Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc. Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Từng bước xây dựng Hà Giang thành một trong những trung tâm du lịch quốc gia và vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu, có kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ; có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chủ quyền quốc gia được giữ vững, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Quyết tâm xây dựng Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của khu vực.
- Chỉ tiêu chủ yếu
(1) Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt tốc độ tăng bình quân 7,5-8%.
(2) Cơ cấu kinh tế: Thương mại - dịch vụ chiếm 39%, công nghiệp - xây dựng 28%, nông lâm nghiệp - thuỷ sản 33%.
(3) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.000 tỷ đồng.
(4) Giá trị hàng hoá xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 880 triệu USD.
(5) Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm.
(6) Tổng sản lượng lương thực đạt 42 vạn tấn.
(7) Giá trị sản xuất bình quân/ha đất canh tác đạt 50 triệu đồng.
(8) Tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đạt 30%.
(9) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%.
(10) Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 41 xã.
(11) Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,4%.
(12) Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm đạt 3%.
(13) Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 94,4%.
(14) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%.
(15) Tỷ lệ huy động trẻ từ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 99%.
(16) 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và đạt 8,8 bác sỹ/1 vạn dân.
(17) Tỷ lệ dân số thành thị được sử dụng nước sạch đạt 100%.
(18) Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86%.
(19) Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 90%.
(20) Trên 90% xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự.
(21) Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt 90% .
(22) Tỷ lệ đảng viên từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt 99%.
(23) Bình quân hằng năm kết nạp mới 2.200 đảng viên.
- Các nội dung đột phá, chương trình trọng tâm
* 02 nội dung đột phá:
- Đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng công vụ.
- Đột phá về xây dựng cơ chế, chính sách, vận dụng và đưa chính sách vào cuộc sống.
* 05 chương trình trọng tâm:
- Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Chương trình phát triển dược liệu.
- Chương trình phát triển du lịch.
- Chương trình phát triển kinh tế biên mậu.
- Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1- Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng trọng tâm, chất lượng, hiệu quả, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và cơ cấu nội bộ từng ngành kinh tế
1.1- Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch
Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch phát triển các vùng sản xuất chuyên canh các cây trồng có thế mạnh, các loại rừng; cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là phát triển các cây, con chủ lực.
Tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Phấn đấu năm 2020 đạt 42 vạn tấn lương thực, đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng/ha/năm.
Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, dự án phát triển dược liệu gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững. Xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển bền vững vùng nguyên liệu trên cơ sở liên kết chặt chẽ sản xuất, chế biến, tiêu thụ với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Tập trung phát triển một số sản phẩm có thế mạnh theo chuỗi giá trị và tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), như: Chè, cam, cây dược liệu, trâu, bò, ong... có thương hiệu, có tính cạnh tranh cao, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mở rộng vùng sản xuất rau quả an toàn và diện tích cây vụ đông ở nơi có điều kiện; quy hoạch, phát triển cây tam giác mạch và sản phẩm chế biến từ tam giác mạch phục vụ du lịch. Chuyển đổi một phần diện tích trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cỏ chăn nuôi, cây dược liệu và các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.
Tập trung cải tạo nâng cao chất lượng đàn gia súc, chú trọng tăng số lượng, chất lượng gia súc sinh sản trong tổng đàn. Phấn đấu tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đến năm 2020 đạt 30%. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản ở nơi có điều kiện thuận lợi, quan tâm nuôi cá đặc sản ở những vùng có nguồn nước lạnh (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ); bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản ở các lòng hồ thủy điện.
Đẩy mạnh phát triển vốn rừng kết hợp với khai thác hợp lý tài nguyên rừng, đất rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Tiếp tục tăng cường công tác khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc rừng hiện có, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ xung yếu. Quy hoạch và bảo đảm vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn; thực hiện chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, vườn tạp sang trồng rừng sản xuất; chủ động các biện pháp phòng, chống cháy rừng, khai thác, buôn bán, tàng trữ lâm sản trái phép. Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%.
