Nền kinh tế đang tiếp tục chịu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, do vậy, buộc phải có những điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới.
Xoay xở trong gian khó
Càng ngày, các số liệu thống kê càng cho thấy những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Dễ thấy nhất là số liệu về sản xuất công nghiệp, lĩnh vực đang tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội và cũng đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế. Con số được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2020 ước tính giảm 13,3% so với tháng trước và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Lần đầu tiên trong vòng 5 năm gần đây, IIP tháng 4 đã giảm và giảm khá mạnh. Điều này đã dẫn tới IIP của 4 tháng đầu năm chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Sản xuất công nghiệp tăng thấp, tương ứng xuất khẩu cũng khó tăng cao. Tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 19,7 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng trước đó. Còn nếu tính chung 4 tháng, con số là 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, thì mức tăng trưởng xuất khẩu này tuy thấp, song cũng đáng ghi nhận, cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong thúc đẩy giao thương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội được áp dụng rộng khắp, thì du lịch - ngành công nghiệp không khói, còn chịu ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Tháng 4, Việt Nam gần như “trắng” khách quốc tế, chỉ đạt 26.200 lượt khách, giảm 94,2% so với tháng trước và giảm 98,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước.
Một con số khác cũng rất đáng chú ý, đó là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4/2020 đã giảm 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%). Nếu tính chung 4 tháng, con số này giảm 4,3%. Thậm chí, nếu trừ đi yếu tố giá cả, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã giảm tới 9,6% so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%.
Sức mua giảm khiến động lực cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị suy giảm, đồng thời cũng làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm tốc. Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 4/2020, cả nước chỉ có 7.885 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 93.900 tỷ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 doanh nghiệp, tăng 33,6%.
Nền kinh tế Việt Nam đang phải xoay xở trong gian khó.
Cân nhắc điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Trên thực tế, việc kinh tế tháng 4 chịu tác động nặng nề của Covid-19 là điều đã được dự báo trước. Tình hình có thể tiếp tục xu hướng này trong cả quý II/2020, khi mà ngoại trừ Trung Quốc và một số nước đang kiểm soát dịch khá tốt, bắt đầu bắt tay vào phục hồi kinh tế, thì hầu như các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore… vẫn chưa thể vận hành trở lại nền kinh tế, do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP quý II sẽ ở mức thấp nhất trong tất cả các quý của năm 2020. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và đó là lý do chính khiến các dự báo được đưa ra gần đây về kinh tế Việt Nam đều cho ra các kịch bản kém lạc quan hơn trước.
Chẳng hạn, Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2020, chỉ đạt 3,3%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay xuống còn 2,7% từ mức 7% đưa ra vào tháng 1/2020…
Điều này càng cho thấy, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay là không thể. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã hơn một lần nhấn mạnh điều này.
Chính phủ vào đầu tuần tới dự kiến họp phiên họp thường kỳ tháng 4 và một trong những nội dung được tập trung thảo luận là tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Việc điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng có thể chưa được đề cập ngay trong thời điểm này, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ sẽ phải cân nhắc đến vấn đề này.
Thông tin cho biết, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về tình hình, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống Covid-19, ổn định phát triển kinh tế - xã hội và một số nội dung quan trọng khác mới đây, các ý kiến đã nhất trí cao việc Bộ Chính trị ra Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Theo đó, việc điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ nhằm ứng phó trong giai đoạn trước mắt, mà cần tính đến lâu dài trên cơ sở dự báo tình hình sắp tới, đặt trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi lớn. Dù có thể sẽ điều chỉnh các mục tiêu phát triển kinh tế, song vẫn cần tập trung sức mạnh, sự đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc để vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thành công nhiệm vụ “kép”, là vừa tập trung cao độ phòng chống dịch, vừa nỗ lực cao nhất để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đời sống nhân dân. Đây được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, của các cấp, các ngành trong thời gian tới.