Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã khẳng định tầm quan trọng của các nguồn năng lượng sạch trong việc đảm bảo điện cho phát triển kinh tế – xã hội gắn với môi trường.
Theo quy hoạch điện VII, đến năm 2020 Việt Nam sẽ khai thác được khoảng 850MW điện mặt trời và nâng lên 4.000MW vào năm 2025, khoảng 12.000MW vào năm 2030.
Hệ thống pin NLMT trên nóc trụ sở Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (304 Kim Mã, Hà Nội)
Hấp dẫn dạng “tiềm năng”
Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở nước ta dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m². Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150kcal/m² chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng khoảng 43,9 tỷ TOE.
Theo Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam, dù tiềm năng rất lớn nhưng việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời cho đến thời điểm này là không đáng kể. Hầu hết các dự án điện mặt trời chỉ ở quy mô nhỏ và tập trung chủ yếu vào việc khai thác nhiệt năng từ năng lượng mặt trời. Đến năm 2014 mới có 1 dự án điện mặt trời được nối lưới đầu tiên vào lưới điện của Điện lực Côn Đảo, đó là Nhà máy quang năng Hội An, Côn Đảo có công suất 36kWp, điện lượng khoảng hơn 50MWh với tổng mức đầu tư khoảng 140 nghìn Euro. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước mới bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20MW đến trên 300MW tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở miền Trung.
TS Nguyễn Huy Hoạch – Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam cho rằng, trên cơ sở Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) cho thấy, đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam phải xây dựng điện mặt trời với công suất hơn 200 MW, từ năm 2020 đến năm 2025, mỗi năm phải lắp đặt 800 MW và 5 năm tiếp theo, mỗi năm phải lắp đặt 2400 MW mới đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với việc phát triển điện mặt trời là biểu giá điện hiện hành chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào năng lượng mặt trời do suất đầu tư của điện mặt trời hiện nay còn rất cao. Và quan trọng, hiện nay Chính phủ chưa ban hành giá bán năng lượng điện mặt trời. Nhà đầu tư chưa tiếp cận được nguồn vốn từ Qũy hỗ trợ năng lượng tái tạo mà phải dùng nguồn vốn trong nước, đa phần các thiết bị đều phải nhập khẩu, vì vậy giá thành của một đơn vị sản phẩm cao.
Gỡ “đấu nối”
Theo TS Trần Thị Thu Trà – chuyên viên Ban quản lý đầu tư, EVN, qua thực tế nghiên cứu tại một số quốc gia phát triển điện mặt trời cho thấy, vấn đề đấu nối có ý nghĩa quan trọng. Việc đấu nối điện mặt trời phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn vận hành điện mặt trời đồng thời đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy và chất lượng của lưới điện. Mặc dù trong một số trường hợp điện mặt trời có thể hỗ trợ vận hành, giảm tổn thất, giảm chi phí bảo dưỡng và giảm mức tải của máy biến áp nhưng so với các dạng năng lượng khác điện mặt trời có những tác động không mong muốn lên lưới điện như quá tải đường dây, nguồn hài và có độ tin cậy thấp.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, diện tích chiếm đất lớn cũng là khó khăn trong đầu tư phát triển năng lượng mặt trời bởi các tấm pin/lưới năng lượng cần diện tích rất rộng. Để tiết kiệm quỹ đất, các nhà đầu tư đã nghiên cứu tận dụng các hồ thủy điện, thủy lợi để tận dụng diện tích mặt nước trên các hồ. Cơ hội này lại song hành với các khó khăn khác, trong đó dao động bất thường của mực nước trên các hồ thực sự là thách thức không nhỏ.
Theo tính toán Hiệp hội năng lượng sạch, dự tính giá thành của 1 kWh điện mặt trời nối lưới dao động khoảng 12 cent/kWh, trong khi giá điện từ các nguồn hiện nay trung bình khoảng 5-6 cent/kWh. Các nhà đầu tư cho rằng, điện gió đã có các cơ chế hỗ trợ về giá, Chính phủ cũng cần tính toán và nhanh chóng đưa ra các cơ chế hỗ trợ về giá điện mặt trời. Có như vậy, mới khuyến khích phát triển được nguồn năng lượng sạch và tiềm năng này.
Hoàng Oanh / DĐDN