Tọa lạc trên đường Nguyễn Hồng Phong của phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Đình Bình Thủy (tên chữ là Long Tuyền Cổ Miếu), là một công trình kiến trúc tâm linh có giá trị về nghệ thuật truyền thống của người Việt tại Cần Thơ trong quá trình khai khẩn đất hoang, lập cư sinh sống. Không những vậy, đình Bình Thủy còn là nơi sinh hoạt, lưu giữ nhiều bản sắc, phong tục tín ngưỡng văn hóa dân gian đặc trưng của con người Cần Thơ sau hơn 200 năm xây dựng.
Lịch sử đình Bình Thủy và những câu chuyện thú vị
Đình Bình Thủy ở Cần Thơ
Theo như ghi chép trong tài liệu còn lưu giữ tại Đình thì Đình Bình Thủy được xây dựng vào năm Giáp Thìn (1784) tại trước con kênh Bình Thủy của làng Bình Hưng, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang (nay là phường Bình Thủy – quận Bình Thủy – thành phố Cần Thơ). Ban đầu xây dựng, đình chỉ được dựng bằng vách đất, tre gỗ và lợp mái lá để thờ thần hoàng cùng các vị thần thánh nhằm cầu mong bình yên và mưa thuận gió hòa.
Đến năm 1852, quan khâm sai đại thần Huỳnh Mẫn Đạt vâng mệnh vua Tự Đức cùng hạ cấp đi tuần thú trên chiếc hải thuyền qua các tỉnh miền Nam. Khi đến vàm rạch Bình Thủy, ngay vị trí cồn Linh thì gặp một trận cuồng phong kinh hoàng làm ai cũng khiếp sợ. Quan sát rồi đánh giá tình hình, quan khâm sai lệnh cho thuyền nhanh chóng cập vào vạch rèm Bình Thủy, nơi có khoảng đất trống và nhiều cây lớn có khả năng chống được gió thổi mạnh. May thay, nhờ ẩn nấp kịp nên cả đoàn trên thuyền đều bình an, vô sự.
Thoát nạn, ai trên thuyền cũng mừng rỡ. Thuyền vào bờ, Huỳnh Mẫn Đạt và binh sĩ được nhân dân vui mừng đón tiếp vì thoát được cơn nguy kịch. Thấy trong làng gần con rạch vừa xảy ra trận cuồng phong có ngôi đình nhỏ thờ thần, ông liên liền dâng lễ lập bàn cúng để tạ ơn thần thánh rồi cùng nhân dân, binh sĩ tổ chức tiệc ăn mừng. Nhân sự kiện thoát chết trong chuyến đi tuần thú, ông quyết định đổi tên rạch và đất này “Bình Thủy”, ngụ ý mong muốn mặt nước luôn bình yên.
Chuyến tuần thú kết thúc, trở về yết kiến vua Tự Đức, ông dân tấu sắc phong thần hoàng làng và đặt tên cho ngôi đình một tên mới là đình Bình Thủy.
Một năm sau đó (1853), ngôi đình xuống cấp nặng do nguyên vật liệu xây dựng bằng mái tranh, vách đất. Nhân dân địa phương đã góp tiền của, công sức xây dựng lại ngôi đình mới bằng gạch, mái ngói, và gỗ tốt. Cũng trong thời gian này, ngoài việc thờ thần thánh, đình Bình Thủy còn được làng làm nơi trình diễn hát bộ vào các dịp quan trọng.
Khoảng đầu thế kỷ XX (năm 1904), quan tri phủ Nguyễn Đức Nhuận trong một lần đi ngang qua đây, thấy đình sắp sập nên đề nghị cất lại ngôi đình mới ở ngã tư trên sở đất của làng rộng 2,9 ha. Nhân dân đồng ý, quan tri phủ Nguyễn Đức Nhuận đã cùng ông La Xuân Thanh, một nghiệp chủ vừa giàu có vừa được nhân dân kính mến kêu gọi quyên góp công sức. Chẳng may trước lúc tiến hành xây dựng, quan tri phủ qua đời, công việc xây dựng đình bị tạm ngưng.
Mãi cho đến 5 năm sau đó (1909), trong cuộc họp của những vị cao niên, tiền bối của làng mà đứng đầu là ông cả Nguyễn Doãn Cung cùng ông thông gia điền chủ đã đứng ra kêu gọi bà con quyên góp để xây dựng lại Đình tại chỗ cũ trước vàm Bình Thủy với số tiền chung là 5.823 đồng Đông Dương.