Chú trọng lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, cùng với thực hiện xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí Quốc gia; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đảm bảo đồng bộ, ưu tiên các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc để góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khôi phục, phát triển thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn; có chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 có 41 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
1.2- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên
Phát huy năng lực sản xuất của các cơ sở công nghiệp hiện có, phấn đấu tốc độ phát triển ngành công nghiệp tăng bình quân hàng năm 9%. Tập trung đầu tư có chiều sâu, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp thủy điện và chế biến sâu khoáng sản, đưa công nghệ tiên tiến đạt tiêu chuẩn vào sản xuất để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu tác hại đối với môi trường; khuyến khích phát triển công nghiệp theo hướng xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Phát triển mạnh công nghiệp chế biến trên cơ sở sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, gắn với phát triển hợp lý vùng nguyên liệu. Chú trọng đầu tư, khôi phục và phát triển các làng nghề, những sản phẩm có thị trường và thu hút nhiều lao động như: Dệt, may thổ cẩm; chế biến chè; sản xuất rượu, mây tre đan; chế tác, sản xuất hàng lưu niệm và tiêu dùng...
1.3- Tập trung huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Tiếp tục kiến nghị đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm, như tuyến đường nối Hà Giang với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 4C, 279 và các tuyến kết nối giao thông giữa Hà Giang với các tỉnh giáp ranh; tuyến đường kết nối với các cửa khẩu, lối mở; đường tỉnh. Ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến đường đến trung tâm các xã đảm bảo đạt tiêu chuẩn đường giao thông cấp VI miền núi và chương trình cứng hoá giao thông nông thôn theo phương thức "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", phấn đấu đến năm 2020 trên 90% số thôn, bản có đường xe cơ giới thông suốt quanh năm. Tiếp tục quản lý quy hoạch và từng bước triển khai lập các dự án đầu tư xây dựng sân bay Phong Quang và Tân Quang, các bãi cất hạ cánh trực thăng.
Tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước, giải quyết cơ bản nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao núi đá. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 86%, khu vực đô thị đạt 100%. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện nông thôn, ưu tiên đầu tư lưới điện cho các khu công nghiệp, khu du lịch, khu dân cư mới để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống cho người dân.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III của thành phố Hà Giang, tiêu chí đô thị loại IV và nâng cấp thị trấn Việt Quang thành thị xã thuộc tỉnh. Tiếp tục huy động, khơi thông nguồn lực để triển khai Đề án hợp khối trụ sở các cơ quan hành chính cấp tỉnh, hạ tầng khu hành chính huyện Bắc Quang mới, Đề án di chuyển các trường chuyên nghiệp của tỉnh vào xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên. Khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư tập trung, phía Đông Sông Lô huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, phía Nam huyện Đồng Văn và phía Tây Nam Sông Gâm huyện Bắc Mê. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa đạt 15 - 20%. Tập trung đầu tư xây dựng trung tâm các xã, đặc biệt là các xã điểm xây dựng nông thôn mới, hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, cửa khẩu Xín Mần - Đô Long, cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng.
1.4- Phát triển thương mại, dịch vụ với tốc độ nhanh
Tiếp tục đầu tư và có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư để nâng cấp và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại như: Chợ cửa khẩu, siêu thị, chợ bán buôn, chợ đầu mối, chợ vùng nông thôn... Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa địa phương. Phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 10%.
Tăng cường các hoạt động thương mại biên giới với Trung Quốc qua các cửa khẩu, lối mở. Thực hiện triệt để việc cải cách thủ tục hành chính hải quan, có cơ chế để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn. Phấn đấu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đến năm 2020 đạt 880 triệu USD, tăng bình quân 17%/năm.
1.5- Tập trung đầu tư, huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu chức năng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, khu dịch vụ du lịch giải trí cao cấp tại thành phố Hà Giang và lập các dự án đầu tư xây dựng.
Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tại vùng cao nguyên đá, các huyện phía Tây và trung tâm thành phố Hà Giang, nhằm phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì...; bảo tồn, khai thác, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo.
Hoàn thiện cơ chế để kết nối và phát triển các tua - tuyến du lịch trong nội tỉnh và liên kết với các vùng trong và ngoài nước nhất là với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Phát triển đa dạng hoá các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, địa chất, tâm linh, nghỉ dưỡng,... gắn với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng riêng có của Hà Giang.
Tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa cho phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Phấn đấu đến năm 2020, thu hút 1,5 triệu lượt khách trở lên.
