Một cửa hàng xăng dầu mới mở tại quận 9, TPHCM. Ảnh: Nguyễn Bình Phương
Lợi nhuận kinh doanh tốt trong thời gian qua đang giúp lĩnh vực xăng dầu nhận được sự quan tâm của không ít nhà đầu tư trong nước. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài dù quan tâm, vẫn chưa được tự do tham gia.
Vốn chỉ chuyên kinh doanh mặt hàng gas (LPG) nhưng vừa qua Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) đã quyết định lấn sân sang thị trường xăng dầu bằng việc đầu tư mở cây xăng.
Đến thời điểm hiện tại, Pacific Petro đã mở được ba cây xăng (hai tại TPHCM, một tại Đồng Nai) với thương hiệu Đông Sài Gòn.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Quang Tuấn, Giám đốc Kinh doanh của Pacific Petro cho biết, hiện tại công ty làm đại lý cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhưng tương lai sẽ trở thành đầu mối kinh doanh (tự xuất nhập khẩu, phân phối, bán lẻ…). “Chúng tôi dự kiến khi mở được 5 cây xăng sẽ xin giấy phép làm đầu mối”, ông Tuấn nói và khẳng định, mục tiêu của doanh nghiệp là sớm hoàn thành việc mở 10 cây xăng trong thời gian tới.
Cũng theo ông Tuấn, tham gia thị trường xăng dầu, ít nhất là ở khâu bán lẻ đang là xu hướng nổi bật của nhiều doanh nghiệp, nhất là các công ty trước đây chỉ kinh doanh mặt hàng khí hóa lỏng (gas). Lý do, theo ông Tuấn là kinh doanh gas không còn “vui” khi cơ quan quản lý liên tục điều chỉnh quy định, điều kiện khiến doanh nghiệp thua thiệt (đã vay nợ hàng trăm tỉ đồng để đầu tư vỏ bình, kho chứa theo Nghị định 107 trước đây nhưng nay đã giảm, bỏ các điều kiện). Trong khi đó, thị trường xăng dầu lại đang trở nên rất hấp dẫn, biên lợi nhuận cao nhờ chiết khấu lớn, lại không mất vỏ bình đầu tư như gas.
Đúng như ông Tuấn chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, các đầu mối xăng dầu đang chiết khấu cho mỗi lít xăng, dầu ở mức phổ biến 1.000 đồng/lít (cao hơn cả quy định trong cơ cấu giá cơ sở). Thậm chí, ở những thời điểm giá thế giới xuống, để “đẩy hàng”, con số này còn có thể lên mức 1.200 đồng/lít.
Các đầu mối chấp nhận chi chiết khấu cao là vì cạnh tranh khá quyết liệt và cũng vì bản thân họ hiện đang có lợi nhuận gộp tốt (nhờ hưởng lợi chênh lệch thuế nhập khẩu).
Đây cũng chính là lý do khiến chính những doanh nghiệp đầu mối cũng như các tổng đại lý hiện có tích cực mở thêm mới các cây xăng bán lẻ. Mức đầu tư của một cây xăng có diện tích khoảng 2.000mét vuông ở khu vực TPHCM vào khoảng 20 tỉ đồng (bao gồm tiền đất, xây dựng cơ bản, bồn bể…).
Theo Bộ Công Thương, ở thời điểm hiện tại, đã có 29 đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Số lượng đầu mối đã tăng khá nhanh trong năm qua, ít nhất cũng có trên dưới 5 đầu mối mới ra từ đầu năm đến nay. Suốt một thời gian dài trước đó, cả nước chỉ trên dưới 15 đầu mối.
Mới nhất, hồi giữa tháng 10, Bộ Công Thương đã chính thức cấp phép đầu mối cho Công ty TNHH Petro Bình Minh ở Quảng Ninh và doanh nghiệp này cũng khởi công dự án Tổng kho Xăng dầu Mông Dương.
Cả nước có 29 đầu mối đăng ký hoạt động nhưng gần 50% thị phần lại đang nằm trong tay Petrolimex. Doanh nghiệp đầu mối này hiện cũng có khoảng 2.500 cửa hàng bán lẻ trực thuộc, chưa kể các cửa hàng nhận nhượng quyền thương hiệu. Tất nhiên, sức ép đang ngày càng tăng lên.
Lĩnh vực xăng dầu vốn luôn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là cổ phần của Petrolimex luôn được săn đón và vừa rồi đã về tay nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ vẫn chưa mở vì theo cam kết Việt Nam đã ký, doanh nghiệp nước ngoài không được quyền kinh doanh, phân phối, xuất, nhập khẩu xăng dầu. Đó là chưa kể để tham gia thị trường cần phải có thời gian, có khả năng tài chính để đầu tư kho, bãi…
Đến thời điểm hiện tại chỉ có Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsu Q8 được cấp phép mở cửa hàng 100% vốn nước ngoài nhờ là đối tác góp vốn vào dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Dự kiến, cửa hàng đầu tiên của Idemitsu Q8 sẽ nằm gần sân bay Nội Bài với nguồn hàng nhập khẩu. Khi lọc hóa dầu Nghi Sơn có sản phẩm thương mại thì cửa hàng của Idemitsu Q8 sẽ phân phối mặt hàng trong nước này.
Minh Tâm / TBKTSG