Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn, công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn đón nhận những tín hiệu vui. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, trong khi nhiều nhà đầu tư mới đang muốn đổ vốn và công nghệ vào.
Những tín hiệu vui
Dự án lớn nhất năm là nhà máy ô tô tại tỉnh Ninh Bình, do Tập đoàn Thành Công và Công ty Hyundai Motor (Hàn Quốc) đầu tư. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 50ha của KCN Gián Khẩu, với tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, công suất 100.000 xe/năm. Nhà máy này sản xuất những mẫu xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và Euro 6.
Ngay sau đó, Tập đoàn Thành Công cũng khởi công Tổ hợp công nghiệp hỗ trợ ô tô tại tỉnh Quảng Ninh để sản xuất linh kiện, phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao phục vụ lắp ráp trong nước và xuất khẩu.
Công ty Ford Việt Nam hoàn tất việc đầu tư nâng cấp mở rộng nhà máy ở tỉnh Hải Dương, với công suất đạt 40.000 xe/năm, vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng. Ford Việt Nam cũng cho biết, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất linh kiện, phụ tùng tại chỗ, để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm.
Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng các DN vẫn đầu tư phát triển sản xuất ô tô
Trong khi đó, báo cáo của Công ty bất động sản CBRE Việt Nam cho biết, các nhà cung ứng cấp 1 trong lĩnh vực ô tô sẽ mở rộng nhanh chóng tại thị trường Việt Nam, điển hình như Bosch, Schaeffler, Mitsubishi Motors, Yazaki, Daimler... Các cụm công nghiệp nằm gần cảng biển, hoặc gần trung tâm sản xuất ô tô liên tiếp đón nhiều nhà đầu tư tới thăm.
Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, một số nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý quan tâm tới sự phát triển của công nghiệp ô tô Việt Nam và đang chờ tín hiệu từ các cơ quan quản lý.
Với hoạt động sản xuất lắp ráp xe, đáng chú ý là các doanh nghiệp ô tô Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trước các doanh nghiệp FDI. Công ty Trường Hải dẫn đầu thị trường về doanh số bán, còn TC Motor vươn lên giành vị trí thứ hai. Trong bảng xếp hạng top 10 xe bán chạy nhất thị trường ô tô Việt Nam, chiếm đa số là xe sản xuất, lắp ráp trong nước với những cái tên như: Toyota Vios, Toyota Fortuner, Hyundai Accent, Hyundai Grand i10, Hyundai Santa Fe, VinFast Fadil, Kia Cerato, Mazda CX5...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa tiến hành xây dựng bản đề án nhằm phát triển hệ sinh thái đối với ngành sản xuất ô tô, trình Chính phủ. Mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có tính cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa (năm 2030 là 70%). Về số lượng, đến năm 2025, có khoảng 1.000 doanh nghiệp và năm 2030 là 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho lắp ráp ô tô trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.
"Dài cổ" chờ chính sách
Tuy nhiên vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô là chính sách ưu đãi thì chưa có sự đột phá nào.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ nhất quán ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng là phát triển được ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Để phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ
Nghị quyết 115 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, ban hành ngày 6/8/2020, yêu cầu Bộ Tài chính sớm sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (cụ thể là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô, trình Quốc hội vào tháng 10/2020. Các doanh nghiệp rất trông chờ chính sách này sớm thành hiện thực, sẽ giúp ngành công nghiệp ô tô phát triển, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu.
Trong bài tham luận tại Tọa đàm với chủ đề: "Chính sách thuế và vai trò hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam" ngày 3/11/2020, Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, phân khúc xe du lịch tại thị trường ô tô Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh. Giai đoạn ô tô hóa đang cận kề. Nhu cầu về ô tô ngày càng lớn, dự báo đến 2025 thị trường sẽ đạt quy mô 1 triệu xe. Đây chính là cơ hội để công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển. Nếu không tận dụng tốt cơ hội này, công nghiệp ô tô chỉ đi sau và dừng lại ở lắp ráp hoặc sản xuất với quy mô nhỏ lẻ.
Giới chuyên môn nhận định, muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô phải dựa trên quy mô và sản lượng. Doanh số bán lớn thì sản xuất mới có cơ hội mở rộng. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bao nhiêu năm vẫn nhỏ bé, có nguyên nhân quan trọng là do thuế, phí quá cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, nên giấc mơ luôn xa vời.
Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng chiếm từ 40-60% trong giá bán mỗi chiếc xe, khiến giá bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Đấy là chưa kể các loại phí. Theo tính toán, để mua được chiếc ô tô có giá 400 triệu đồng, với GDP đầu người bình quân 2.700 USD/năm thì cần nhịn ăn tiêu khoảng 7 năm mới đủ. Vì vậy, đến nay, mới chỉ có khoảng 3% dân số được sở hữu ô tô.
Bộ Công Thương từ năm 2017 đã đề xuất điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn cho phần giá trị gia tăng trong nước, giúp ô tô giảm giá, qua đó tăng sản lượng, tăng nội địa hóa nhưng đến nay vẫn không thành hiện thực. Trong khi Việt Nam mở cửa cho xe nhập tràn vào thì những chính sách ưu đãi hỗ trợ cho xe trong nước mãi vẫn chưa thấy ban hành.
Thực tế cho thấy chỉ cần hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ tháng 7 đến hết tháng 12/2020 thì doanh số bán ô tô trong nước đã tăng ấn tượng, vượt xa cùng kỳ 2019. Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt giảm, thì doanh số bán chắc chắn sẽ tăng cao hơn.
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, về mặt chủ trương, suốt 30 năm qua, Chính phủ luôn nhất quán phát triển ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, trên thực tế các chính sách ban hành lại không nhất quán. Nếu có, Chính phủ đã phải định hướng các cơ quan chức năng, trong việc xây dựng chính sách về hạ tầng giao thông, thuế phí đồng bộ hơn.
Hàn Quốc chỉ cần 30 năm đã thành công trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô. Chính công nghiệp ô tô đã có những đóng góp quan trọng, đưa nước này trở thành quốc gia công nghiệp hóa. Việt Nam cũng phát triển ngành công nghiệp ô tô được 30 năm, song đến nay vẫn chỉ mới giai đoạn sơ khai, trong khi cơ hội ngày càng hẹp dần.