Các mục tiêu phát triển cụ thể
* Các mục tiêu kinh tế
- Tốc độ tăng GRDP của tỉnh bình quân cả thời kỳ 2016 - 2030 khoảng 6-8%/năm, trong đó: Giai đoạn 2016-2020 tăng 6,5-8%/năm và giai đoạn 2021 - 2030 tăng 7-9%/năm, nâng mức GRDP bình quân đầu người của tỉnh so với trung bình cả nước từ 55% năm 2015 lên 65% năm 2020, và bằng 80% mức trung bình cả nước vào năm 2030.
- Tạo sự chuyển biến rõ nét và vững chắc về cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong tổng GRDP của tỉnh; đến năm 2020 nông lâm nghiệp chiếm khoảng 21,59%, công nghiệp - xây dựng 29,62%, dịch vụ 48,79%; đến năm 2030 nông lâm nghiệp chiếm khoảng 13,3%; công nghiệp - xây dựng chiếm 32,6% và dịch vụ 54,1% .
* Các mục tiêu xã hội
- Từ nay đến năm 2015 mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động, giai đoạn 2016-2020 là 8.000-8.500 lao động/năm và giai đoạn 2021-2030 là 9.000-10.000 lao động/năm.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh, đến năm 2015 còn khoảng 28%, năm 2020 còn khoảng 14,36%, và năm 2030 xuống dưới 5%.
- Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí phổ cập giáo mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, phổ cập THCS.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo dạy nghề. Đa dạng hoá các loại hình đào tạo, mở rộng quy mô và hình thức đào tạo ở các trường chuyên nghiệp trong tỉnh với các ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển ở địa phương. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2020 đạt trên 58,6% và trên 80% năm 2030; trên 65% số học sinh phổ thông được hướng nghiệp dạy nghề tại các trung tâm vào năm 2015, trên 70% năm 2020, và 90% vào năm 2030.
- Hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến xã, bản; phấn đấu đến năm 2020, đạt 11 bác sĩ/vạn dân, 80% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã, 90% số trạm y tế xã có bác sỹ hoạt động, 100% số thôn bản có nhân viên y tế thôn bản, trên 94% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 10%; đến năm 2030, tỷ lệ bác sỹ trên 1 vạn dân bằng 80% trung bình cả nước, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn dưới 9% và 100% số xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế.
- Hoàn thành việc định canh, định cư và xắp xếp lại dân cư trong toàn tỉnh trước năm 2020. Xắp xếp ổn định sản xuất và đời sống cho số dân tái định cư của các Dự án thủy điện.
* Mục tiêu bảo vệ môi trường
- Nâng tỷ lệ che phủ của rừng từ 42,26% năm 2015 lên khoảng 46,2% năm 2020 và 50% năm 2030 nhằm đảm bảo chức năng phòng hộ đầu nguồn và đóng góp lớn vào nền kinh tế.
- Đến năm 2020 tất cả các đô thị trong tỉnh được thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó thành phố Điện Biên Phủ được xử lý, tái chế; 99,5% số dân đô thị sử dụng nước sạch và 84% số dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đến năm 2030: 100% số dân đô thị sử dụng nước sạch và 95% số dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Từ nay đến năm 2030, Điện Biên là tỉnh phát triển dựa trên triết lý phát triển bền vững, đảm bảo sự hài hòa giữa ba mục tiêu là mục tiêu kinh tế, mục tiêu xã hội và mục tiêu môi trường. Trong đó phát triển theo hướng tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng trong mô hình phát triển bền vững, để trở thành nền kinh tế cac-bon thấp, thân thiện với môi trường, phát huy bản sắc văn hóa đa dân tộc, nhằm không ngững nâng cao chất lượng sống.
Với quan điểm nêu trên, đích phấn đấu là phát triển nền kinh tế xanh trên cơ sở phát triển Du lịch sinh thái - Dịch vụ trong nội tỉnh và thông thương với bên ngoài - Nông nghiệp – Công nghiệp, các ngành, lĩnh vực liên kết với nhau, hỗ trợ qua lại lẫn nhau cùng phát triển đảm bảo môi trường – môi sinh. TP Điện Biên là trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh, có sức thu hút khách du lịch thập phương trên cơ sở là một không gian Xanh - Hiện đại - Văn minh, cửa ngõ thông thương với các tỉnh Đông Bắc Lào, Nam Trung Quốc, hội nhập với khu vực và quốc tế. Chất lương cuộc sống của người dân được nâng cao trên cơ sở an ninh-an toàn xã hội, có nhiều cơ hội được làm việc, dịch vụ xã hội minh bạch hơn, môi trường được đảm bảo. An ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
- Về nông nghiệp, nông thôn: Để tiến tới mục tiêu dài hạn nêu trên, ngay từ nay, Điện Biên cần tiến hành xây dựng một nền nông nghiệp sạch sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, hình thành thương hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản có chỗ đứng vững chắc trên thị trường gắn với lợi thế về điều kiện tự nhiên của tỉnh, đặc biệt là thương hiệu gạo Mường Thanh, cà phê Điện Biên có tiếng đối với các TP lớn vùng Đồng bằng sông Hông và vùng TDMN, với những sản phẩm chất lượng cao. Xây dựng mạng lưới hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp khá đồng bộ (giao thông nông thôn, thủy lợi, cấp điện...) trên cơ sở mạng lưới dịch vụ nông nghiệp hiệu quả gồm trung tâm giống, dịch vụ chuyển giao ứng dụng, máy nông nghiệp, tín dụng nông nghiệp, bảo hiểm nông nghiệp....Nông thôn Điện Biên phát triển theo hướng tiến bộ, đời sống và bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy theo hướng bền vững.
