Trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, CNTT đang tồn tại tình trạng bất bình đẳng trong việc áp dụng chính sách thuế giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (FDI).
Dây chuyền lắp ráp sản phẩm của VNPT Technology |
Chính sách thuế cần thay đổi để tạo động lực cho doanh nghiệp Việt
Hiện nay, VNPT Technology đã nghiên cứu phát triển, sản xuất và đưa ra thị trường rất nhiều sản phẩm công nghiệp CNTT tiêu biểu như: đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2, điện thoại smartphone Vivas Lotus, thiết bị học tập và giải trí tập trung VNPT SmartBox, Modem ADSL 2+ Wifi Router, Thiết bị GPON – ONT, AON, Wifi Access Point. Từ thực tế hoạt động của VNPT Technology, ông Trần Đình Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay để sản xuất các sản phẩm công nghiệp CNTT, các doanh nghiệp trong nước có thể tự chủ được khâu nghiên cứu phát triển, thiết kế, tối ưu sản phẩm, xây dựng phần mềm hệ thống, viết ứng dụng.
Tuy nhiên, khâu sản xuất, do công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển, vật tư, linh kiện điện tử hầu hết phải nhập từ nước ngoài. Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 164/2013/TT-BTC (có hiệu lực từ 1/1/2014) miễn giảm nhiều thuế suất của một số vật tư, linh kiện nhưng đến nay vẫn còn khá nhiều loại vẫn phải chịu thuế vì thế đã ảnh hưởng ít nhiều đến giá thành sản phẩm của Công ty. Cũng theo ông Trần Đình Hùng, hoạt động công nghiệp CNTT là mang tính dài hạn và đòi hỏi phải có nguồn lực (đội ngũ R&D, nhà xưởng, máy móc...) rất lớn nên nhà nước cũng cần phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp này để phát triển nguồn lực.
Bởi vậy, theo ông Hùng, để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT phát triển và các sản phẩm có đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, thời gian tới nhà nước cần có một số chính sách cụ thể hỗ trợ sau đây:
Tiếp tục miễn giảm thuế nhập khẩu một số vật tư, linh kiện hiện đang phải chịu thuế nhập khẩu để các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài ra, nên chăng nhà nước cũng cần xem xét miễn giảm thuế GTGT khi doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm này (hiện nay thuế GTGT phổ thông là 10%).
Đồng thời, nhà nước cũng cần xem xét để miễn (hoặc giảm) thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp công nghiệp CNTT để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tích tụ thêm nguồn lực để phát triển (hiện nay thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là từ 20% đến 22%).
Bên cạnh đó, cần miễn thuế thu nhập cá nhân đối với nhân sự làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp CNTT của Việt Nam để các doanh nghiệp này giữ chân được đội ngũ R&D (nghiên cứu và phát triển), hạn chế sự lôi kéo của các doanh nghiệp FDI.
"Với đặc thù là doanh nghiệp tự nghiên cứu phát triển và sản xuất các thiết bị, sản phẩm công nghệ, viễn thông, tôi rất mong Nhà nước và các cơ quan chức năng có mối quan tâm thích đáng, dành nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp công nghiệp CNTT Việt Nam để chúng tôi tiếp tục đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng mang thương hiệu Việt Nam, sẵn sàng cạnh tranh với hàng ngoại nhập", ông Hùng chia sẻ.
Doanh nghiệp nội xin được hưởng chính sách như doanh nghiệp nước ngoài
Cũng liên quan đến bất bình đẳng về thuế giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử, CNTT, tại một Hội thảo hồi tháng 8, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cũng đưa ra ý kiến cho rằng, chính sách của nhà nước hiện chưa công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, trăn trở lớn nhất của doanh nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay là làm sao có thể tiếp cận hỗ trợ của Nhà nước một cách thuận lợi nhất và những chính sách đó phải có sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, công bằng về cơ hội tiếp cận, về tiếp nhận các ưu đãi như thuế, đất...
Bà Thúy Hương cho hay, trên văn bản chính sách thì thể hiện nhà nước rất ưu đãi nhưng thực sự doanh nghiệp muốn tiếp cận để hưởng những ưu đãi này thì khó quá. VEIA đã nhiều lần kiến nghị. Mới đây, trong một buổi làm việc với Bộ Tài chính về thuế nhập khẩu linh kiện, đại diện của Viettel (doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất điện thoại) đã phải xin Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cho họ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi giống như đã cho Samsung.
Cũng theo bà Hương, thực tế cho thấy khi Samsung đưa ra danh mục để xin phép nhập dây chuyền sản xuất thì lập tức được công nhận ngay là sản xuất công nghệ cao và nhanh chóng được phép nhập dây chuyền đó, không cần có thẩm định gì của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam phải trải qua rất nhiều thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành khác để chứng minh rằng dây chuyền định nhập là công nghệ cao. Quy trình áp dụng khi thẩm tra hồ sơ đối với doanh nghiệp nội địa mất thời gian hơn so với doanh nghiệp nước ngoài. Và khi có những vướng mắc thì sự tiếp nhận của các cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp trong nước cũng chưa thực sự quan tâm nhiều bằng mỗi khi có kiến nghị của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Sự bất bình đẳng trong chính sách thuế dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt phải chật vật để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực mạnh, lại không được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và đầu tư nên lại càng khó khăn hơn gấp bội phần.
(Theo ICTNews)