1.6- Khuyến khích phát triển mạnh các thành phần kinh tế
Tiếp tục đổi mới sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt. Khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp cổ phần và hợp tác xã, tổ hợp tác tạo sự liên doanh, liên kết “bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 47 của Hội đồng nhân dân tỉnh theo hướng khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã ở khu vực nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi và minh bạch cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, minh bạch hóa các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, về chính sách đất đai, thuế... Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông lâm sản, du lịch, chế biến sâu khoáng sản,... và các doanh nghiệp hoạt động tại các địa bàn khó khăn theo Nghị định 210/NĐ-CP của Chính phủ và cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh. Tôn vinh các doanh nhân có tài, có tâm huyết và thành đạt, đóng góp nhiều cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
1.7- Thực hiện có hiệu quả công tác tài chính, tín dụng
Tăng cường công tác quản lý thu, khai thác, phát triển nguồn thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế gắn với nuôi dưỡng nguồn thu. Phấn đấu tổng thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2020 đạt 2.000 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm từ 8-10%. Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm đảm bảo theo Luật Ngân sách. Tăng cường phân cấp quản lý ngân sách, nâng cao hiệu quả trong bố trí, sử dụng ngân sách, chống thất thoát, lãng phí. Điều hành chi đầu tư xây dựng cơ bản có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; đảm bảo chất lượng, hiệu quả các công trình xây dựng. Tập trung giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng hệ thống tín dụng. Làm tốt cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ dân tiếp cận vay vốn thuận lợi. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách điều hành tiền tệ của nhà nước, thực hiện chương trình “kết nối doanh nghiệp - ngân hàng”. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh phát triển mạng lưới các quỹ tín dụng nhân dân ở khu vực nông thôn nơi có điều kiện. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng bình quân 8 - 10%/năm, tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%.
1.8- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng cường công tác quản lý tài nguyên, môi trường
Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; chú trọng công nghệ có quy mô phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh cho sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm.
Chú trọng nghiên cứu và giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết nhằm cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho việc xây dựng và xác định các chủ trương, chính sách trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường chất lượng các hoạt động đánh giá, nghiệm thu chuyển giao các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Sắp xếp, kiện toàn các đơn vị có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong toàn tỉnh.
Quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các tài nguyên không tái tạo lại. Tập trung thực hiện tốt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Đẩy mạnh công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính cơ sở nhằm xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai phục vụ việc cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực hiện tốt công tác giới thiệu quỹ đất, địa điểm giao đất, cho thuê đất và xây dựng các chính sách về đất đai để thu hút đầu tư.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Áp dụng các công nghệ xử lý chất thải, nước thải, tái chế chất thải theo công nghệ hiện đại. Phấn đấu đến năm 2020, đảm bảo thu gom chất thải rắn ở khu vực đô thị đạt 98%, xử lý chất thải y tế đạt 100%; 100% cơ sở sản xuất mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải.
1.9- Phát triển mạnh vùng động lực
Tập trung xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư phát triển các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình và thành phố Hà Giang thực sự trở thành vùng động lực của tỉnh; hàng năm ưu tiên cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư ít nhất 10 tỷ đồng/huyện để phát triển vùng động lực tạo đầu kéo cho nền kinh tế của tỉnh.
2- Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; chăm lo phát triển văn hóa, từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin truyền thông; thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân
2.1- Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp và tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên theo hướng chuẩn hoá. Tập trung triển khai Chương trình 104-CTr/TU, ngày 23/4/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và quản lý của nhà trường. Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng trường, lớp học. Phấn đấu đến năm 2020, có 30% số trường đạt chuẩn Quốc gia; 99% trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào mầm non, 99% trẻ em trong độ tuổi vào cấp tiểu học và trung học cơ sở, 75% vào trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông. Tiếp tục thực hiện đề án phổ cập trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng dạy nghề, gắn với nhu cầu thị trường, khả năng tạo việc làm và phục vụ cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp cận khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm khuyến nông...; sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020 có 55% lao động qua đào tạo.
