Kỳ vọng sẽ “đón lõng” được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, các chủ đầu tư khu công nghiệp trở nên khẩn trương hơn trong quá trình triển khai các dự án. Tuy nhiên, để tiếp nhận các cơ hội này cần giải được bài toán phức tạp hơn.
Đầu tư khu công nghiệp đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh để đón dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc. Ảnh minh họa: V.Dũng
Cơ hội đến, hồ hởi “dọn chỗ”
Chỉ hơn một tuần sau khi quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, các khu công nghiệp liên tiếp được triển khai hay sơ tuyển nhà đầu tư. Hầu hết các chủ đầu tư khi triển khai khu công nghiệp đều khẳng định rằng sự khẩn trương này nhằm chủ động đón đầu sự dịch chuyển đầu tư hậu Covid-19.
Cụ thể, chỉ trong vòng ba ngày (từ 15 đến 17-5), trên địa bàn tỉnh Long An đã có hai khu công nghiệp được động thổ gồm khu công nghiệp Việt Phát (huyện Thủ Thừa) và Đức Hòa III (huyện Đức Hòa). Trong đó, khu công nghiệp Việt Phát với quy mô 1.800 héc ta đã trở thành một trong những khu công nghiệp có diện tích lớn nhất hiện nay.
Nói về lý do khởi động dự án, ông Lê Thành – Chủ tịch HĐQT Tân Thành Long An và là chủ đầu tư – cho rằng, bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid -19 ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn FDI. Nhật Bản đã dành 2,2 tỉ đô la trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn.
“Trước khi dịch Covid-19 bùng phát và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lúc đó đang ở cao điểm, chúng tôi đã khảo sát và nhắm tới tình huống chuyển dịch làn sóng đầu tư này. Tình hình dịch Covid-19 lan tràn khắp thế giới trong mấy tháng nay đã một lần nữa thổi bùng làn sóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Và một lần nữa, cơ hội lại mở rộng cửa hơn cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đón nhận các dòng đầu tư từ những công ty hàng đầu, tầm cỡ quốc tế. Việc doanh nghiệp nhanh chóng chuẩn bị sẵn hạ tầng là bước đi chủ động để hấp thụ”, ông Lê Thành nhận định.
Sự tự tin về việc Việt Nam sẽ “đón lõng” dòng vốn dịch chuyển này dường như là cơ sở để bất động sản công nghiệp “miễn nhiễm” với cơn khủng hoảng chung của thị trường. Các khu công nghiệp cả mới và cũ đều sẵn sàng triển khai với sự lạc quan về giá thuê.
Lạc quan về giá thuê
Theo số liệu từ Jones Lang LaSalle (JLL), giá đất khu công nghiệp trung bình tại miền Bắc đạt 99 đô la/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước với tỷ lệ lấp đầy đạt 72%.
Đơn vị này cũng cho biết, thị trường miền Bắc đang thu hút hầu hết các tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở hiện có tại Trung Quốc. Nơi đây cũng được đánh giá là có cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt và các khu vực trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương đều rất gần với thị trường 1,4 tỉ dân của Trung Quốc. Do khởi đầu muộn hơn khu vực phía Nam nên miền Bắc có lợi thế trong việc thu hút các ngành công nghệ cao tiên tiến hơn.
Trong khi đó, là nơi dẫn đầu sự phát triển công nghiệp của cả nước, miền Nam có mức giá thuê khoảng 103 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước với tỷ lệ lấp đầy lên đến 82%. Tỷ lệ lấp đầy này đã tăng vọt so với mức trung bình chỉ 50 - 60% trong vài năm trở về trước.
Bất động sản công nghiệp đứng ngoài sự tác động tiêu cực của thị trường chung cũng là lý do thúc đẩy nhiều doanh nghiệp có quỹ đất nông nghiệp lớn hướng đến việc chuyển đổi thành khu công nghiêp. Trong đó các doanh nghiệp cao su ở khu vực lân cận TPHCM đang là những đơn vị có động thái tích cực nhất.
Mới đây, công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Bình Dương) đã được Thủ tướng phê duyệt phương án nhận chuyển nhượng 345 héc ta đất từ Công ty Cao su Phước Hòa để phục vụ mục đích xây dựng khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2. Đây là quỹ đất Cao su Phước Hòa dùng để phát triển cao su nông nghiệp trước đây.
Hay công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai cũng vừa đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai xem xét cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 18.000/37.000 ha đất cao su mà doanh nghiệp này đang quản lý. Trong đó, tổng công ty chuyển sang phát triển khu, cụm công nghiệp tại địa bàn các huyện Thống Nhất, Long Khánh, Cẩm Mỹ và huyện Long Thành với diện tích 5.000 héc ta; phần còn lại phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và khu dân cư.
