Theo HoREA, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang rơi vào hoàn cảnh không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa gửi Ngân hàng Nhà nước góp ý dự thảo Thông tư 01/2020 về "cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19".
Theo hiệp hội này, sau hơn 1,5 năm đồng hành với Nhà nước trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, đến nay, hầu hết doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức. Thậm chí, một số doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời thêm.
HoREA cho biết các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn đầu tiên là vướng mắc với một số quy định pháp luật và quy trình thủ tục hành chính chồng chéo đối với các dự án nhà ở thương mại.
Các doanh nghiệp bất động sản đang dần kiệt sức vì đại dịch.
Nhưng khó khăn cấp bách và đáng quan ngại nhất là thiếu dòng tiền. Điều này được HoREA ví như cơ thể con người thiếu oxy, có thể lập tức bị ngừng thở. Đơn vị này cho hay nhiều doanh nghiệp đang rơi vào hoàn cảnh không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động, không còn tiền để cầm cự qua giai đoạn quá khó khăn này.
Nguyên nhân là các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, thiếu sản phẩm trong lúc thị trường bị "đứng hình", giao dịch bị sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng bị "rơi thẳng đứng", không thể huy động được vốn như trước đây.
Không ít chủ doanh nghiệp đã phải vay mượn khắp nơi, thậm chí vay "nóng" để duy trì hoạt động và trả lãi ngân hàng. Vì nếu không trả được các khoản vay đáo hạn thì ngay lập tức ngân hàng tự động chuyển sang nợ xấu, hoặc nhóm nợ xấu hơn. Rơi vào các nhóm này, doanh nghiệp sẽ lâm vào bế tắc vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới.
Những khó khăn trên liên quan trực tiếp tới vướng mắc về tín dụng. Vì theo HoREA, trong lúc này lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải đều đặn trả lãi ngân hàng mỗi tháng.
"Nếu được tiếp cận tín dụng tại thời điểm này, đây sẽ là những bình oxy cấp cứu cho doanh nghiệp", đại diện Hiệp hội khẳng định.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp và phải tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Do đó, giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng đang giải quyết hài hòa lợi ích của các bên.
Song, HoREA cho rằng, những năm qua, hầu như các doanh nghiệp bất động sản chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.
Do đó, phía HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân). Điều này được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (do Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ quy định kéo dài đến 31/12/2021).
Đặc biệt, ngân hàng Nhà nước xem xét cho khách hàng được vay vốn mới để hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Vay vốn mới sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét xây dựng lại cơ chế xác định lãi suất cho vay để vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, vừa xây dựng thị trường tín dụng phát triển bền vững, vừa hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trên cơ sở lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay, hiệp hội này đề nghị ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm.