Giá xăng ở Việt Nam liên tục leo thang khiến cho các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa sau Covid-19 trở nên khó khăn khi cơn bão giá cả hàng hóa đang hình thành. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ đang chịu nhiều áp lực về việc tăng giá các mặt hàng và việc chỉ áp dụng giảm thuế VAT là chưa đủ.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Ở Việt Nam, khi giá xăng tăng kéo theo chi phí logistics, nguyên phụ liệu và vận hành nhà máy sẽ tăng thêm khiến doanh nghiệp đối mặt với bài toán khó trong mục tiêu kích cầu nội địa để phục hồi.
“Giới hạn” nào cho doanh nghiệp?
Giá xăng dầu liên tiếp tăng trong thời gian gần đây đang tạo ra áp lực rất lớn lên chi phí vận hành và kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Hầu hết chi phí đầu vào đều tăng theo giá xăng dầu, trong khi giá bán đầu ra chưa thể tăng vì sức mua thấp. Để tiếp tục duy trì sức mua thì sẽ còn phải cần nhiều công cụ hơn nữa, nhất là ở giai đoạn này, kích cầu tiêu dùng nội địa là một yếu tố rất cần thiết nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi.
Doanh nghiệp đang đang chịu nhiều áp lực về việc tăng giá sản phẩm. Ảnh minh họa: DNCC
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ đang chịu nhiều áp lực về việc tăng giá các mặt hàng và việc chỉ áp dụng giảm thuế VAT là chưa đủ.
Ông Trương Chí Cường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt (chuyên các sản phẩm thực phẩm nhãn hiệu V-Food), cho biết khoảng 2 tuần trở lại đây giá nguyên liệu đầu vào đã tăng hơn 40%. Phần lớn đơn vị cung cấp nguyên liệu đều lấy lý do giá xăng dầu tăng buộc họ phải tăng giá bán.
“Giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng doanh nghiệp của ông đang rất vất vả trong việc cân nhắc tăng giá bán đầu ra. Doanh nghiệp có tham gia chương trình bình ổn thị trường của TPHCM nhưng thời gian tới đà tăng vẫn tiếp tục thì doanh nghiệp buộc phải xin điều chỉnh lại giá bán ra của chương trình này. Doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan chức năng ngồi lại cùng các doanh nghiệp sản xuất lẫn bán lẻ để chia sẻ giải pháp giảm chi phí bán hàng nhằm hạn chế tác động thấp nhất của giá xăng dầu lên giá sản phẩm”, ông Cường cho hay.
Cũng trong thế gồng mình chịu cảnh giá đầu vào tăng nhưng giá bán chưa thể tăng, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, từ cuối quí 4-2021, Vissan đã dự báo qua quí 1 năm nay giá nguyên liệu sẽ tăng 10-30% tùy mặt hàng. Nhưng lúc ấy chưa tính toán đến chuyện giá xăng tăng mạnh và liên tục như hiện nay. Với tình hình này doanh nghiệp chỉ có thể gồng mình chịu đựng chứ chưa thể tăng giá bán vì sức mua hiện quá thấp.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh vận tải đang bị tác động trực tiếp vào hoạt động. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, chia sẻ rằng áp lực từ giá xăng tăng đã khiến các doanh nghiệp taxi khó có thể “gồng mình tiếp tục chống đỡ” nữa. Giá nhiên liệu chiếm khoảng 25-30% chi phí của doanh nghiệp, hiện giá xăng tăng cao, chiếm đến 30-40% tổng chi phí, trong khi giá cước taxi chưa được điều chỉnh.
“Các công ty trong ngành vận tải đang cầm cự, đứng trước nguy cơ buộc phải tăng giá cước nếu Chính phủ không sớm có chính sách điều chỉnh các loại thuế, phí để kìm hãm giá nhiên liệu trong tuần này”, ông Hỷ khẳng định.
Với tình trạng giá xăng tiếp tục tăng cao như hiện nay, theo dự báo giá cước vận chuyển sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Một chủ vựa kinh doanh thuỷ sản cũng cho biết nhu cầu tiêu thụ giảm khoảng 30-40% trong khi giá hàng hóa nhập về tăng từ 15-20 ngàn đồng/kg. Trong đó, nguyên nhân là do giá xăng dầu và nhiều chi phí vận chuyển tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ hiện cũng rơi vào thế khó trong chuyện tăng giá bán, vì với kênh siêu thị muốn tăng giá bán phải báo trước mấy tháng, không phải nay nói mai có thể tăng. Hiện các siêu thị đang gồng mình giữ giá để thu hút người mua, bởi hai tháng đầu năm nay dù có Tết Nguyên đán nhưng sức mua giảm mạnh so với mấy năm gần đây.