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, cho rằng cơ hội đón dòng vốn đầu tư đã được hé mở từ năm ngoái khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được đẩy lên cao trào. Đến nay Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn. Khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong lương lai.
Thực tế không phải dễ
Câu chuyện dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc được dự báo có thể tạo nên sự hứng khởi ở các quốc gia lân cận như Việt Nam. Nhưng để cụ thể hóa cơ hội này cần giải được bài toán phức tạp hơn nhiều và việc thúc đẩy đầu tư nhanh các khu công nghiệp không phải là công thức.
Trình độ lao động ở Việt Nam cần được nâng cao hơn để đón dòng vốn FDI chất lượng vào các khu công nghiệp. Ảnh minh họa: Samsung Vietnam
Trong thời gian này, chuỗi cung ứng có thể gián đoạn, các thị trường cạnh tranh thu hút đầu tư cũng đưa ra các chính sách ưu đãi để lôi kéo dòng vốn. Tuy nhiên, xét khách quan để việc các doanh nghiệp đa quốc gia rời bỏ Trung Quốc vẫn không phải là chuyện dễ. Thậm chí trong trường hợp dòng vốn này rời đi thực sự thì cơ sở để Việt Nam tiếp nhận cũng không nhiều.
Phản ứng bi quan mới đây của các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ nội địa cho thấy cơ hội trên thực tế là rất ít so với kỳ vọng hay dự báo.
Cụ thể, trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng mới đây, bà Trương Thị Chí Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp phụ trợ (VASI) – cho rằng, một vài công ty sản xuất linh kiện nhựa và cơ khí nhận được thêm đơn hàng từ khách hàng tại Việt Nam, do việc cung ứng từ Trung Quốc khó khăn trong thời gian trước. Tuy nhiên, ngay khi Trung Quốc phục hồi sản xuất thì các đơn hàng thêm này đã giảm dần và sẽ dừng hẳn.
Theo VASI, trên thực tế, việc chuyển sản xuất hay mua hàng sang quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc đã được các công ty trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm từ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên hiệp hội này thừa nhận là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hầu như không đáp ứng được các yêu cầu để đáp ứng việc chuyển giao. Trong khi đó, có nhiều quốc gia có lợi thế hơn hẳn Việt Nam trong việc nhận chuyển giao này, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ...
Quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ (trung bình là dưới 200 người lao động, máy móc ít, có vài dây chuyền, trình độ quản lý dừng ở mức này), nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi đó, khách hàng chuyển từ Trung Quốc luôn cần sản lượng rất lớn/sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh. Chưa kể việc số doanh nghiệp Việt Nam đạt chất lượng rất ít, ngay cả bài toán giá cũng là điều không thể cạnh tranh nếu dựa trên quy mô doanh nghiệp.
“Sự hỗ trợ của Nhà nước về đất đai, công nghệ, vốn, nhân lực chỉ tồn tại trên chính sách, hầu như công nghiệp hỗ trợ không tiếp cận được và có phần thiệt thòi hơn các đối thủ trong khu vực”, bà Bình nhấn mạnh.
Bài toán mà VASI đưa ra có thể đã được Nhà nước nhận thức được nhưng để thực hiện là cả câu chuyện dài. Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách hỗ trợ cần nhắm đến từng bước trọng tâm hơn để doanh nghiệp nội địa tham gia vào được chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất lớn ở đây. Làn sóng dịch chuyển đầu tư có thể sẽ không nhanh và mạnh như kỳ vọng mà vẫn từ tốn hơn và tùy vào lĩnh vực sản xuất.
Việt Nam là quốc gia có chính sách FTA năng động thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore nhưng để các hiệp định này thấm vào nền kinh tế cũng mất một thời gian dài. Tiếp đó trình độ tay nghề lao động thấp khiến việc thu hút các doanh nghiệp FDI chất lượng cao vào các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn mang tính dài hạn.
Theo ông Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc – trong ngắn hạn dưới tác động của Covid-19 thì cơ hội thu hút sự dịch chuyển đầu tư của Việt Nam vẫn có. Trong khía cạnh nào đó, việc chống dịch tốt trong giai đoạn vừa qua có thể taọ được thiện cảm, nhưng đó chỉ là điểm cộng nhỏ chứ không phải là lợi thế cạnh tranh trong dài hạn trong thu hút FDI. Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Indonesia, Malaysia và Thái Lan… về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và chất lượng thể chế”