Thị trường bất động sản chưa bao giờ xuất hiện sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Với nguồn cung lớn, các doanh nghiệp triển khai dự án buộc phải đa dạng các sản phẩm để hút khách hàng.
Các doanh nghiệp bất động sản buộc phải đa dạng sản phẩm để hút khách hàng
Tại sự kiện giới thiệu căn hộ mẫu thuộc dự án The TWO Residence do Gamuda Land làm chủ đầu tư mới đây đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan mỗi ngày. Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Cheong Ho Kuan - TGĐ cho rằng, chưa bao giờ thị trường bất động sản bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt như hiện nay, chủ đầu tư muốn thu hút khách ngoài việc đưa ra được lợi thế cạnh tranh về tiến độ, giá cả, chất lượng bảo đảm còn phải nghiên cứu để tạo ra sự độc đáo trong sản phẩm.
Đa dạng hóa sản phẩm
Từ định hướng đó, Gamuda tung ra sản phẩm căn hộ lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường là mô hình căn hộ Dual-keys được xây dựng tại chung cư The TWO Residence. Điều đặc biệt, lần đầu tiên, một mô hình thiết kế ưu việt căn hộ Dual-keys (chìa khóa đôi) được chủ đầu tư giới thiệu đã nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Ngay lập tức dự án đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan và gần một nửa số khách hàng đã quyết định đặt mua căn hộ ngay trong ngày giới thiệu.
Một trong những loại hình căn hộ mới xuất hiện trên thị trường và được khá nhiều chủ đầu tư áp dụng là các căn Duplex thông tầng. Điển hình như Công ty Gia Hòa với dự án nhà ở nằm ở Quận 9; căn hộ Duplex Masteri Thảo Điền. Còn tại Hà Nội, mô hình căn hộ này đang được các chủ đầu tư có tên tuổi triển khai như: Căn hộ Vinhomes The Arcadia do Vingroup làm chủ đầu tư, dự án chung cư GoldSeason do TNR phát triển. Ưu điểm của loại hình căn hộ này là mang lại không gian sống hiện đại, tiện nghi và riêng tư cho chủ nhân.
Theo giới đầu tư bất động sản, phân khúc căn hộ cao cấp vẫn luôn có đất sống riêng bởi những người giàu có họ luôn muốn hưởng thụ không gian sống hiện đại nhất, với các tiện ích đầy đủ và hàng đầu. Họ có nhu cầu sử dụng những căn hộ rộng rãi, thông thoáng để ngắm cảnh hay tổ chức tiệc tùng vào cuối tuần.
Trên thực tế các căn hộ loại này cũng được các doanh nhân hưởng ứng, họ sẵn sàng chi một số tiền lớn để hưởng thụ cuộc sống tiện nghi, sang trọng. Theo khảo sát của phóng viên, giá của những căn hộ này không hề rẻ, dao động từ 35 - 40 triệu đồng/m² tùy vị trí, tương đương một căn hộ sẽ dao động khoảng 3,5 - 5 tỷ đồng/căn.
Đến duy trì thương hiệu
Đa dạng hóa sản phẩm là một trong những cách thức để doanh nghiệp có thể đón đầu những trào lưu mới, tạo nên những sản phẩm mới để doanh nghiệp không bị bỏ lại với tốc độ thay đổi chóng mặt hiện nay. Nhưng nhiều doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm không đúng cách có thể làm thương hiệu lún sâu vào khủng hoảng.
Đơn cử như dự án Habico Tower (đường Phạm Văn Đồng - Hà Nội) do Công ty cổ phần Hải Bình làm chủ đầu tư. Dự án từng gây sốc khi chủ đầu tư công bố giá bán căn hộ rẻ nhất là 21 tỷ đồng và cao nhất là 85 tỷ đồng/căn hộ. Để tạo sự khác biệt, chủ đầu tư tuyên bố tòa nhà sẽ sử dụng toàn bộ nội thất và hệ thống thiết bị thông minh nổi tiếng thế giới. Đặc biệt, căn hộ ở đây còn có phòng Panic Room có chức năng bảo vệ được thiết kế chống cháy, ngăn khói bảo đảm an toàn trước súng đạn, hỏa hoạn... Tuy nhiên, do tính sai chiến lược cộng với giá bán không phải giới nhà giàu nào cũng sẵn sàng chi tiền, không có vốn triển khai nên giờ dự án vẫn "lửng lơ".
Theo ông Trần Anh Tài - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PH, định vị được thương hiệu đã khó nhưng duy trì được vị thế đó còn khó khăn gấp bội. "Tạo ra được những dòng sản phẩm chuyên biệt, thành công và tiên phong trên thị trường, doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính cực kỳ vững mạnh, phải có thương hiệu và trên hết là ban lãnh đạo công ty đó phải có tầm nhìn xa, nhận định được xu hướng diễn biến phức tạp của thị trường để định vị được hướng đi đúng đắn" - ông Tài cho biết.
Ở khía cạnh khác, các chuyên gia cho rằng, sau khi tạo ra được dòng sản phẩm chuyên biệt trong lĩnh vực bất động sản bắt buộc doanh nghiệp hết sức cẩn trọng trong việc duy trì vị thế của các sản phẩm tiếp theo. Chỉ cần một sản phẩm trong chuỗi gặp phải sự cố như: Chất lượng sản phẩm không tốt, bàn giao nhà trễ hạn, sản phẩm tiêu thụ khó khăn… cũng có thể làm sụp đổ danh tiếng cho dòng sản phẩm mà công ty gây dựng trong chốc lát.
"Mặt khác thị trường luôn vận động và thay đổi với tốc độ chóng mặt vì vậy doanh nghiệp không thể đứng yên và hài lòng với vị thế đã có. Nếu doanh nghiệp không ngừng tìm hướng đi mới để tạo ra những sản phẩm tối ưu hơn, thì từ vị thế tiên phong họ cũng dễ dàng trở thành người tụt hậu" - chuyên gia này khẳng định.
Lưu Vân / DĐDN