Việc Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh giúp cho người nộp thuế giảm được hàng triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân phải đóng một năm.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh (cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng) sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013.
Hiện nay, có khoảng gần 7 triệu người thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Số thuế phải nộp theo mức thu nhập theo quy định hiện hành và theo mức giảm trừ gia cảnh mới. Nguồn: Bộ Tài chính
Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.
Cụ thể: Theo quy định hiện hành người có thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) phải nộp thuế ở mức 120.000 đồng/tháng (0,8% thu nhập) thì theo mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ không phải nộp thuế.
Người nộp thuế có thu nhập đến 20 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) theo quy định hiện hành nộp thuế thu nhập cá nhân là 490.000 đồng/tháng (tương đương 2,5% thu nhập) thì theo mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ nộp thuế thu nhập cá nhân là 230.000 đồng/tháng (1,2% thu nhập), sẽ giảm hơn 48% số thuế phải nộp so với hiện hành.
Đối với những người nộp thuế ở bậc cao, ví dụ người có thu nhập 70 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc), hiện đang nộp thuế ở mức 11.370.000 đồng/tháng (16,2% thu nhập), khi chuyển sang thực hiện mức giảm trừ gia cảnh mới, số thuế phải nộp là 10.530.000 đồng (15% thu nhập), giảm khoảng 7% số thuế phải nộp so với hiện hành.
Đối với xã hội, Bộ Tài chính cho rằng: Việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách động viên hợp lý, công bằng, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế, tạo động lực khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập làm giàu chính đáng; đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế. Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng góp phần điều tiết hợp lý thu nhập, góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Về hiệu ứng kinh tế đối với xã hội, Bộ Tài chính đánh giá việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh có hiệu ứng tích cực. Nguyên nhân do việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh dẫn đến giảm nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân hay gia tăng thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi nộp thuế) của các cá nhân, từ đó kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, mức độ tác động đến tăng trưởng kinh tế còn liên quan đến việc giảm chi tiêu của Chính phủ do giảm thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân.
Chính sách này được nhiều người mong đợi từ lâu.
Theo dữ liệu trên hệ thống tập trung của ngành thuế trong năm 2019, số lượng người nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đạt khoảng 6,89 triệu người với tổng số thu ngân sách đạt trên 79.219 tỷ đồng.
Với đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên thì số thu về thuế thu nhập cá nhân 1 năm giảm khoảng 10.300 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 13% số thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân năm 2019). Điều này có thể hiểu, hơn 10.000 tỷ để lại t
Những năm qua, số thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân liên tục tăng mạnh. Cụ thể năm 2017 tăng 120% so với năm 2016, năm 2018 tăng 124% so với năm 2017, năm 2019 tăng 108% so với năm 2018.
Tổng số người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công luôn được tăng qua từng năm, từ chỗ chỉ hơn 4,3 triệu đồng/năm vào 2016, số người thuộc diện nộp thuế đã tăng lên hơn 6,8 triệu người vào năm 2019.
Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành có quy định giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú. Người có thu nhập thấp hơn mức giảm trừ gia cảnh thì chưa phải nộp thuế. Người có thu nhập cao hơn mức giảm trừ gia cảnh phải nộp thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần gồm 7 bậc (5%; 10%; 15%; 20%; 25%; 30%; 35%).