Nếu giá đầu vào tăng liên tục, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Khi đó khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ gặp nhiều bất lợi hơn, rủi ro của doanh nghiệp vì thế cũng tăng. Đây là điều các doanh nghiệp không mong muốn trong bối cảnh hiện nay.
Đâu là giải pháp đủ mạnh để kìm giá xăng?
Dự báo giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, nhưng quỹ Bình ổn giá xăng dầu – công cụ điều hành thị trường trong nước gần như cạn kiệt. Vì vậy, để giảm giá xăng dầu thì bài toán giảm thuế, phí mặt hàng này, đặc biệt đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng E5RON92 được tính đến.
Hiện thuế BVMT (đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định) với xăng (trừ ethanol) là 4.000 đồng/lít; dầu diesel 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Điều đáng nói, cùng với thuế BVMT thì ước tính bình quân giá bán mỗi lít xăng đang chịu tất cả các loại thuế, phí khoảng 42 – 43%, dầu 21 – 27%. Tức là với một lít xăng RON95 hiện nay hơn 26.300 đồng, người mua phải chịu từ 11.000 – 11.300 đồng tiền thuế, phí.
Giá xăng dầu trong nước được dự báo tiếp tục tăng.
Nhiều ý kiến cho rằng với các loại thuế, phí đang chiếm tỷ lệ quá cao trên mặt hàng xăng như vậy thì việc giá xăng ở Việt Nam đang ở mức cao là khó tránh khỏi. Trong khi đó, mỗi khi mặt hàng này tăng giá cao xem như tác động cực kỳ lớn đến toàn thị trường, từ thành thị cho đến nông thôn.
Ngoài việc xem xét điều chỉnh thuế BVMT, vấn đề được kiến nghị nhiều trong thời gian gần đây là cần giảm các loại thuế phí đối với mặt hàng xăng dầu cho phù hợp, gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Tuy vậy, Bộ Tài chính vãn giữ quan điểm so với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45- 60% (ngoại trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn), trong khi đó, đối với Việt Nam, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%.
Giới chuyên gia cho rằng so sánh tỷ trọng thuế như vậy là khập khiễng khi tình hình kinh tế xã hội của mỗi quốc gia đều khác nhau. Chỉ thấy rằng, với tình hình tăng “nóng” giá xăng ở trong nước như hiện tại thì tác động tiêu cực là rất lớn, khiến cho người dân và các doanh nghiệp phải oằn lưng chịu đựng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm, các cơ quan quản lý dường như đang tự đẩy mình vào thế “tham bát, bỏ mâm”. Bởi giá xăng dầu càng tăng cao phần thuế “ăn theo” trên xăng dầu càng “phình to”, Bộ Tài chính có thể thu ngân sách được nhiều, dù doanh nghiệp càng phải oằn lưng thêm gánh nặng. Khi doanh nghiệp mất nhiều, ngành sản xuất mất nhiều làm sao phục hồi kinh tế. Nên giảm thuế phí ở đây cũng là cách giúp nền kinh tế phục hồi, giúp Chính phủ thu được ngân sách ổn định lâu dài hơn.
Lãnh đạo của một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam thừ nhận, bất cập của thuế BVMT với xăng E5RON 92 là vấn đề tranh cãi trong thời gian qua. Thực tế, chúng ta khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng thân thiện môi trường nhưng lại không có bất cứ một ưu đãi gì về thuế với mặt hàng này. Vì vậy nhà điều hành đã liên tục chi quỹ Bình ổn ở mức cao với xăng E5RON 92 để tạo chênh lệch giá giữa mặt hàng này với xăng RON 95 là 1.000 đồng/lít (nếu không chi quỹ bình ổn thì mức chênh lệch giữa hai loại xăng này chỉ 400 đồng/lít).
“Chính việc chi quỹ bình ổn quá cao cho xăng E5RON 92 đã phần nào khiến số dư từ quỹ này bị giảm mạnh trong thời gian qua. Đây là bất cập. Việc giảm thuế phí cần thời gian để đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để lấy ý kiến nên trong ngắn hạn vẫn phải trông chờ vào công cụ quỹ Bình ổn giá xăng dầu để kìm giá. Song hiện tại 14/35 doanh nghiệp đầu mối đang âm quỹ này. Như vậy, cân đối điều chỉnh giá xăng dầu tại kỳ tới là “bài toán hóc búa” cho ngành tài chính và công thương”, vị này cho hay.