Cần phải đặt con số lợi nhuận trong bối cảnh trích lập dự phòng để "đo đếm" sức khoẻ thực sự của khu vực ngân hàng, nhất là khi những nghi ngại về dòng tiền trên thị trường bất động sản và chứng khoán gia tăng...
Cần phải đặt con số lợi nhuận trong bối cảnh trích lập dự phòng để "đo đếm" sức khoẻ thực sự của khu vực ngân hàng
Trong bối cảnh kinh tế hồi phục, tăng trưởng tín dụng khởi sắc, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả lợi nhuận quý 1/2021 với những con số ấn tượng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần phải đặt con số lợi nhuận trong bối cảnh trích lập dự phòng để "đo đếm" sức khoẻ thực sự của khu vực ngân hàng nhất là khi những nghi ngại về dòng tiền trên thị trường bất động sản và chứng khoán gia tăng.
TỶ LỆ BAO PHỦ NỢ XẤU CỦA VIETCOMBANK Ở MỨC CAO KỶ LỤC
"Trong năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 25.200 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Vietcombank cũng lên kế hoạch tổng tài sản tăng 6%, huy động vốn thị trường 1 tăng 8%, tín dụng tăng 12% và ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1% năm nay.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát, sự phục hồi của nền kinh tế ngày một tích cực, lợi nhuận ngân hàng quý I/2021 ước đạt 7.000 tỷ đồng, cao hơn 34% cùng kỳ năm ngoái và bằng 28% kế hoạch cả năm.
Dù có quy mô lợi nhuận cao nhất hệ thống, song điểm tích cực của Vietcombank là nợ xấu lại thấp nhất nhì hệ thống và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống.
Cụ thể, tính tới cuối năm 2020, nợ xấu của Vietcombank là 0,65%. Và tại thời điểm cuối quý I/2021, tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ lên 0,7% do ngân hàng không chủ trương sử dụng dự phòng trong 6 tháng đầu năm để tạo áp lực duy trì chất lượng tín dụng của các chi nhánh. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đang ở mức cao kỷ lục, gần 380% do ngân hàng muốn kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng, giữ lành mạnh cho hệ thống.
Cụ thể, theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, với các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản sẽ được loại trừ 35% và chỉ phải trích 65%. Tuy nhiên, với các trường hợp này, Vietcombank chỉ đưa tỷ lệ loại trừ về 1-2% và trích lập gần như 100%.
Thậm chí, đối với cả những khoản được cơ cấu theo chương trình, chính sách của Nhà nước, như một số khoản tín dụng cấp cho Vinafood1 (Chính phủ cho phép cơ cấu nợ do phía Cuba đề nghị) song Vietcombank vẫn đề nghị được trích lập dự phòng 100%. Tương tự, khoản vay của Vietnam Airlines, dù Chính phủ cho phép cơ cấu nợ, song Vietcombank vẫn trích lập dự phòng đầy đủ. Đây là lý do khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank lên tới 380%.
Mặc dù các quy định hiện hành chỉ yêu cầu trích lập tối thiểu chứ không hạn chế mức trích lập tối đa nhưng Vietcombank nâng cao tỷ lệ trích lập để đảm bảo an toàn cho ngân hàng, thực hiện đúng thông lệ quốc tế. Nếu những năm tới, các khoản nợ xấu thu hồi được thì trích lập dự phòng hoàn lại, trở thành lợi nhuận và ngân hàng sẽ nộp thuế theo quy định".
LỢI NHUẬN NGÂN HÀNG GẮN CHẶT VỚI TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG
"Nhiều ngân hàng gần đây đã công bố kết quả lợi nhuận quý 1/2021 với những con số ấn tượng. Chẳng hạn ACB công bố lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 ước đạt 3.105 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm ngoái. MB cũng ghi nhận lợi nhuận hợp nhất quý 1/2021 với con số gần 4.600 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ và đạt tới 43% kết quả của năm 2020. Đáng chú ý, MSB cũng ước tính lãi quý 1/2021 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 37% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Không chỉ vậy, nhiều "ông lớn" trong ngành là Vietcombank, Vietinbank cũng đạt những kết quả khả quan trong quý đầu năm...
