Vàng đang trải qua thời kỳ tăng giá mạnh mẽ nhất trong nhiều năm qua và được đánh giá sẽ thoát ra khỏi xu hướng giảm trước khi lên tới 2.300 USD/ounce (tương đương khoảng 62 triệu đồng/lượng) vào giữa 2018.
Dự báo sốc
Trong báo cáo thường niên năm thứ 10 “In Gold We Trust”, tác giả Ronald-Peter Stoeferle và Mark J. Valek của công ty quản lý tài sản Incrementum AG tiếp tục có dự báo tích cực đối với vàng trong dài hạn, với mức giá trong 2 năm tới sẽ đạt ngưỡng 2.300 USD/ounce.
Theo Incrementum AG, vàng đã trải qua quý I/2016 ấn tượng nhất trong vòng 30 năm qua, với việc thoát ra khỏi xu hướng đi xuống vốn bắt đầu từ 2013.
Đặc biệt, các nhà phân tích cho rằng, lãi suất toàn cầu ở mức cực kỳ thấp, có nơi duy trì lãi suất âm để kích thích tăng trưởng kinh tế khiến vàng không ngừng trở nên hấp dẫn hơn trong một môi trường như vậy.
2 năm nữa, vàng lập đỉnh mới: 62 triệu đồng/lượng?
“Trước đó, người ta thường nói rằng vàng không mang đến lợi tức nhưng giờ đây có thể nói được rằng, vàng không phải tốn chi phí như nhiều loại tiền tệ. Hơn thế, bất cứ động thái gỡ bỏ rào cản đối với các chính sách “in tiền” để tài trở các khoản chi tiêu công của các chính phủ sẽ có thể khiến lạm phát bùng lên”, báo cáo của Incrementum AG khẳng định.
Vàng đã quay đầu giảm khá mạnh trong vài ba năm qua, sau những tín hiệu hồi phục của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới chỉ tăng 25 điểm phần trăm lãi suất (từ 0-0,25% lên 0,25-0,5%) hồi cuối năm ngoái. Dự báo của phần lớn các nhà giao dịch gần đây cũng cho thấy, lãi suất sẽ không tăng đến đầu 2018.
Với những diễn biến mới nhất, Incrementum Ag cho rằng, giá vàng sẽ lên tới 2.300 USD/ounce (tương đương khoảng 62 triệu đồng/lượng) vào tháng 6/2018.
Chuyên gia nổi tiếng thế giới Marc Faber, tác giả của báo cáo Gloom, Boom & Doom, vừa nhận định trên CNBC rằng, nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu và có thể trở nên tồi tệ hơn và vàng là “loại tiền tệ” mà ông ưa thích nhất. “Ngài Tận thế” khuyên các NĐT nên tích trữ vàng trong két sắt cũng như nắm giữ các cổ phiếu của các công ty khai thác vàng.
Hồi giữa tháng 6, nhà phân tích Daniel Hynes của ngân hàng ANZ, nhận xét, vàng đang rơi vào thời kỳ tăng giá, dự báo lên 1.400 USD/ounce trong vài tuần và tiếp tục tăng trong trung hạn.
Trên Kitco, ông chủ tạp chí Trends Journal, Gerald Celente thì dự báo vàng sẽ tăng thêm 600 USD nữa để lên 2.000 USD/ounce, với lập luận: lãi suất trên khắp thế giới đang có xu hướng thấp dần và việc nắm giữ tiền mặt không mang lại lợi nhuận.
Vị thế số 1 bất di bất dịch của vàng?
Trên Bloomberg, 12 chuyên gia cũng vừa dự báo giá vàng sẽ ở mức 1.424 USD/ounce vào cuối năm. Mức cao nhất là 1.600 USD/ounce (tương đương khoảng 43 triệu đồng/lượng).
Chuyên gia tài chính ngân hàng dự báo vàng đi lên với vai trò là một kênh trú ẩn trong bối cảnh bất ổn của thị trường tài chính thế giới.
“Do quyết định chọn Brexit và cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ, tôi không nhìn thấy có lý do và cách thức nào để Fed tăng lãi suất, và tôi nhìn thấy vàng sẽ được giao dịch ở mức 1.600 USD/ounce”, ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cao cấp của RJO Futures tại Chiacago nhận định.
Điều mà các NĐT trên thế giới lo ngại lại ở phần chìm đằng sau sự kiện bỏ phiếu Brexit. Sự kiện người dân nước Anh chọn rời EU cho thấy một sự bức bối và nhiều rắc rối khó giải quyết trong liên minh này, từ vấn đề nhập cư, vấn đề nợ, sức mạnh của đồng euro cho tới tình trạng kinh tế trì trệ, thất nghiệp gia tăng,... hiện nay.
Nhiều chuyên gia tin tưởng, Brexit chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu, tác động lên các đồng tiền. Nếu một số nước theo chân Anh rút khỏi EU thì tác động này còn lớn hơn nhiều, nó có thể đẩy vàng lên đỉnh cao lịch sử.
Theo đánh giá của ông Faber, Brexit có thể khiến Fed không những kéo dài thời gian trì hoãn tăng lãi suất mà còn có thể không tăng, thậm chí khởi động chương trình nới lỏng định lượng QE4. Tất nhiên, sau đó, NHTW các nước cũng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ và in thêm tiền.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cũng dự báo vàng đi lên với vai trò là một kênh trú ẩn trong bối cảnh bất ổn của thị trường tài chính thế giới. Trước đó, ông Lê Đức Thúy, nguyên thống đốc NHNN, cũng nhận định, Fed có thể chưa tăng lãi suất, thậm chí không loại trừ lãi suất âm. Do vậy, các dự báo, trong đó có dự báo về vàng, có thể phải điều chỉnh.
Với Incrementum AG, đơn vị này luôn giữ vững lập trường vàng còn tăng mạnh, bởi “NHTW các nước không thể tạo ra được một sự tăng trưởng kinh tế bền vững bằng cách in ra tiền”.
Ở chiều ngược lại, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, việc Anh rời EU chưa chắc đã gây áp lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đây cũng là cơ sở để các nhà lãnh đạo châu Âu trong phiên họp hậu Brexit đã yêu cầu Anh phải hành động nhanh chóng để giải quyết những vấn đề về kinh tế, chính trị để nhanh chóng rời khỏi Liên minh.
Cũng có nhiều cảnh báo cho thấy, cho dù chịu áp lực từ trào lưu lãi suất thấp và lãi suất âm rộng khắp trên thế giới, nhưng vàng có thể quay đầu giảm bất cứ lúc nào do thời gian và mức độ tăng luôn áp đảo trong quá khứ và vàng giảm đã từng khiến nhiều người dân, DN lỗ nặng.
Giá vàng thế giới đã từng lên mức cao nhất là 1.920 USD/ounce vào tháng 9/2011 sau một thập kỷ tăng giá liên tục. Vàng sau đó đã hạ nhiệt và giá xuống xuống 1.100 USD/ounce vào cuối năm 2015. Trong nước, giá vàng đạt đỉnh là 49 triệu đồng/lượng vào cuối 2011 và hiện đang ở mức 35 triệu đồng.
V. Minh / VnExpress