Trang tin Businessinsider nhận định, Việt Nam sẽ khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng, một phần do hạn hán kéo dài.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời dẫn đầu về sản xuất cà phê robusta
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2016 là 6,7%. Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê mới nhất, mục tiêu này trong 2 quý đầu năm đã không hoàn thành, vì thế, Việt Nam sẽ khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng cho cả năm nay.
Nông nghiệp tụt dốc
Ước tính, tốc độ tăng trưởng GDP 5,6% trong quý II đã kéo tăng trưởng từ đầu năm đến nay lên mức 5,5%. Cùng kỳ năm 2015, mức tăng GDP của Việt Nam là 6,3%, và tăng trưởng trung bình cả năm ngoái đạt mức 6,7%. Như vậy, với con số khiêm tốn của 2 quý đầu năm 2016, mục tiêu tăng trưởng cho cả năm có vẻ hơi xa vời.
Credit Suisse mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 6% trong năm 2016, từ mức 6,3% dự báo trước đó.
Ngoài ra, Tổ chức Giám sát kinh doanh Quốc tế (BMI) cũng không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay. Cơ quan này cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2016 sẽ thấp hơn nhiều so với mức 6,3% đạt được năm ngoái, có lẽ chỉ chạm mức 5,9%.
Một trong những nguyên ngân chủ yếu khiến GDP trì trệ đó là sự “chậm tiến” trong ngành nông nghiệp. Theo Bloomberg, hạn hán kéo dài tại Việt Nam trong 3 thập kỷ qua là một trong những yếu tố làm cho nền kinh tế dựa vào nông nghiệp bị giảm sút.
Biểu đồ tăng trưởng GDP của Việt Nam với sự đóng góp của ngành công nghiệp (đường màu xanh nhạt), nông nghiệp (đường màu xanh đậm) và dịch vụ (đường màu đỏ)
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời dẫn đầu về sản xuất cà phê robusta. Chính vì thế, điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng nông nghiệp của Việt Nam, và kéo tăng trưởng GDP xuống thấp.
Theo ước tính của BMI, điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 681 triệu USD.
Những đốm sáng
Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg cho rằng, bức tranh kinh tế Việt vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng, trong đó có ngành du lịch và chế tạo. Đây là là những lực đẩy lớn để kinh tế Việt Nam đi lên.
Bloomberg nhận định, ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đầy, thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc với chuỗi nhà máy sản xuất điện thoại thông minh (smartphone).
Trong quý II, chỉ số tăng trưởng trong ngành chế tạo tăng lên đến 12% so với mức 8% trong quý I. Bloomberg dẫn đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Thống kê Việt Nam cho rằng, sản lượng trong ngành chế tạo sẽ tiếp tục gia tăng và hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế quốc gia trong 2 quý cuối năm nay.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng cho thấy nhiều tín hiệu vui và được đánh giá là một động lực cho tăng trưởng kinh tế cả nước.
Báo cáo của BMI cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành du lịch đạt được bước tăng trưởng đáng kể, với lượng khách quốc tế tăng vọt 21,3%, lên tới 4,7 triệu người, mang lại nguồn doanh thu trên 9 tỷ USD.
Mới đây, Việt Nam đã áp dụng chương trình miễn visa cho một số khách quốc tế đến từ châu Âu. Điều này giúp tăng trưởng trong ngành du lịch có bước đột phá, mang lại doanh thu lớn cho các dịch vụ “ăn theo” như bán lẻ, nhà hàng, khách sạn…
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Businessinsider đưa ra một số điều kiện, trong đó đặc biệt chú trọng đến 2 ngành mũi nhọn là chế tạo và du lịch./.
Theo Trần Ngọc
VOV