Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã đề xuất việc nghiên cứu để đưa ra quy định về cơ chế đấu giá dự án năng lượng tái tạo từ năm 2020 trở đi.
Gần 3.000 MW điện mặt trời
EVN và các đơn vị thành viên đang nổi lên như một nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Riêng EVN và các đơn vị thành viên đã và đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư 25 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.846 MW.
Trong số này, Công ty mẹ - EVN sẽ triển khai 4 dự án, với tổng công suất 575 MW, là Dự án Phước Thái (200 MW), Sông Bình (200 MW), Trị An (126 MW) và Sê San 4 (49 MW). Hiện các dự án nêu trên đang trình Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để bổ sung Quy hoạch Phát triển điện lực.
17 dự án còn lại có quy mô 1.700 MW sẽ do 5 tổng công ty thành viên đảm trách, xây dựng ở những nơi có điều kiện phù hợp. Cụ thể, Tổng công ty Phát điện 1 có Dự án Điện mặt trời Đồng Nai 4, công suất 50 MW, đầu tư xây dựng trên mặt hồ. Tổng công ty Phát điện 2 có 4 dự án với tổng công suất 309 MW; Tổng công ty Phát điện 3 có 7 dự án, tổng công suất 1.279 MW; Tổng công ty Điện lực miền Nam triển khai 2 dự án, tổng công suất khoảng 4,2 MW tại huyện đảo Phú Quý và Côn Đảo và Tổng công ty Điện lực miền Trung có 3 dự án, tổng công suất 57,3 MW.
Không chỉ có điện mặt trời, EVN cũng đang vận hành các nhà máy điện gió gồm Phong điện Phú Quý (trước đây do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư), với công suất 6 MW và có cổ phần trong Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình - nơi vừa vận hành Dự án Phú Lạc công suất 24 MW.
Bản thân EVN vẫn đang tiếp tục nghiên cứu phát triển 4 dự án điện mặt trời khác với tổng công suất 570 MW. Các thành viên thuộc EVN cũng đang nghiên cứu đầu tư một số dự án điện gió tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Dẫu vậy thì nhiều dự án trong số này cũng chưa có thời điểm hòa lưới điện.
Vẫn khúc mắc giá
Hiện nay, giá mua điện gió theo Quyết định 78/2011/QĐ-TTg là 7,8 UScent/kWh, trong đó bên mua điện được hỗ trợ 1 UScent/kWh. Đến thời điểm hiện tại, cũng đã có 9 dự án ký được hợp đồng mua bán điện với EVN, tổng công suất là 403,9 MW, trong đó Dự án Phong điện 1 - Bình Thuận (30 MW), Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu (99 MW) và Phú Quý (6 MW), Phú Lạc 1 (24 MW) đã đưa vào vận hành thương mại.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, đã có khá nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc đăng ký triển khai dự án điện gió tại Việt Nam, tổng công suất đăng ký đã lên tới 5.700 MW, nhưng do giá mua điện gió ở Việt Nam quá thấp, nên khó chứng minh tính khả thi của dự án để ngân hàng cho vay vốn.
Cho tới thời điểm hiện nay, mức giá mua điện gió tại Việt Nam là 7,8 UScent/kWh được đưa ra theo Quyết định 78/20111/QĐ-TTg, tuy nhiên, riêng đối với Nhà máy Điện gió Bạc Liêu - dự án trên biển duy nhất hiện nay do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Công Lý đầu tư, thì giá mua là 9,8 UScent/kWh.
Mức này được cho là thấp nếu so với Thái Lan là 20 UScent/kWh; Philippines là 29 UScent/kWh hay Nhật Bản là 30 UScent/kWh.
Với điện mặt trời - nguồn năng lượng sạch và nhiều tiềm năng đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhưng cơ chế khuyến khích đầu tư vẫn chưa được ban hành.
TS. Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, trên cả nước hiện có 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước đang lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20 MW - 300 MW. “Thị trường tuy lớn, nhưng các nhà đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào năng lượng mặt trời, do suất đầu tư cao và giá bán loại năng lượng này cũng chưa được ban hành”, ông Hoạch nói.
Thanh Hương / baodautu