Theo lý giải của ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc tăng trưởng GDP đang có dấu hiệu chững lại là do kinh tế Việt Nam phải gánh chịu nhiều bất lợi.
Ảnh minh họa.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam quý I/2016 ước tính tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trên cao hơn mức tăng cùng kỳ của các năm 2012, 2013 và 2014, tuy nhiên, lại thấp hơn mức tăng của năm 2015 cho thấy nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chững lại, theo nhận định của Tổng cục Thống kê.
Vây những nguyên nhân gì đã khiến nền kinh tế trở nên khó khăn?
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Hạn hán khốc liệt, xâm ngập mặn...
Theo lý giải của ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc tăng trưởng GDP đang có dấu hiệu chững lại là do kinh tế Việt Nam phải gánh chịu nhiều bất lợi.
Các đợt rét đậm, rét hại xảy ra đầu năm gây thiệt hại về cây trồng và gia súc tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu.
Ngành nông nghiệp giảm sút là do sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long ước giảm khoảng 700.000 tấn so với cùng kỳ, sản lượng cây trồng vụ đông ở miền Bắc đạt thấp. Ngành nông lâm thủy sản cũng giảm tới 1,23%.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, do ảnh hưởng thiên tai, khu vực nông lâm nghiệp đã tăng trưởng âm trong khi nhiều năm trước, khu vực này là điểm đỡ cho tăng trưởng khi kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế Việt Nam lâm vào khó khăn.
Tình hình thế giới phức tạp, giá dầu thô giảm
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, tăng trưởng GDP đang có dấu hiệu chững lại còn do kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, xu hướng phục hồi nhưng chậm và chứa đựng nhiều rủi ro.
Sự giảm giá của hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá dầu giảm sâu và tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm cùng với biến động khó lường của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới và Trung Quốc đã tác động đến kinh tế nước ta, nhất là hoạt động xuất khẩu và thu ngân sách nhà nước.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu thô giảm mạnh, có thời điểm đã tụt xuống 30 USD/ thùng, chỉ bằng một nửa so với kế hoạch đặt ra. Với phương án giá dầu thô 30 USD thì ngân sách hụt thu khoảng 45-46 nghìn tỷ đồng.
Cùng với những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, hoạt động xuất - nhập khẩu cũng khá trầm lắng với xu hướng xuất siêu trở lại, trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá giảm mạnh 4,8% so với cùng kỳ, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 5,7%, khu vực kinh tế trong nước giảm 3,5%.
Xuất nhập khẩu tăng chậm, giá trị xuất khẩu hàng hoá chỉ tăng 4,1%, trong đó kim ngạch xuất khẩu dầu thô - nguồn thu chính của ngân sách Nhà nước - giảm 52,8%.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, với bối cảnh nền kinh tế thế giới như hiện nay, trong nước khu vực nông nghiệp cứ khó như hiện nay thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm nay cũng rất khó đạt được.
Trong khi đó, phía Tổng cục thuế cho hay, dự kiến số thu ngân sách năm nay có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
Mạnh Nguyễn / BizLIVE