- Về công nghiệp, đô thị: Công nghiệp và đô thị Điện Biên đến năm 2030 được gắn kết chặt chẽ trong tổng thể phân bố không gian toàn tỉnh, là các hạt nhân năng suất cao, đầu tàu về phát triển kinh tế tri thức với kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ mới, đặc biệt là các cơ chế chính sách minh bạch và thông thoáng. Công nghiệp dựa trên các nền tảng phát triển chung của vùng Tây Bắc, đi đầu trong các ngành công nghiệp liên kết với sản xuất nông nghiệp và đảm bảo môi trường (năng lượng sinh học, công nghiệp chế biến dược liệu nông lâm nghiệp...), công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường.
- Về dịch vụ, du lịch: Năm 2030, Điện Biên hình thành một mạng lưới dịch vụ đồng bộ, đảm nhiệm chức năng là trung tâm dịch vụ du lịch cả tỉnh và vùng Tây Bắc, với một số loại hình dịch vụ như logistic, tài chính - ngân hàng, dịch vụ ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp... Đến năm 2030, du lịch sẽ thực sự trở thành ngành trụ cột như định hướng phát triển bền vững tỉnh Điện Biên, các loại hình du lịch và bộ máy tổ chức du lịch liên kết thành hệ thống có sức cạnh tranh cao, vừa đảm bảo tính độc đáo đa dạng vừa đồng nhất được phương thức phục vụ.
- Một số chỉ tiêu xã hội:
+ Về mức sống, đến năm 2030 mức thu nhập bình quân đầu người được nâng lên rõ rệt, bằng khoảng 85-90% mức trung bình cả nước vào khoảng 6.500 - 7.000 USD; Cơ cấu kinh tế tương đối hiện đại, khu vực phi nông nghiệp chiếm trên 70%, tỷ trọng lao động nông nghiệp còn khoảng 35-40%; Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức 7-8%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Nâng tổng sản phẩm GRDP gấp 2,0 lần so với năm 2020;
+ Mọi người dân đều được tiếp cận với giáo dục một cách toàn diện; thụ hưởng dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Đời sống văn hóa địa phương được bảo tồn và phát triển theo hướng tiến bộ, văn hóa là nền tảng, văn minh là mục tiêu tiếp cận;
+ Môi trường tự nhiên được bảo vệ, bảo tồn sự đa dạng sinh học của các vườn quốc gia trên địa bàn gắn phát triển du lịch sinh thái bền vững.
+ An ninh quốc phòng luôn được giữ vững và tạo điều kiện để các hoạt động KT-XH phát triển.
Với định hướng phát triển như vậy, quan điểm phát triển theo QH 2014 đến năm 2020 cần được điều chỉnh để phù hợp hơn.
Bảng: Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của Điện Biên năm 2030
TT | Các chỉ tiêu | Đơn vị | Tầm nhìn 2030 | ||
TH.2010 | ĐC. 2020 | 2030 | |||
1 | Dân số | Ngàn người | 501,2 | 586 | 680 |
2 | Tốc độ tăng GRDP b/quân thời kỳ | % | 6,25 (2011-2015) | 6,5 (2016-2020) | 7,0 (2021-2030) |
3 | Cơ cấu kinh tế | % | 100,0 | 100,0 | 100,0 |
| - Nông nghiệp | % | 26,4 | 29,1 | 29,3 |
| - Công nghiệp- xây dựng | % | 23,1 | 22,6 | 15,4 |
| - Dịch vụ | % | 50,5 | 48,3 | 55,3 |
6 | Kim ngạch xuất khẩu | Triệu USD | 16 | 42 | 130 |
7 | Tỷ lệ hộ nghèo | % | 35,22 (2013) | <15 | <5 |
8 | Hạ tầng đô thị | Mức độ, trình độ phát triển | Yếu, thiếu | Còn thiếu, lạc hậu và chưa đồng bộ; | Bước đầu được cải tạo, nâng cấp theo hướng tương đối hiện đại, đặc biệt là TP Điện Biên |
9 | Đô thị hóa (% dân số đô thị) | % | 15,5 | 20 | 26/* |
10 | Nhà ở đô thị được QH theo hướng xây dựng hiện đại và bản sắc | m2/người | 13,5 | 20-22 | 23-25 |
11 | Cấp nước sạch đô thị đảm bảo | lít/người/ngày | 60 | 120-130 | 140-150 |
12 | Vận tải hành khách công cộng | % nhu cầu đi lại | Chưa có | 20 | 65-70 trở lên |
13 | DT cây xanh bình quân đầu người | m2 | 2 | 7 | 17-18 |
14 | Tuổi thọ trung bình người dân | Tuổi | 66,3 | 75 | Trên 80 |
15 | Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em | % | 22,97 | 10 | <10 |
16 | Tỷ lệ thất nghiệp đô thị | % | 5 | 4,8 | <3 |
17 | Tỷ lệ trường phổ thông và trường mầm non đạt chuẩn quốc gia | % | 23,5 | > 60 | 95-100 |
18 | Tỷ lệ lao động qua đào tạo/đt nghề | % | 29,5 | 58,6/34,34 | >80 |
19 | B. hiểm xã hội người lao động | % | Mới có ở DN lớn | 30-40 | 100 |
Ghi chú: /* Mức cao nhất mà tỉnh miền núi đạt được năm 2010. /b Điều tra mức sống dân cư năm 2010 (tính theo chuẩn 2011-2015: Nông thôn ≤400 ngàn đ. thành thị ≤ 500 ngàn đồng. 50,8% họ nghèo năm 2010. /c Tổng điều tra dân số năm 2009. /d Nghị quyết số 272/NQ-HĐND13 của Hội đồng nhân dân ngày 24/5/2012 thông qua đề án phát triển nhân lực tỉnh Điện Biên
(Nguồn: dienbien.gov.vn)