Chịu áp lực, doanh nghiệp dệt may đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Trong ảnh là nhân công may tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh
Sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 vào chiều hôm qua 2-8 với mức tăng bình quân 7,3% so với năm 2016, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may tiếp tục lên tiếng phản đối vì cho rằng đang chịu rất nhiều áp lực.
Theo phương án được Hội đồng tiền lương quốc gia chốt lại, mức lương tối thiếu đối với vùng I được áp dụng từ đầu năm 2017 tăng thêm 250.0000 đồng so với năm 2016, đạt 3,75 triệu đồng/tháng; vùng II tăng thêm 220.000 đồng, đạt 3,32 triệu đồng/tháng; vùng III tăng thêm 200.000 đồng, đạt 2,9 triệu đồng/tháng và vùng IV tăng thêm 180.000 đồng, đạt 2,58 triệu đồng/tháng. Phương án này còn phải chờ Chính phủ thông qua.
Với mức tăng như trên, lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng bình quân là 7,3% so với năm 2016.
Trao đổi với TBKTSG Online về quyết định nêu trên của Hội đồng tiền lương quốc gia, ông Nguyễn Đình Ngộ, Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Việt Thành (Cần Thơ), cho rằng với mức tăng như vậy thì thật ra Nhà nước cũng đã nắm được tình hình khó khăn của doanh nghiệp. “Nhưng trong bối cảnh khó khăn của ngành dệt may như hiện nay, Nhà nước phải làm sao giảm được chi phí cho doanh nghiệp mới là điều tốt nhất”, ông Ngộ nói.
Ông Nguyễn Hậu Giang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần may Tây Đô, cho biết với mức tăng lương tối thiểu vùng của năm 2016 (12,4%) doanh nghiệp đã rất mệt mỏi, tỷ lệ lợi nhuận giảm, quỹ tiền lương của công ty cũng âm đến 6 tỉ đồng. “Do đó, nếu tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 như thế chắc chắn doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn”, ông Giang khẳng định.
Theo ông Giang, lương tối thiểu tăng như thế trong khi năng suất lao động không tăng, hay nói cách khác năng lực của công nhân chưa theo kịp tỷ lệ tăng tương ứng của lương tối thiểu, do đó, doanh nghiệp phải bù mỗi tháng khoảng 1 tỷ đồng.
“Thay vì Hội đồng quản trị cho công nhân hưởng khoảng 52% trên giá gia công sản phẩm, thì thật sự mình (doanh nghiệp) lại chi vượt cái đó (trên 52%) để đảm bảo mức lương tối thiểu của vùng”, ông nói.
Theo ông Giang, các khoản phí khác phải đóng cũng tăng tỷ lệ thuận với tăng lương tối thiểu, cho nên, dù doanh số của đơn vị sản xuất ra có tăng chút đỉnh so với năm trước đó, nhưng thật sự lợi nhuận lại giảm.
“Ví dụ, năm ngoái mình làm ra được 85 tỉ đồng, nay có thể lên được 87 tỉ, tức doanh thu vẫn tăng lên chút xíu vì mình đã bỏ ra 6-7 tỉ đồng đầu tư công nghệ rồi, nhưng lợi nhuận không bằng năm ngoái vì cái phần chi cho tiền lượng cao quá, rồi bảo hiểm, công đoàn phí các thứ nữa…”, ông Giang cho biết.
Cụ thể, theo ông Giang, nếu năm 2015 doanh nghiệp ông đóng bảo hiểm cho người lao động là 1,6 tỉ đồng/tháng, thì năm 2016 phải đóng tới 1,8 tỉ đồng/tháng “và như vậy, nếu tiếp tục tăng trong năm 2017 sẽ càng khó khăn hơn”, ông cho biết.
Trong khi đó, ông Ngộ của Công ty Việt Thành thừa nhận dù có tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2017 như phương án của Hội đồng tiền lương quốc gia thì công nhân cũng không được hưởng, bởi mức lương thực nhận của công nhân đơn vị ông đã cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định rồi. “Nhưng cái khó cho doanh nghiệp là chúng tôi phải chịu thêm gánh nặng về các khoản phí phải đóng như bảo hiểm xã hội, công đoàn phí… vì nó cũng tăng thêm tương ứng như vậy mà”, ông nói.
Ông Nguyễn Thái Hùng, Chủ tịch Chi hội dệt may sông Hậu, cho biết quan điểm của ông là không nên tăng lương tối thiếu vùng trong năm 2017 nhằm giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. “Tăng lương tối thiểu đâu phải chỉ lương thôi mà nó tăng nhiều thứ khác nữa, tức chi phí sản xuất phải thay đổi, trong khi giá gia công không thay đổi, thì nhà máy lấy đâu ra lợi nhuận để tái đầu tư và dĩ nhiên dần dần nó sẽ đi đến bế tắc thôi”, ông Hùng cho biết.
Còn tại công văn số 118/CV-HHDM ngày 22-7 vừa qua, Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đã tác động lớn đến doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí nhân công - vốn đã chiếm một tỷ lệ khá lớn trong chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Cụ thể, tiền lương và các khoản phí bảo hiểm xã hội, công đoàn hiện đã chiếm từ 72-78% giá gia công xuất khẩu (tùy doanh nghiệp). Các loại chi phí khác như khấu hao tài sản, phụ tùng thay thế, điện, nước, vận tải, lãi vay, chi phí xuất nhập khẩu, văn phòng, lợi nhuận…, phải gói ghém trong phần còn lại là 22-28%.
Trước những vấn đề nêu trên, Hiệp hội Dệt May Việt Nam tiếp tục đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 và chỉ nên điều chỉnh tăng sau 2-3 năm/lần, thay vì là hàng năm như hiện nay.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, phương án chốt lương tối thiểu vùng cho năm 2017 của Hội đồng tiền lương quốc gia như nêu ở trên vẫn phải chờ Chính phủ quyết định, nếu đồng ý mới được phép áp dụng.
Trung Chánh / thesaigontimes.vn