ ràng, vẫn có thể nhìn thấy những điểm sáng từ những con số thống kê về thương mại hàng hóa của Việt Nam. Thay vì con số ước tính 174,11 tỷ USD, thì con số chính thức là qua 8 tháng, cả nước xuất khẩu 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ 2019. Tính chung, cả xuất và nhập khẩu 337,23 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước.
Nghĩa là bất chấp những tác động của Covid-19, thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn duy trì tốt, không bị suy giảm.
Thêm vào đó, một điều quan trọng nữa là với thặng dư thương mại hàng hóa lớn, Việt Nam đã xuất siêu ngay cả khi tính gộp phần thương mại dịch vụ. Chưa có con số chính thức của 9 tháng, nhưng theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 4,2 tỷ USD dịch vụ, bằng 88,6% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ, trong khi vào thời điểm đó, Việt Nam xuất siêu 5,46 tỷ USD hàng hóa.
Nên nhớ, dù những năm gần đây, Việt Nam liên tục xuất siêu hàng hóa, nhưng đồng thời có nhập siêu dịch vụ và gần như xuất siêu hàng hóa không đủ để bù đắp nhập siêu dịch vụ. Câu chuyện chỉ khác đi, đặc biệt từ năm ngoái, khi Việt Nam xuất siêu 11,12 tỷ USD hàng hóa và nhập siêu 2,5 tỷ USD dịch vụ, tính chung vẫn có xuất siêu lớn.
Xu hướng trên tiếp tục diễn ra trong năm nay. Tính chung cả hàng hóa và dịch vụ, Việt Nam đang xuất siêu. Điều này sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, tới cán cân thanh toán quốc tế, tới dự trữ ngoại tệ và tỷ giá. Đây là điều cần được đánh giá cao.
Mặc dù vậy, cũng cần phải thấy rằng, mức xuất siêu kỷ lục như hiện tại chưa thể bền vững. Mọi chuyện chỉ có thể giải quyết bằng việc cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại hàng hóa xuất nhập khẩu, xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, phát triển công nghiệp hỗ trợ… để kinh tế Việt Nam không quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài.