Ảnh minh họa
Hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp và doanh nghiệp ngoại, cụ thể là Thái Lan.
Doanh nghiệp Thái Lan đã tấn công mạnh mẽ thị trường trong nước và chiếm một thị phần không nhỏ trong hệ thống bán lẻ của Việt Nam. Phải chăng, Thái Lan đang quá hiểu rõ cách thức kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam?
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang "nóng" lên từng ngày với những cuộc mua bán và sáp nhập của các đại gia Thái Lan. Dấu ấn mạnh nhất trong làn sóng nhà đầu tư của Thái Lan quyết tâm tiến vào thị trường Việt Nam gần đây là sự hiện diện của Tập đoàn Berli Lucker (BJC) của Thái Lan mua lại hệ thống Metro Cash&Carry Việt Nam.
Trước đó, BJC đã thực hiện hàng loạt cuộc mua bán và sáp nhập, với mục tiêu hoàn thiện chuỗi sản xuất, phân phối, bán lẻ và bán sỉ tại thị trường Việt Nam. Trong tháng 1.2016 vừa qua, Tập đoàn TCC Group của Thái Lan đã "tóm gọn" thành công hệ thống Metro của Việt Nam và đối thủ Big C của Việt Nam hiện cũng đang trong tầm ngắm sang tay tiếp theo của các đại gia Thái.
Như vậy, sự "đổ bộ" của doanh nghiệp Thái cho thấy tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn. Ngoài ra, sự "đổ bộ" này cũng là hồi chuông cảnh báo cho thị trường bán lẻ trong nước trước nguy cơ bị nắm trọn. Lo lắng cho tình trạng này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đã trao đổi thẳng thắn trước báo giới.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội
- Hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang loay hoay, mất cân bằng, yếu thế trước sự đổ bộ của doanh nghiệp ngoại, ông cho biết lỗ hổng nào hiện đang tồn tại trong mỗi doanh nghiệp để gây ra tình trạng này?
Ông Vũ Vinh Phú: Việc người Thái thâu tóm thành công doanh nghiệp bán lẻ trong nước chỉ ra rằng chính doanh nghiệp trong nước đang giết chết nhau. Bây giờ không phải người Trung Quốc, Mỹ hay Úc hại mình nữa mà chính doanh nghiệp mình tự hại nhau. Hại nhau bằng cách không chịu liên kết, các siêu thị chỉ biết mua riêng, bán riêng.
Tại sao doanh nghiệp trong nước biết liên kết là tốt mà vẫn không chịu liên kết, tôi cho rằng đó là do tính làm ăn tiểu nông, thậm chí có những cá biệt doanh nghiệp tụt dần, dễ làm khó bỏ, kể cả sản xuất phân phối cũng tự giết chết chúng ta thôi. Người Việt Nam rất nhanh nhẹn, láu cá, tính liên kết rất kém bền vững, hàng sản xuất hôm nay tốt, nhưng hôm sau đã kém đi chất lượng vì ăn bớt, ăn xén rồi. Cách làm ăn như vậy là không minh bạch.
Một số siêu thị nhận hàng cung ứng đòi chiết khấu cao, đẩy giá lên cao nên hàng Thái, hàng Campuchia, hàng Trung Quốc vào là điều dễ hiểu. Giờ đây, ngoài "bàn tay" hỗ trợ của Nhà nước thì chính năng lực nội sinh của doanh nghiệp phải vươn lên, phải tự đổi mới mình, có một cuộc cách mạng bán lẻ.
- Ông cho biết tại sao người Thái lại "trình diễn" rất tốt ở các lĩnh vực của Việt Nam từ ô tô, chế biến...lĩnh vực bán lẻ?
Ông Vũ Vinh Phú: Vì họ nắm trọn phân phối của Việt Nam, thị trường Thái Lan đã bão hòa với 60% là siêu thị và kinh tế Thái Lan mấy năm vừa rồi khó khăn nên họ thấy thị trường béo bở của Việt Nam với 90 triệu dân thì bằng mọi cách, họ sẽ xông vào, thậm chí họ muốn nắm trọn cả thị trường Đông Dương hơn 100 triệu dân nữa.
Hiện nay, thị trường nông thôn vẫn chưa được khai thác, hàng dởm, hàng giả vẫn đang về nông thôn, hệ thống phân phối hiện đại chiếm 20%, riêng Hà Nội thì sau khi sáp nhập Hà Tây chỉ còn 13%, nên người Thái Lan vào, họ hiểu hết cách làm ăn của chúng ta, biết chúng ta kém ở đâu và họ lấp luôn vào đó.
Chúng ta vẫn đang cạnh tranh với Thái Lan về chất lượng hàng hóa, chúng ta thua Trung Quốc về hàng giá rẻ, Trung Quốc hiện đang dư thừa hàng hóa rất lớn, từ đồ chơi trẻ em…đến quần áo thời trang. Cho nên, tính bảo thủ, tính không chịu đổi mới, tính kém liên kết của chúng ta đã phần nào tạo thế thuận lợi cho người Thái phát huy khả năng tốt như vậy.
Tương lai của thị trường bán lẻ Việt Nam là hiện nay đang bị lấn dần, chúng ta có phá sản hay không lại là một chuyện khác. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhắc lại là doanh nghiệp trong nước phải khắc phục 7 cái yếu, bao gồm: chiến lược kinh doanh, làm ăn tử tế có văn hóa, kết hợp sản xuất có phân phối, giảm bớt chi phí kinh doanh, môi trường làm ăn minh bạch, thông thoáng, quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, tử tế. Vì thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang mất hàng tỉ đồng mà không biết lý do tại sao mất. Đó chính là do quản trị doanh nghiệp, dễ làm khó bỏ của chúng ta.
- Trong thời gian qua, có nhiều siêu thị ở Hà Nội đã đóng cửa sau vài tháng hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do các mặt hàng không đa dạng, quy mô nhỏ lẻ nên chưa thu hút được người tiêu dùng, ông có bình luận gì?
Ông Vũ Vinh Phú: Nguyên nhân cốt lõi ở đây là do doanh nghiệp trong nước không chuyên nghiệp, không cạnh tranh được, giá cả cao, thái độ kém, thiếu trách nhiệm đến cùng với hàng hóa, hàng hóa không cá biệt, không đổi mới, ví thử như: người ta bán bún cua, mình cũng bán bún cua, thế thì làm sao mà cạnh tranh và phát triển bền vững được. Còn với hệ thống siêu thị ở nước ngoài, chưa đầy 1 tuần, họ đã chủ động thay đổi quầy hàng, có rất nhiều hàng mới, nhưng siêu thị của Việt Nam thì bao lâu nay vẫn thế, không đổi mới, không cá biệt, không có văn hóa kinh doanh.
- Có nhiều ý kiến nói rằng ưu đãi hiện nay đối với doanh nghiệp bán lẻ Hà Nội vẫn còn kém, chưa phục vụ cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, ông có suy nghĩ gì?
Ông Vũ Vinh Phú: Bây giờ thì không thể nói đến chuyện ưu đãi, vì nếu không chúng ta sẽ vi phạm các cam kết mà chúng ta đã và đang ký kết. Hiện nay, chúng ta đang tạo hành lang pháp lý bình đẳng, nên không có gì là ưu đãi cả, chỉ có ưu đãi trong sản xuất và một số thứ cho phép, bây giờ phải bình đẳng, minh bạch không được nhắc chuyện ưu đãi.
Công bằng, minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, đó là nguyên tắc xuyên suốt của kinh tế thị trường mà chúng ta đang tiến tới.
Tuyết Nhung / motthegioi.vn