Đào tạo người lao động có trình độ tay nghề cao là một giải pháp “đi tắt đón đầu” nhằm đẩy mạnh thu hút các nguồn đầu tư vào các tỉnh biên giới miền núi như Điện Biên.
Lãnh đạo Sở Lao động thương binh và xã hội trao đổi kinh nghiệm về công tác tư vấn việc làm và dạy nghề
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 13 cơ sở dạy nghề, 1 trường CĐ nghề trên địa bàn Thành phố Điện Biên Phủ, 8 trung tâm dạy nghề đóng trên địa bàn các huyện và 4 cơ sở khác có chức năng dạy nghề với cơ sở vật chất tương đối đầy đủ.
Đặc biệt, hàng năm, Sở Lao động Thương binh và xã hội Điện Biên đã tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm của người lao động, thực trạng lao động của các doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng lao động có nghề của các doanh nghiệp, để tổ chức các hội nghị tư vấn tuyển dụng lao động, tiếp nhận đăng ký tìm việc làm của người lao động giới thiệu cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Năm 2015 Sở tổ chức thành công ngày hội việc làm với 22 gian hàng của các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia, đã có 947 lao động được tư vấn giới thiệu việc làm, số lao động đăng ký tuyển chọn là 531 người sau khi được tư vấn đã tham gia đăng ký tuyển dụng, đã có 170 lao động nộp hồ sơ và được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Sở cũng chỉ đạo cho các trường, các trung tâm dạy nghề xuống các khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn ở khu vực phía bắc để liên kết với doanh nghiệp nghiệp xem họ có định hướng tuyển sinh nghề gì với trình độ tay nghề ra sao để có đơn đặt hàng cụ thể và các cơ sở dạy nghề có kế hoạch đào tạo cho người lao động.
Sở đã liên kết với Tập đoàn than khoáng sản, khu công nghiệp Thái nguyên, Bắc Ninh, tập đoàn Sam Sung, Công ty May Hưng Yên… Và qua khảo sát của Sở cho thấy tỷ lệ học viên có việc làm đúng nghề chiếm gần 75%. Mức thu nhập của học viên khá cao, như Tập đoàn Sam Sung thu nhập trung bình từ 6 – 7 triệu/tháng, thậm chí tại tập đoàn Than khoáng sản có học viên với mức thu nhập 27 triệu/tháng.
Ngoài ra, các trung tâm đào tạo nghề của tỉnh cũng như của huyện kết hợp đào tạo một số nghề để phục vụ cho xuất khẩu lao động vươn ra thị trường sức lao động ở nước ngoài. Năm 2015, tỉnh đã đưa đi xuất khẩu được 50 người. Điện Biên đang chú trọng 1 số thị trường như Đài Loan, Nhật, Đức, Malaixia, Arap, Lào…
Bên cạnh đó để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao thì sở cũng luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho học viên, dạy ngoại ngữ cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của thị trường tiếp nhận lao động trong tỉnh, trong nước và nước ngoài, nhất là thị trường có thu nhập cao.
Lan Phương / DĐDN