Doanh nghiệp cần nhất điều gì để "sống sót" qua dịch Covid-19?
09/03/2020 03:08 PM | Kinh doanh
"Giải pháp quan trọng nhất cho sản xuất, kinh doanh ở thời điểm hiện tại là hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu được nguyên liệu sản xuất, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước", ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nói trên báo chí.
Doanh nghiệp cần nhất điều gì để "sống sót" qua dịch Covid-19?
Theo ông Nhã, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không nhập khẩu được nguyên liệu sản xuất trong khi nguồn dự trữ đã cạn.
Trước đây, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu phục vụ sản xuất được hưởng ân hạn thời gian nộp thuế nhập khẩu nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại thông tư của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, hàng về đến cảng, doanh nghiệp phải nộp thuế (thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng – GTGT) mới được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Trường hợp chưa nộp thuế, cần phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng mới được thông quan.
"Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều ngành sản xuất phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, nếu giãn nộp thuế nhập khẩu sẽ có tác dụng giúp doanh nghiệp quay nhanh được vòng vốn, sớm đưa nguyên vật liệu vào sản xuất, giảm áp lực về tài chính", ông Nhã cho biết.
Theo ông, kinh tế có phục hồi, có tăng trưởng hay không chính phụ thuộc vào sự hỗ trợ doanh nghiệp để có đủ nguyên liệu sản xuất vào thời điểm này, nhằm duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Đây là giải pháp có thể triển khai nhanh vì theo Luật Ngân sách năm 2015, thẩm quyền quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các sắc thuế này là thuộc Quốc hội; còn giãn, hoãn hai loại thuế này là thẩm quyền của Chính phủ, ông nói.
Vì vậy, Chính phủ có thể căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định giãn nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT đối với nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước trong thời hạn ba tháng.
Bộ Tài chính trước đó cũng đã báo cáo Chính phủ về một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy và tạo động lực cho phát triển. Thủ tướng đã đồng ý với nội dung đề xuất của Bộ Tài chính với gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh.
Cụ thể, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã đưa ra một số giải pháp như gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho những doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Trình Chính phủ Nghị quyết về các giải pháp hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp.
Đồng thời, cho phép Bộ Tài chính triển khai xây dựng Nghị định của Chính phủ về Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo trình tự thủ tục rút gọn để kịp ứng phó với tác động của dịch Covid-19; Song song với đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ giao các Bộ, ngành khẩn trương rà soát và đề xuất miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gửi Bộ Tài chính và phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành Thông tư hướng dẫn hoặc báo cáo Chính phủ nếu vượt thẩm quyền.
Các giải pháp hỗ trợ về thuế, tiền thuế đất, phí lệ phí cho doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh mà Bộ Tài chính dự kiến là sẽ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp; Đồng thời, giảm thu phí, lệ phí theo các danh mục mà các Bộ, ngành sẽ đề xuất nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 30.000 tỷ đồng. Thời điểm hỗ trợ doanh nghiệp dự kiến sẽ được áp dụng ngay khi Nghị định được Chính phủ ký ban hành và sẽ kết thúc vào cuối năm 2020.