Sau khi hoàn tất mọi công việc chuẩn bị, ngôi đình được khởi công vào ngày 12 tháng 7 năm 1909 theo sự thiết kế của ông Huỳnh Trung Trinh. Trải qua 6 tháng xây dựng, ngôi đình khang trang trên nền đất lớn được hoàn thành vào năm 1910. Cũng trong khoảng thời gian này, làng Bình Thủy được đổi tên thành làng Long Tuyền (do rạch Bình Thủy có hình tựa con Rồng nằm), vì thế mà ngoài tên gọi đình Bình Thủy, đình còn có tên gọi khác là đình thần Long Tuyền hay Long Tuyền Cổ Miếu.
Đến năm 1979, xã Long Tuyền được chia làm 3 đơn vị hành chính là: phường Bình Thủy, phường An Thới và xã Long Tuyền. Cho nên đình thần Long Tuyền hay đình Long Tuyền lại quay trở về tên nguyên gốc là đình Bình Thủy, và tên này tồn tại cho đến ngày nay.
Đình Bình Thủy và dấu ấn kiến trúc, nghệ thuật truyền thống 100 năm
Có thể nói rằng, trong số tất cả những ngôi đình cổ ở miền Tây Nam Bộ nói chung và tại Cần Thơ nói riêng thì: “Đình Bình Thủy là một công trình có phong cách nghệ thuật bắt mắt nhất, uy nghi nhất và lộng lẫy nhất”. Điều này được các nhà kiến trúc sư đánh giá và phê bình bằng một ánh nhìn đa chiều, sâu sắc. Đặc biệt trong cuốn “Cần Thơ xưa và nay” có viết: “Ngôi đình kiến trúc mỹ quan tráng lệ, đình cực kỳ trang nghiêm lộng lẫy dù chỉ một chi tiết”.
Đình Bình Thủy nhìn từ xa
Bằng những điều này khi đến tham quan và quan sát tổng thể, đình Bình Thủy là một công trình gồm nhiều hạng mục được hình chữ nhật được xây dựng nối liền nhau trên khu đất nền rộng thoáng đãng gần 4000 mét vuông. Các hạng mục bao gồm cổng chính, các cổng phụ, ngôi đình chính, các dãy nhà, miếu thờ … Trong đó, ngôi đình chính là tòa nhà vuông phía trước được xây dựng thông nhau với tòa nhà phụ phía sau theo kiểu dáng năm gian điện thờ và lối “thượng lầu hạ hiên”. Sát vách đình chính là hai dãy nhà hình chữ nhật chạy song song sát vào nhau được thiết kế với kích thước chung là ngang 12,5 mét và sâu vào 38 mét. Bên cánh phải từ ngoài nhìn vào đình chính là khu nhà lục ấp được xây dựng liền nhau để làm nơi cho dân làng sáu ấp đưa lễ vật đến dâng cúng. Điều này cho thấy sự chu đáo trong thiết kế khu vực đình, tạo nên một không gian thoáng đãng, khoa học và ngăn nắp mà ít có đình nào bố trí, xây dựng được.
Toàn cảnh đình Bình Thủy
Một điều trong ngôi đình chính tạo nên sự khác biệt cũng như điểm nhấn cho ngôi đình Bình Thủy này là nội thất không gian khá giày khi nối liền các tòa nhà, các gian thờ, bệ thờ … lại với nhau tạo nên vẻ nhẹ nhàng, thoáng đãng đầy bắt mắt. Đặc biệt cung cách trang trí nội thất với câu liễn đối, bức hoành phi, các bức võng có đề tài truyền thống như: long, phụng, hoa cúc, hoa mai … với đường nét trạm trổ trau chuốt, tinh vi, đầy đặn là yếu tố tạo nên vẻ uy nghi, cổ kính cho ngôi đình.
Không gian nội thất bên trong đình Bình Thủy
Hòa trong không gian nội thất bên trong, cách bài trí và sắp xếp các tượng thờ cũng rất chi tiết và hài hòa. Chỉ cần đứng tại một chỗ quan sát, sẽ rất dễ dàng thấy chính giữa là nơi đặt bàn thờ chính, bên trái sát vách phía ngoài là bàn thờ Hương chức Tiên Giác, phía trong là bàn thờ Hậu tiền. Từ phía vách nhìn đối diện ở vách bên phải là bàn thờ chức sắc Tiên Giác và bàn thờ Tiền Hiền. Sát vách trong cùng ở gian giữa có bàn thờ Hậu thần, hai bên là hai bàn thờ Hữu Bang và Tả Bang. Bên ngoài đình có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước.
Bên cạnh các bệ thờ của các các vị thần linh, thần hoàng làng, các vị tiền hiền có công mở đất, … ngôi đình chính Bình Thủy còn lập bàn thờ những vị anh hùng có công với đất nước như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực, Võ Huy Tập, Đinh Công Trứ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, … Đặc biệt sau ngày giải phóng đất nước 30 tháng 4 năm 1975, đình lập thêm một bàn thờ nữa để thờ và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, doanh nhân văn hóa thế giới.