Mặc dù vậy, bức tranh lợi nhuận ngân hàng vẫn không quá lạc quan bởi mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2021 được so sánh trên nền lợi nhuận thấp của năm 2020 khi các ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Điều tương tự khi nói về mức tăng trưởng GDP kỳ vọng 7% trong năm 2021 khi so sánh với mức tăng 2,91% của năm 2020.
Trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, một số ngành nghề như bất động sản, xuất nhập khẩu... có cơ hội hồi phục mạnh mẽ. Nhờ đó, những ngân hàng có khách hàng tốt sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi đó nhanh hơn các ngân hàng khác. Vì vậy, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có ngân hàng còn tăng gấp vài lần.
Nhưng phải nói rằng, lợi nhuận của ngân hàng phần lớn phụ thuộc vào trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2020, trước diễn biến bất lợi của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng không chuyển nhóm nợ, giảm áp lực trích lập dự phòng và đẩy cao lợi nhuận. Chính sách này tiếp tục kéo dài sang năm nay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và ngân hàng. Vì vậy, đánh giá lợi nhuận của ngân hàng thời điểm này phải đặt trong bối cảnh trích lập dự phòng.
Tuy vậy, nếu nhìn vào những khoản lãi của ngân hàng, các khoản thu từ phí dịch vụ vẫn là nguồn đóng góp lớn vào bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng trong quý 1/2021; trong đó có sự gia tăng đột biến về số khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian dịch bệnh cũng như thu nhập bán chéo dịch vụ bảo hiểm (bancassurance)... Dự kiến, với triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực, hoạt động tín dụng cũng như doanh thu dịch vụ trong đó đặc biệt là bancasurance của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong năm nay".
CHƯA THEO CHUẨN QUỐC TẾ, CÒN KHÔNG GIAN ĐỂ "LINH ĐỘNG"
"Mặc dù các con số lợi nhuận được các ngân hàng thương mại đưa ra gần đây khá lạc quan, nhưng cần nhìn tổng thể cả hệ thống chứ không phải chỉ một vài ngân hàng tốt. Hiện nay, nếu lấy chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình của các nước thuộc ASEAN là 13-15% làm cơ sở thì các ngân hàng của Việt Nam được chia thành 3 nhóm, trong đó một số ngân hàng thuộc nhóm này, một số ngân hàng thuộc nhóm vượt trội và một số ngân hàng có chỉ số ROE rất thấp (tập trung chủ yếu ở các ngân hàng nhỏ). Đây là điều đáng quan ngại vì ngân hàng nhỏ dù thường linh động và có cơ hội tăng trưởng hơn, nhưng các ngân hàng nhỏ ở Việt Nam rất yếu kém, nhiều rủi ro trở thành ngân hàng 0 đồng, ảnh hưởng đến cả hệ thống.
Thông tư 03 được Ngân hàng Nhà nước ban hành mới đây có thể đã giúp các ngân hàng có kết quả đẹp hơn rất nhiều nhờ việc sắp xếp phân loại lại nợ, các ngân hàng được giảm trích lập dự phòng. Nhưng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn. Một ẩn số quan trọng cần phải xem xét là biến động doanh thu ròng từ lãi tăng giảm như thế nào trong các ngân hàng thương mại. Đây là một cách để kiểm soát và phát hiện nợ xấu, vì nợ xấu thì thường không có khả năng trả lãi.
Ngoài ra, cũng cần phải xem xét chất lượng lợi nhuận của khu vực ngân hàng thương mại. Đó là lợi nhuận đến từ đâu, tỷ trọng bao nhiêu. Hoạt động tự doanh chứng khoán của các ngân hàng trong thời gian gần đây đóng góp như thế nào vào kết quả kinh doanh quý 1/2021. Trong mấy tháng qua, thị trường bất động sản và chứng khoán cùng tăng mạnh, nếu tín dụng chủ yếu quý 1/2020 dồn cho hai mảng này thay vì cho sản xuất kinh doanh thì ẩn chứa nhiều rủi ro không chỉ cho cả ngành tài chính nói riêng mà cả nền kinh tế nói chung.
Đặc biệt, các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa bị bắt buộc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) nên vẫn còn nhiều không gian để "linh động" các con số. Mặc dù IFRS không phải là một chuẩn mực hoàn hảo nhưng việc sớm áp dụng IFRS sẽ phản ánh thực hơn hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt trong việc giám sát các công ty, tổ chức có khoản phải thu, phải trả có liên quan".