2.2- Thực hiện tốt công tác y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Nâng cao chất lượng về y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế xã; xây dựng mới một số bệnh viện chuyên khoa, xây dựng trung tâm kiểm dịch biên giới; khuyến khích phát triển các bệnh viện tư nhân. Đánh giá hoạt động của các đơn vị y tế tuyến huyện, tuyến xã để bố trí, sắp xếp lại theo hướng cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác y tế, đặc biệt đào tạo sau đại học và đào tạo chuyên sâu; làm tốt việc luân chuyển, tăng cường bác sỹ về công tác tại các trạm y tế xã; phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc; duy trì và mở rộng các loại hình bảo hiểm y tế… đảm bảo mọi người dân đều tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản với chất lượng ngày càng cao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng cường công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về dân số, ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết và sinh con thứ 3 trở lên. Triển khai thực hiện tốt các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em để phát triển toàn diện. Phấn đấu mức giảm tỷ lệ sinh mỗi năm 0,6‰; hàng năm trên 98% trẻ em dưới 1 tuổi được uống và tiêm đủ các loại vắc xin; giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) xuống dưới 18%.
2.3- Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, từng bước hiện đại hoá hệ thống thông tin, truyền thông
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TW 9 (khoá XI) về "Xây dựng và phát triển nền văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch; nâng cao chất lượng xây dựng gia đình, làng, bản văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Chăm lo xây dựng đời sống văn hoá cơ sở gắn với việc đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", “Chung tay xây dựng nông thôn mới”. Đẩy mạnh phong trào và thực hiện xã hội hoá các hoạt động thể dục, thể thao; giao lưu, thi đấu thể thao trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020 có từ 20% trở lên xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 70% gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, 50% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu Làng văn hóa.
Bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích văn hoá, lịch sử, địa chất, tâm linh, gắn với tạo lập môi trường, cảnh quan du lịch; gìn giữ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh, đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, các di sản cấp quốc gia.
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Khai thác giá trị các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian gắn với nghiên cứu, phát triển các loại hình nghệ thuật hiện đại. Tổ chức biểu dương và tôn vinh các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu. Sưu tầm, phục dựng các lễ hội văn hóa dân gian độc đáo trở thành sản phẩm phục vụ du lịch. Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở (Trung tâm văn hóa, thể thao, nhà văn hóa, sân vận động, bể bơi, khu vui chơi giải trí...).
Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí, tuyên truyền, thông tin đầy đủ và phản ánh kịp thời tình hình, hoạt động trong tỉnh, trong nước và thế giới. Đầu tư thiết bị kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh truyền hình, báo điện tử, cổng thông tin điện tử của tỉnh,.. ; đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông từ tỉnh đến cơ sở.
2.4- Thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, tập trung giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo; tạo động lực, khuyến khích các tầng lớp nhân dân làm giàu và cơ hội để hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo thông qua các chính sách hỗ trợ của nhà nước và thực hiện tốt việc lồng ghép, đa dạng hóa các nguồn lực, ưu tiên cho các vùng khó khăn. Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ. Phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 3% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo.
Tập trung giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người lao động. Kết hợp chặt chẽ giữa dạy nghề và giải quyết việc làm. Tích cực tham gia thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động, quan tâm đào tạo lao động phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu lao động, nhất là tại các thị trường chất lượng cao. Phối hợp tốt với các địa phương “đối đẳng” phía Trung Quốc xây dựng và thực hiện thỏa thuận về cơ chế quản lý lao động qua biên giới.
Chú trọng công tác gia đình, thực hiện tốt chương trình bình đẳng giới; chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với đất nước. Tạo lập môi trường sống an toàn phát triển toàn diện cho thanh thiếu niên, trẻ em; ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em, bạo lực gia đình; thực hiện tốt chính sách người cao tuổi, người khuyết tật và nhóm người yếu thế khác trên địa bàn.
2.5- Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết các dân tộc, tôn giáo
Tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo phát huy nội lực, nỗ lực vươn lên, tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cơ sở; ưu tiên giải quyết việc làm cho sinh viên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp ra trường. Hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng cường chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho vùng dân tộc thiểu số. Tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào vùng dân tộc đặc biệt khó khăn.
Tiếp tục xây dựng, củng cố, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, nghệ nhân dân gian trong vùng dân tộc, tôn giáo tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự.
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; vận động quần chúng tín đồ, giáo dân tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta.
(Nguồn: Báo cáo tỉnh ủy Hà Giang)