Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng vốn Trung Quốc và vùng lãnh thổ có liên quan đến Trung Quốc (Hồng Kông, Đài Loan) đã đẩy mạnh vào Việt Nam, tính đến hết 10 tháng có gần 11 tỷ USD. Tuy nhiên, 50% số vốn này lại được tập trung để mua bán các doanh nghiệp Việt.
Cụ thể, tính chung vốn đầu tư có yếu tố Trung Quốc vào Việt Nam đạt 10,8 tỷ USD, đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong nhóm 10 nước, lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Hồng Kông đứng thứ nhất, sau đó đến Hàn Quốc, rồi Singapore; Trung Quốc đại lục và Nhật Bản chia sẻ vị trí thứ 4.
Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay đổ bộ vào ngành thết bị điện, săm lốp và gỗ xuất khẩu
Xét trong 10 đối tác đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc và các lãnh thổ có liên quan đổ lượng vốn chiếm gần 50% vào Việt Nam. Sự gia tăng được cho là mạnh mẽ bởi trước đó vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam luôn xếp sau các đối tác khác như Hàn Quốc, Singapore hay Nhật Bản.
Vốn Trung Quốc đứng số 1
Sự hiện diện của vốn Trung Quốc tại Việt Nam nhiều nhưng khá phân mảnh. Trong tổng số vốn 6,4 tỷ USD của Hồng Kông vào Việt Nam 10 tháng qua, đối tác này chỉ dành 1,6 tỷ USD đầu tư các dự án mới, và hơn 600 triệu USD cho các dự án điều chỉnh tăng thêm vốn.
Còn lại toàn bộ hơn 4,2 tỷ USD (hơn 65%) lượng vốn được đổ vào kênh đầu tư gián tiếp, mua bán doanh nghiệp, mua cổ phần...
Theo các chuyên gia kinh tế, điều này cho thấy các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hồng Kông đang chạy vốn để thoát khỏi thương chiến Mỹ - Trung và tham gia mua bán doanh nghiệp Việt để thăm dò thị trường.
Số liệu thống kê cho thấy, lượng vốn mà nhà đầu tư Hồng Kông đổ vào kênh mua sắm doanh nghiệp Việt lên đến gần 28 triệu USD/thương vụ (lượt góp vốn), khoảng 660 tỷ đồng, cao gấp 6 đến 8 lần số vốn của các nhà đầu tư Nhật, Hàn bỏ vào các thương vụ mua bán cổ phần doanh nghiệp Việt. Đây là động thái cho thấy, nhà đầu tư Hồng Kông rất "chịu chơi" và quyết tâm can dự vào hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng theo dữ liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lượng vốn đầu tư trực tiếp thông qua mở doanh nghiệp mới của Trung Quốc vào Việt Nam trong 10 tháng qua khá lớn với 2,1 tỷ USD cho 541 dự án. Tuy nhiên, số vốn đầu tư bình quân trên mỗi dự án thường rất thấp chỉ khoảng 3,8 triệu USD (gần 90 tỷ đồng).
Trong khi đó, số vốn bình quân chung/mỗi dự án của 107 đối tác đầu tư vào Việt Nam là 4,1 triệu USD/dự án. Vốn đầu tư bình quân chung/dự án của 10 đối tác lớn nhất đầu tư vào Việt Nam là trên 4,2 triệu USD.
Rõ ràng vốn của nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu tập trung ở các dự án nhỏ lẻ, không phải là các đại dự án, siêu dự án mang tính chất đầu tư công nghiệp công nghệ cao, chiều sâu theo chuỗi.
Theo Cục đầu tư nước ngoài, đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78%, 10 tháng năm 2019 chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký. Trong 10 tháng qua, cả nước có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 10,81 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký.
Việt Nam khó hút các dự án lớn từ Trung Quốc
Dù phần lớn dự án vốn nhỏ, song theo Cục Đầu tư nước ngoài, Trung Quốc đại lục và đặc khu Hồng Kông thời gian qua cũng có vài dự án cỡ trăm triệu USD ở Việt Nam, phần lớn là thiết bị điện, vui chơi giải trí, săm lốp... những ngành có thế mạnh của nước này.
Cụ thể, dự án chế tạo lốp xe radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh. Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh. Dự án đầu tư hơn 214 triệu USD ở Tiền Giang của doanh nghiệp Trung Quốc để sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su...
Hiện, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài đã và đang tác động đến khá nhiều nhà đầu tư Trung Quốc hoặc đóng tại Trung Quốc. Việc trừng phạt thuế của Mỹ đối với hàng Trung Quốc khiến nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà, thậm chí tìm hướng đến các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, bất cấp lượng vốn có tăng, song quy mô vốn/dự án cấp mới nhỏ, cộng thêm vốn đầu tư hướng chủ yếu vào việc mua bán doanh nghiệp, nắm quyền điều hành, cổ phiếu doanh nghiệp... Điều này cho thấy, hoạt động vốn đầu tư của Trung Quốc ít làm gia tăng các dự án lớn tại Việt Nam.
Đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam vẫn chưa đủ sức để tiếp nhận các nguồn lực đầu tư mới dịch chuyển từ Trung Quốc để khởi tạo các doanh nghiệp mới. Đồng thời nó cũng cho thấy xu hướng dịch chuyển đầu tư dù đã có song chưa nhiều và Việt Nam chưa có nhiều hấp dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư "cá mập" Trung Quốc.
Ở khía cạnh khác, việc tăng mua cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp Việt của nhà đầu tư từ Trung Quốc cho thấy họ đang tiếp cận xâm nhập vào các doanh nghiệp hiện hữu đang hoạt động để do thám tình hình trước khi bước chân vào kinh doanh.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam, do Việt Nam có nền kinh tế mở cửa, gia nhập nhiều hiệp định song và đa phương lớn, điều này về lâu dài sẽ giúp gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư gián tiếp từ Trung Quốc, trước khi nghĩ đến đầu tư mở mới doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo Nguyễn Tuyền / dantri.com.vn