Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy sản xuất ở Việt Nam mà các nhà sản xuất quốc tế cũng tăng cường tìm đến Việt Nam như một thị trường cung ứng thay thế, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề về nguồn cung linh phụ kiện cho sản xuất.
Khó khăn, dịch bệnh, hàng chục ngàn doanh nghiệp rời thị trường
Dây truyền sản xuất sợi DTY của Sợi Thế Kỷ. Ảnh: STK
Liên tiếp nhận đơn hàng nước ngoài
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết do bị đứt nguồn cung vì dịch bệnh từ Covid-19, đã có doanh nghiệp sản xuất chế tạo máy của châu Âu tại Việt Nam tìm đến Duy Khanh để đặt hàng nhằm thay thế nguồn cung từ Trung Quốc.
Doanh nghiệp sản xuất này đã đặt 10 mẫu chi tiết mặt hàng các loại và hiện Duy Khanh cũng đã gửi những sản phẩm mẫu làm ra đến khách hàng này xem xét về chất lượng, mẫu mã,... Trên thực tế, sản phẩm của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam được xuất sang thị trường châu Âu không nhiều.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ có nhà máy sản xuất tại TPHCM và Tây Ninh cho biết doanh thu 2 tháng đầu năm nay của công ty tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái một phần cũng do tăng đơn hàng từ phía các đối tác bị đứt nguồn cung ở Trung Quốc vì dịch Covid-19.
Hiện các nhà máy sản xuất của Sợi Thế Kỷ đã chạy hết công suất sản xuất, nhưng theo bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc chiến lược của Sợi Thế Kỷ, công ty đang nhận được nhiều đơn hàng mới của các nhà sản xuất ở Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ.
Bà Chi cho biết, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vốn là khách hàng của công ty giờ đây cũng tăng lượng đơn hàng tại nhà máy Sợi Thế Kỷ sau khi tập trung lượng lớn nguồn cung nhập từ Trung Quốc.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, cũng cho biết sự cố đứt nguồn cung từ Trung Quốc do dịch bệnh Covid-19, bên cạnh các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam, các nhà sản xuất ở các nước cũng trực tiếp liên hệ với Trung tâm bà để nhờ hỗ trợ tìm nhà cung cấp và đặt hàng sản xuất.
Cụ thể có ít nhất 5 nhà sản xuất với thương hiệu lớn trên thế giới gồm 2 doanh nghiệp Nhật Bản và 2 doanh nghiệp Hàn Quốc đang sản xuất tại Trung Quốc cùng một nhà sản xuất tại Đức đã có đề nghị này. Những doanh nghiệp này chuyên sản xuất những mặt hàng điện tử gia dụng, máy móc công nghiệp đặt hàng những sản phẩm cơ khí chính xác, linh kiện điện tử, xi mạ,..
Theo bà Oanh, do sản xuất phục vụ nhiều thị trường trên thế giới nên nhu cầu đặt hàng của những nhà sản xuất này rất lớn. Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển và mở rộng thị trường.
Sản xuất lắp ráp của một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Hoàng
Không dễ nắm bắt cơ hội
Phần lớn các doanh nghiệp và giới phân tích đánh giá qua trận dịch này, khả năng cao trong thời gian tới các nhà sản xuất trên thế giới sẽ không thể tiếp tục mạo hiểm để "bỏ trứng vào một giỏ" như lâu nay mà cụ thể là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ thị trường Trung Quốc.
Các nhà sản xuất toàn cầu sẽ đa dạng hóa thị trường nguồn cung nhằm phân tán rủi ro, và Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để trở thành một trong những thị trường có thể giảm rủi ro đó. Những động thái "đặt hàng" nói trên của các nhà sản xuất cũng phần nào cho thấy điều đó để doanh nghiệp Việt Nam có thể gia tăng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Sau sự cố bị gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc kéo dài do dịch bệnh Covid-19, các nhà sản xuất sẽ phải tính đến việc đa dạng hóa thị trường cung cấp hơn nữa. Về trung và dài hạn, điều này sẽ có lợi cho các nhà cung cấp Việt Nam", bà Nguyễn Phương Chi đưa ra dự báo.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh cũng tin rằng với trận dịch này các công ty đa quốc gia sẽ cấu trúc lại chuỗi cung ứng và đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội này với một số ngành khác không hề dễ dàng. Lãnh đạo Công ty Duy Khanh, doanh nghiệp chuyên sản xuất linh phụ kiện trong lĩnh vực cơ khí đã cung cấp cho các nhà sản xuất trong Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), cho rằng để doanh nghiệp châu Âu nói trên mua hàng của Duy Khanh thay thế nguồn cung ở Trung Quốc không phải chuyện một sớm một chiều.
