Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Ảnh minh họa
Bộ Giao thông vận tải cho biết, Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 và Bộ luật Hàng hải Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Bộ luật và Luật đã khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, một ngành nghề có tính đặc thù, tiềm năng rất lớn, mang tính quốc tế hóa cao và đang cần được phát huy mạnh về mọi mặt để khẳng định sự chủ động hội nhập của ngành hàng hải Việt Nam với hoạt động hàng hải quốc tế.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 của Luật Đầu tư năm 2014, điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; tại Khoản 5 Điều 108 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, giao Chính phủ quy định chi tiết việc công bố và kiểm soát điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải. Do vậy, việc xây dựng Nghị định về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải là thực sự cần thiết để phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế hoạt động bảo đảm an toàn hàng hải, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Bộ Giao thông vận tải đã dự thảo Nghị định về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải gồm 3 chương, 27 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ điều kiện cung cấp dịch vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; điều kiện cung cấp dịch vụ khảo sát phục vụ công bố thông báo hàng hải; điều kiện cung cấp dịch vụ thông báo hàng hải; điều kiện cung cấp dịch vụ điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải; điều kiện cung cấp dịch vụ khảo sát, xây dựng và phát hành hải đồ vùng nước cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; tài liệu, ấn phẩm an toàn hàng hải…
Nguyên tắc cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải
Dự thảo nêu rõ, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải tại Việt Nam chỉ được hoạt động khi bảo đảm tuân thủ các quy định này và quy định có liên quan khác của pháp luật.
Dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải được cung cấp phải phù hợp quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thực tế hoạt động hàng hải tại khu vực. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải phải có năng lực thiết bị, công nghệ, trang thiết bị bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, có đủ năng lực chuyên môn, nguồn tài chính đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, sửa chữa, bảo quản, đào tạo huấn luyện và chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật. Các sản phẩm của dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải phải được duy trì, bảo trì, cập nhật thường xuyên để kịp thời đáp ứng yêu cầu của hoạt động hàng hải.
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn / baochinhphu.vn