Không gian phong cách kiến trúc, nghệ thuật của ngôi đình Bình Thủy không chỉ đẹp ở nội thất bên trong mà ngoại thất bên ngoài rất uy nghiêm và hoành tráng. Cụ thể, ngoại thất đình là kiểu dáng kiến trúc hai mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc “thượng lầu hạ hiên”. Trên nóc đình có gắn tượng hình người, hình kỳ lân, hình cá hóa rồng. Nhìn sang bên trái nóc đình có mảng trang trí bằng xi măng giữa là quyển thư (tựa như cuốn thư đình được bày trí ở các đình miền Bắc) bên cạnh đó là giỏ lam đào và bình hoa, ở bìa mái ngói dưới cùng có ốp lá xoài màu xanh đen và ống ngói cũng được bịt lại bằng sành tráng men xanh.
Có một điểm nhấn rất khác ở các đình cổ mà hầu như chỉ ở đình Bình Thủy mới có là hộ thân của ngôi đình chính là bốn miếu thờ “thần Long”, “thần rừng”, “thần Hổ” và “thần đào kinh mở lộ” được xây dựng khang trang với đường nét mỹ thuật cổ kính được xây dựng ở 4 góc ứng với 4 hướng “Đông – Tây – Nam – Bắc”. Sự xuất hiện của bốn miếu thờ này vừa nói lên tính đa dạng trong việc thờ cúng đồng thời tín ngưỡng đặc thù của nhân dân.
Từ những điểm nhấn trong cách xây dựng của các hạng mục này của ngôi đình, một điều mà ai cũng có thể thấy rõ nét cổ kính truyền thống, uy nghi và lộng lẫy của nghệ thuật, kiến trúc xưa. Do vậy mà dù trải qua khoảng thời gian hơn 100 năm mưa nắng, đến nay ngôi đình vẫn lưu giữ đầy đủ nhất những gì độc đáo trong nghệ thuật.
Lễ hội Thượng Điền và Hạ Điền Đình Bình Thủy
Theo truyền thống, hàng năm đình Bình Thủy tổ chức lễ lớn là lễ Thượng điền kéo dài trong 3 ngày từ 12 đến 14 tháng tư âm lịch với các hoạt động dâng lễ tế thần cầu mưa thuận gió hòa, rước thuyền, hát bội… và lễ Hạ điền vào hai ngày 14 và 15 tháng chạp để bắt đầu mùa màng cũng như chuẩn bị đón năm mới… lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài thành phố đến tham dự.
Mặc dù lễ hội Thượng điền và Hạ điền đình Bình Thủy được tổ chức vào hai thời gian khác nhau, tuy nhiên nhìn chung thì có nghi thức gần giống như nhau. Cụ thể nghi thức được diễn ra trình tự, …
Ngày đầu tiên sẽ diễn ra lễ Túc Yết – Nghi lễ này diễn ra để cúng các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, các vị có công với nước, có công xây dựng và bảo quản ngôi đình.
Tiếp theo ngày thứ hai là lễ Chánh Tế được tiến hành vào giữa đêm. Vị chủ lễ, chánh tế sẽ đọc văn tế với nội dung ca ngợi trời đất và các thần linh, ca ngợi công lao của những bậc tiền hiền, hậu hiền, những người có công quy dân, lập ấp, phát triển sản xuất…
Sau hai ngày lễ này là phần hội. Phần hội được xem là phần sôi động và vui tươi nhất trong dịp cúng đình nên dân làng tham gia rất đông. Mọi người ăn mặc nghiêm trang, chỉnh tề đến tham gia, thưởng thức, diễn trò, từ diễn tuồng đến các trò chơi dân gian như chọi gà, thi bắt vịt, kéo co, thi đấu vật… Tất cả thể hiện nên một nét sinh hoạt văn hóa thiêng liêng và cao đẹp.
Cũng như nhiều lễ hội lớn khác ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong những ngày diễn ra lễ Thượng điền và lễ Hạ điền ở đình Bình Thủy, người dân ở các huyện thuộc thành phố Cần Thơ cũng như du khách phương xa đến dự lễ hội đình làng sẽ được thưởng thức các nghệ thuật diễn xướng dân gian, tham gia các trò chơi, tìm hiểu văn hóa bản địa và được thưởng thức nhiều món ngon ẩm thực thành phố Cần Thơ.
Thông tin tham quan đình Bình Thủy: địa chỉ, giờ mở cửa, giá vé
Bản đồ vị trí của đình Bình Thủy (Cần Thơ)
Địa chỉ: đường Lê Hồng Phong – phường Bình Thuỷ – quận Bình Thủy – thành phố Cần Thơ.
Thời gian mở cửa: 7h30 – 18h00.
Giá vé: miễn phí.
Hiếu Tử