Những xe chở xăng dầu, khí hóa lỏng của doanh nghiệp FDI hiện không được cấp phép vận tải. Ảnh minh họa Total
Hàng loạt doanh nghiệp FDI lớn đã lâm vào cảnh “khóc dở mếu dở” khi đi đăng ký kinh doanh vận tải nhằm chuyên chở hàng hóa. Đăng ký thì không được, xin cấp phù hiệu vận chuyển hàng hóa không xong nhưng lại bị phạt nặng.
Từ ngày 1-1-2016, 50 xe tải của các công ty thành viên Tập đoàn Dầu khí Total và Tập đoàn Dầu khí Petronas liên tục bị cảnh sát giao thông nhiều địa phương dừng xe và kiểm tra việc dán tem phù hiệu trên các xe chở xăng dầu, khí hóa lỏng. Một số xe sau kiểm tra được cho đi, một số xe ở những nơi khác lại không được đi cho dù các xe chuyên chở hàng này đã xuất trình giấy tờ và giải thích là không thuộc trường hợp kinh doanh vận tải.
Thậm chí có một số trường hợp tài xế bị tạm giữ giấy đăng kiểm phương tiện và lập biên bản với lý do “không chấp hành đúng quy định hoạt động kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp”, theo Nghị định 86/2014.
Việc hàng loạt doanh nghiệp bị gây khó dễ như trên ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh doanh, hợp đồng mà số doanh nghiệp trên đã ký với khách hàng.
Sở dĩ có câu chuyện nêu trên là do Nghị định 86/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó bao hàm cả "kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp": “Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải nhưng đồng thời vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó”.
Như vậy, hoạt động vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất, trong đó có doanh nghiệp 100% vốn FDI, tuy không phải là hoạt động kinh doanh vận tải thông thường, vẫn phải đăng ký và xin cấp phép.
Ngặt một nỗi là theo cam kết WTO của Việt Nam thì không cấp phép dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài trên 51%, tức là khi doanh nghiệp có tỉ lệ vốn góp nước ngoài trên 49% thì trong giấy chứng nhận đầu tư không có mã ngành kinh doanh vận tải nên không thể xin cấp giấy phép. Các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thì lại càng không thể đăng ký kinh doanh vận tải.
Một quy định khác là các loại xe chuyên chở trên 10 tấn phải có phù hiệu, song không có giấy phép kinh doanh vận tải thì cũng không xin được phù hiệu.
Một số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực cung ứng nhựa đường, nhũ tương cho các công trình giao thông đã thành lập liên doanh vận tải nhằm xin cấp phép. Nhưng các doanh nghiệp dầu khí thì không làm như vậy vì với quy trình quản lý các sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp, đặc biệt các tiêu chuẩn an toàn, họ không dễ bắt tay với các cổ đông trong nước. Tập đoàn Petronas (Malaysia) chẳng hạn, chỉ muốn duy trì đội xe giao hàng riêng để không bị phụ thuộc vào nhà thầu hoặc cổ đông trong liên doanh.
Trước tình hình phức tạp xung quanh điều kiện để cấp phép và phù hiệu cho xe kinh doanh vận tải trong hệ thống doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ mới đây đã ký văn bản gửi Thủ tướng, đề nghị trước mắt cho phép Bộ GTVT hướng dẫn các Sở GTVT thực hiên cấp phù hiệu cho các phương tiện của doanh nghiệp nước ngoài có tỉ lệ vốn góp trên 49%, kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ như xăng dầu, khí hóa lỏng, nhựa đường, hóa chất, đồng thời quản lý danh sách phương tiện của các doanh nghiệp được cấp phù hiệu. Tuy nhiên, kiến nghị này lại không nêu thực hiện cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Bộ này cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh các sản phẩm dầu mỏ có tỉ lệ vốn góp trên 49% để bổ sung vào Nghị định 86.
Vấn đề là sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài, không chỉ doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dầu mỏ, có thể sẽ bị rơi vào câu chuyện trên. Việc sửa riêng một quy định cho doanh nghiệp kinh doanh dầu mỏ mà không sửa đổi Nghị định 86 là hình thức “chữa cháy” làm “nát” quy định, trong khi bản thân quy định đã có quá nhiều bất cập.
Lan Nhi / thesaigontimes.vn