Cả lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Hiệp hội Da giày & Túi xách Việt Nam (Lefaco) đều cho rằng các doanh nghiệp trong ngành nếu muốn tồn tại và phát triển khi hội nhập cần nhanh chóng liên kết với nhau thay vì xem nhau như đối thủ.
Các diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành dệt may - da giày thảo luận tại hội thảo ngày hôm nay. Ảnh: Quốc Hùng
Lãnh đạo hai hiệp hội này đưa ra nhận định trên tại Hội thảo "TPP với ngành dệt may và da giày: Làm gì để tận dụng cơ hội?" do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài phối hợp với báo Đầu Tư tổ chức hôm nay, 24-3, tại TPHCM.
DN còn thờ ơ với TPP, thiếu liên kết
Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp dệt may và da giày cần phải tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu thay vì hoạt động đơn lẻ. Vậy làm gì để cải thiện vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dệt may và da giày cần làm gì trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang hội nhập sâu rộng như hiện nay?
Tại hội thảo, nhiều ý kiến tỏ vẻ lo ngại hơn là phấn khởi trước viễn cảnh TPP sắp có hiệu lực, bởi theo đánh giá của các diễn giả nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất thờ ơ với việc hội nhập và thay vì cần sự liên kết phát triển thì lại có tính cạnh tranh với nhau.
"Điều tôi băn khoăn nhất là có nhiều lợi ích từ các hiệp định thương mại mang lại nhưng nhiều doanh nghiệp rất thờ ơ. Đến giờ này, vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa hiểu kỹ về TPP hay các FTA là gì", ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, chia sẻ.
Chủ tịch của Vitas nhận định, đặc điểm của các doanh nghiệp trong nước là không thể xây dựng được chuỗi liên kết chặt chẽ, thiếu tiếng nói chung, thiếu người "nhạc trưởng" trong tiếng nói chung. Và ông cho rằng, đây là vấn đề tồn tại cần xử lý.
Người đứng đầu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam dẫn chứng: khi các doanh nghiệp gặp vướng mắc về hợp đồng thương mại với đối tác nước ngoài, thì khi đó họ mới tìm tới Hiệp hội để hỏi hướng xử lý. "Qua đó cho thấy, các doanh nghiệp đang quá thờ ơ với cái ta đang có, trong khi đó, các doanh nghiệp FDI luôn tạo thành những khối rất đoàn kết", ông Giang bức xúc.
Dù vậy, ông Chủ tịch của Vitas cũng chỉ ra rằng một phần của nguyên nhân này là ở công tác tác truyền tải thông tin đến các nhà quản trị doanh nghiệp chưa mang tính toàn diện, chỉ cung cấp ở góc độ những gì "nóng" nhất, mà chưa đề cập đến những thách thức sẽ gặp phải, doanh nghiệp cần làm gì.
Theo ông Giang cần phải thông tin cho doanh nghiệp nhận thức được là trong chuỗi cung ứng toàn cầu này phải có các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì như vậy mới thành công. "Nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ không đứng cùng khối doanh nghiệp lớn thì các buyer (đơn vị mua) không bao giờ đánh giá tiêu chuẩn của nhà xưởng để họ đặt đơn hàng, mà cần phải có chuỗi từ nguyên, phụ liệu đến chuỗi sản xuất may, cho đến chuỗi cung ứng ở Việt Nam", ông Giang nói.
Là doanh nghiệp tư vấn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam, cũng cho rằng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay của Việt Nam thì để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp trong ngành cần phải liên kết lại để lớn mạnh. Tuy nhiên theo ông Ái, doanh nghiệp da giày, dệt may Việt Nam hiện nay cho thấy cạnh tranh hơn là liên kết.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Ái cho rằng nhiều doanh nghiệp phản ánh có nhiều trường hợp đặt nhà máy gần nhau, doanh nghiệp này tìm cách lôi kéo lao động của doanh nghiệp kia; hoặc khi biết doanh nghiệp kia có khách hàng mới thì doanh nghiệp cùng ngành tìm cách phá giá để kéo khách hàng đó về với mình...
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaco, cũng cho rằng việc "liên kết" giữa các doanh nghiệp trong ngành với nhau cũng không thích hợp. Thay vì liên kết theo hướng chiều dọc đó là tập hợp nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu của ngành về một nơi để cung cấp cho nhà sản xuất phát triển, thì lại thực hiện liên kết theo hướng chiều ngang tập hợp các doanh nghiệp sản xuất cùng một mặt hàng về một chỗ, dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau.
Hết lao động giá rẻ rồi!
Trước một số ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn có thể sử dụng lợi thế lao động giá rẻ để cạnh tranh khi gia nhập TPP, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang khẳng định rằng lợi thế cạnh tranh lao động giá rẻ của Việt Nam đã không còn nữa.
Cũng hoạt động trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phổ thông, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaco cũng cho rằng lao động trong nước hiện không còn rẻ nữa. Và một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành đang đầu tư cho tự động hóa, nhằm giảm lượng lao động làm việc và tăng năng suất sản xuất.
Thay vì dựa vào lao động giá rẻ, ông Giang của Vitas cho rằng điều đáng quan tâm là phát triển công nghiệp phụ trợ, cung cấp tại chỗ. Về vấn đề này, theo ông Giang, những năm qua, cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đầu tư hàng loạt nhà máy sợi, dệt, nhuộm ở nhiều địa phương trên cả nước để thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Theo ông Giang, những nước đối thủ của ngành đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam, do đó không nên phân biệt là doanh nghiệp FDI hay trong nước mà cần xem lợi ích họ mang đến Việt Nam là gì. Đó chính là công nghệ dệt may, vấn đề công ăn việc làm, các dịch vụ liên quan, phụ trợ khác...
Và để doanh nghiệp của ngành phát triển bền vững, theo ông Kiệt cần phát triển được chuỗi giá trị trong sản xuất với khả năng đẩy mạnh được công nghiệp hỗ trợ ngay tại thị trường trong nước. Khi đó, một doanh nghiệp FDI nào đó giày muốn dịch chuyển nhà máy sang các nước khác là cũng rất khó, bởi họ đã bám sâu ở thị trường Việt Nam, họ mua được phụ liệu trong nước, làm các công đoạn đóng giày từ A đến Z.
Lĩnh vực dệt may và da giày là hai ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và được Việt Nam chú trọng trong đàm phán TPP. Việc tham gia TPP được kỳ vọng sẽ mang lại cho ngành dệt may và da giày Việt Nam những cơ hội to lớn để mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu... Tuy nhiên, đi kèm với các cơ hội to lớn đó, nhiều thách thức từ TPP cũng đã được dự báo. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì biên soạn Dự thảo (lần 1) của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, có một chương về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi liên kết ngành. Đây là khái niệm kinh tế không mới trên thế giới nhưng ở nước ta đây là lần đầu được luật hóa. Theo đó, có 2 dạng mức. Thứ nhất là các doanh nghiệp cùng ngành hàng, có vị trí địa lý gần cận nhau. Thứ hai, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ bám sát ngành hàng đó trong suốt chuỗi giá trị. |
Quốc Hùng / thesaigontimes.vn