Về chất lượng Duy Khanh không ngại. Nhưng về giá cả, sản phẩm của Duy Khanh vẫn chưa thể cạnh tranh với linh phụ kiện sản xuất tại Trung Quốc. Theo ông Đỗ Phước Tống, có những nguyên phụ liệu để sản xuất ra thành phẩm, Duy Khanh còn phải nhập khẩu ở thị trường Trung Quốc nên giá thành bán ra chưa thể cạnh tranh với những doanh nghiệp hoạt động cùng ngành tại quốc gia này vốn có nguồn nguyên liệu tại chỗ có thể đáp ứng nhanh và không phải tốn nhiều về chi phí vận chuyển.
Mặt khác, thông thường những nhà sản xuất khi chuyển đơn hàng qua nhà cung cấp mới cũng chỉ giới hạn ở một số lượng nhất định nên khó có thể cạnh tranh với giá bán của nhà cung ứng lâu năm sản xuất với số lượng lớn, giảm được nhiều chi phí.
Mặc dù vậy, ông Tống vẫn kỳ vọng qua trận dịch này, nhà sản xuất châu Âu nói trên sẽ tìm thấy những lợi thế của công ty ông cũng như Duy Khanh và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí trong nước nói chung có cơ hội tiếp cận các nhà sản xuất trên thế giới.
Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước. Ảnh minh họa: Hùng Lê
Tương tự, bà Oanh, cho rằng khả năng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đáp ứng được các đơn hàng của 5 nhà sản xuất nói trên cũng rất khó. Bởi lẽ có những mặt hàng như kỹ thuật xi mạ kim loại đòi hỏi phải có chuyên gia của chính đơn vị mua hàng trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, giám sát quá trình thử nghiệm, đánh giá môi trường rất gay gắt.
Trong khi đó, do diễn biến dịch bệnh phức tạp và kéo dài dẫn đến việc đi lại giữa các nước còn hạn chế, nên các doanh nghiệp trong nước được giới thiệu tiếp cận với các nhà sản xuất này cũng chưa thể gặp được để trực tiếp bàn phương án triển khai thực hiện hoặc hỗ trợ về mặt kỹ thuật.
Một khó khăn nữa theo bà Oanh, đó là phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước có quy mô nhỏ, khả năng cung ứng hàng loạt (Max Production) thấp, việc kiểm soát chi phí sản xuất chưa cao.
Đáng chú ý, nhà sản xuất luôn yêu cầu linh kiện và phụ tùng phải đáp ứng nhanh và kịp thời có thể là hàng tuần hoặc thậm chí là hàng ngày, trong khi điều này đối với phần lớn doanh nghiệp linh phụ kiện trong nước là chưa thể đáp ứng được. Dẫn đến việc nắm bắt ngay cơ hội chuyển dịch đơn hàng này đối với các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng không phải dễ dàng, bà Oanh phân tích.
Chính vì thế, theo các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, cơ hội trước mắt nhưng năng lực có hạn, nhiều mặt hàng khó có thể sản xuất được do thiếu máy móc, công nghệ, trình độ nhân công chưa cao,...
Thực tế này không phải mới diễn ra mà theo bà Oanh nhiều doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy sản xuất ở Việt Nam cũng đã nhiều lần phản ánh khó khăn trong việc tìm nhà cung cấp tại chỗ.
Dù vậy có thể thấy sự quan tâm tìm kiếm của các nhà cung ứng không chỉ còn giới hạn ở các nhà sản xuất tại Việt Nam mà còn cả các nhà sản xuất lớn trên thế giới trong bối cảnh nguồn cung từ Trung Quốc khó khăn.
Để cải thiện việc này, theo bà Oanh, chính bản thân doanh nghiệp phải quyết tâm nỗ lực và cần thay đổi tư duy quản trị, cộng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước và sự đồng hành hỗ trợ của nhà sản xuất (đơn vị mua hàng) thì mới có khả năng cải thiện được phần nào. Vấn đề này, trong những năm qua phần nào Samsung đã thực hiện và đã đưa được một số nhà cung cấp trong nước trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các dự án ở Việt Nam của hãng hiện nay.