Đại diện một DN đến từ Mỹ chia sẻ: "So sánh cam kết của Việt Nam, tôi thấy EVFTA có phần lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là trong mua sắm chính phủ".
Dệt may được nhận nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu trong EVFTA. Ảnh: Hoàng Hà
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp đinh đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ bắt đầu có hiệu lực trong 1-2 năm tới. Thời điểm này, sự khác nhau giữa hai hiệp định đang khiến các doanh nghiệp (DN) lo lắng về việc cân bằng lợi ích giữa hai khu vực.
Đại diện một doanh nghiệp đến từ Mỹ chia sẻ: So sánh cam kết của VN tôi thấy, EVFTA có phần lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là trong mua sắm chính phủ khi được mở rộng mua sắm các gói thầu ở cả các địa phương”.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Công Thương cho biết: “Trong đàm phán để ký kết hai hiệp định này, chúng tôi không muốn tạo ra sự phân biệt đối xử giữa hàng hóa nhập khẩu giữa EU và các nước thành viên TPP. Tuy nhiên một nguyên tắc cơ bản của đàm phán thương mại quốc tế luôn luôn được tiến hành trên cơ sở “có đi có lại”.
Trước hết, từ phía Việt Nam, khi EVFTA có hiệu lực sẽ yêu cầu EU ngay lập tức dỡ bỏ 85% biểu thuế áp cho hàng hóa Việt Nam. Trong vòng 7 năm tiếp theo, 99% biểu thuế của EU áp cho hàng hóa Việt Nam phải gỡ bỏ. Đây là một tỷ lệ rất lớn trong một hiệp định thương mại mà Việt Nam có thể dành được.
Thực tế, trong đàm phán EVFTA thì EU đã đưa ra những điều khoản hấp dẫn cho Việt Nam chi từng mặt hàng cụ thể. Ví dụ như trong vòng 7 năm đã dỡ bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu cho hàng hóa dệt may của Việt Nam. Thêm vào đó, EU không đòi hỏi nguyên tắc xuất xứ của sản phẩm dệt may từ sợi trở đi, mà thay vào đó là từ vải. Đối với da giày cũng dỡ bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu.
Đặc biệt EU hỗ trợ rất tốt việc tiếp cận thị trường của các sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử như xóa bỏ thuế nhập khẩu cho sản phẩm cá trong vòng 3 năm, cấp hạn ngạch 10.000 tấn đường trong một năm mặc dù đây là một sản phẩm nhạy cảm ở châu Âu.
Như vậy, theo ông Khánh, với nguyên tắc “có đi có lại” thì Việt Nam cũng phải dành cho EU những cam kết tốt hơn so với các cam kết trong TPP trong lĩnh vực mua sắm chính phủ.
“Với lĩnh vực này chúng tôi đã có những cam kết đi xa hơn so với TPP. Tôi xin nhắc lại đó không phải là ý định chủ quan của Việt Nam. Chúng tôi không muốn đưa ra sự phân biệt đối xử nào giữa hai hiệp định, mà tuân thủ nguyên tác “có đi có lại” nên có những khác biệt nhỏ như vậy”.
Ông Mauro Petriccione, Phó Tổng cục Tương mại Ủy ban châu Âu bày tỏ: “Điểm khác biệt lớn nhất của hai hiệp định này là trong lĩnh vực mua sắm công. EVFTA được mở rộng hơn so với TPP. Còn lại những lợi ích nhận được từ hai hiệp định này là tương thích và hỗ trợ cho nhau chứ không hẳn là mâu thuẫn”.
Vị này cho hay, EU là khối thương mại lớn và lợi lích luôn là hai chiều và nội dung cũng không có gì mới. Đối với những rào cản kỹ thuật thì chủ yếu vẫn là đáp ứng đúng với tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là những đòi hỏi chính đáng của đời sống vì vậy nếu chúng áp dụng vừa đủ cho những mục tiêu công cộng chính đáng đó cũng là điều bình thường.
Công bố sổ tay hướng dẫn về hiệp đinh thương mại Việt Nam - EU
Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Mauro Petriccione, Trưởng đoàn đàm phán EU đã cùng Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho ra mắt cuốn sổ tay hướng dẫn về EVFTA. Sổ tay do phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam biên soạn, hướng tới cộng đồng DN và cung cấp cho họ những thông tin hữu ích về FTA này. Phiên bản tiếng Việt của cẩm nang này sẽ được Bộ Công Thương biên soạn và công bố trong thời gian tới.
Zing