Doanh thu bằng 0 nhưng vẫn phải trả phí thuê nhà xưởng, nhân công và đau đầu hơn cả với các chủ doanh nghiệp hiện nay là "cõng" chi phí xét nghiệm nCoV cho nhân viên.
Theo tính toán, chi phí xét nghiệm nCoV RT-PCR khoảng 700.000-800.000 đồng (35 USD) một lần. Với doanh nghiệp có hàng nghìn lao động như lĩnh vực sản xuất điện tử, riêng chi phí xét nghiệm thôi cũng lên tới hàng tỷ đồng mỗi lượt. Nếu một doanh nghiệp có hàng nghìn lao động thì chi phí cách ly, xét nghiệm rất lớn, trong khi chi phí một lần tiêm vaccine ít hơn.
Với doanh nghiệp ít lao động hơn chi phí này cũng đang khiến các ông chủ "đau đầu". Gần tháng nay, nửa số xe của Công ty TNHH Quốc tế Delta phải nằm bãi. Mỗi ngày ông chủ doanh nghiệp này ước tính thiệt hại 200 triệu đồng doanh thu kể từ khi dịch bùng phát cuối tháng 4. Chưa kể, toàn bộ doanh thu tuyến vận tải khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang "gần như biến mất".
Xe nằm bãi, doanh thu không có trong khi doanh nghiệp vẫn phải chi trả loạt chi phí liên quan. Nhưng ngay cả khi nhận được đơn hàng vận chuyển qua một số địa phương có dịch, ông Trần Đức Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta nói "cũng không dám nhận".
Ông dẫn chứng, Bắc Ninh yêu cầu lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng RT-PCR trong 3 ngày mới được tham gia vận chuyển hàng hoá. Nếu vận chuyển hàng hai chiều Hải Phòng - Bắc Ninh thì doanh nghiệp phải "cõng" thêm chi phí một lần xét nghiệm. Với các tuyến dài vận chuyển trong 4-5 ngày thì chi phí xét nghiệm tăng gấp đôi.
Delta có 145 lái xe, mỗi người ít nhất vài ba lượt làm xét nghiệm này, từ đầu dịch đến giờ phải chi ít nhất tầm 500 triệu đồng.
Việc phòng dịch là đương nhiên, song theo bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các quy định đưa ra không nên quá cứng nhắc, khiến doanh nghiệp thêm khó khăn. Thay vì bắt buộc có xét nghiệm RT-PCR, bà cho rằng, nhà chức trách nên xem xét cho phép doanh nghiệp thực hiện test nhanh nCoV và chịu trách nhiệm về việc này.
Biện pháp khả dĩ nhất mà các doanh nghiệp mong muốn là chi tiền để tiêm vaccine cho người lao động, lái xe. Việc này sẽ giúp giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Khi có chứng nhận tiêm vaccine thì sẽ không cần xét nghiệm, cách ly y tế.
"Tất cả chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra xét nghiệm cho lái xe thì có thể đủ tiền mua vaccine để tiêm cho lao động", ông Nghĩa nói.
Doanh nhân này tha thiết đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có cơ chế cho phép doanh nghiệp tham gia mua, tiêm vaccine trả phí cho người lao động. "Chúng tôi sẵn sàng đóng góp, bỏ tiền mua, tiêm vaccine cho nhân viên, bởi tính ra chi phí tiêm này rẻ hơn nhiều so với chi phí xét nghiệm", ông Nghĩa nêu.
Ngoài chi phí xét nghiệm, lái xe khi chở hàng về từ vùng dịch phải cách ly y tế 21 ngày theo quy định. Tổng giám đốc Công ty Delta khẳng định, các quy định phòng, chống Covid-19 là cần thiết, song không nên quá "cứng" khiến doanh nghiệp khó khăn, thậm chí lãng phí nguồn lực.
"Làm sao có đủ lái xe chỉ chạy một chuyến rồi sau đó đi cách ly y tế 21 ngày. Chúng tôi phải từ chối các đơn hàng chạy tuyến qua vùng dịch, chuyển sang tuyến khác hiệu quả hơn", ông chia sẻ.
Khử khuẩn phòng Covid-19 với xe vận chuyển hàng qua vùng dịch, cửa khẩu. Ảnh: Giang Huy
Tương tự các doanh nghiệp vận tải, khối sản xuất có đông lao động cũng trong cảnh khó khăn khi phải gánh gồng nhiều chi phí phát sinh mùa dịch.
Bốn khu công nghiệp của Bắc Giang dừng hoạt động để ngăn Covid-19 lây lan từ 18/5, nhiều doanh nghiệp sản xuất điện tử đóng tại đây phải dừng sản xuất. Nhưng theo bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, doanh nghiệp dừng sản xuất và vẫn phải trả chi phí thuê nhà xưởng, đầu tư trang bị đồ bảo hộ phòng dịch, chịu chi phí xét nghiệm nCoV cho người lao động.
Ông Cao Hữu Hiếu - Phó tổng giám đốc Vinatex cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đã ký hợp đồng tới quý III, nên nếu vì phong tỏa, không có công nhân đi làm, sản xuất đình trệ, các hợp đồng đã ký không thực hiện được đúng hẹn. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ mất tiền gia công, mất hợp đồng, khách hàng và mất cả uy tín mà doanh nghiệp đã từng rất khó khăn mới tạo dựng được.
Hiện, nhiều doanh nghiệp dệt may ký đơn hàng với điều khoản thanh toán chậm 60 ngày. Khi không giao được hàng thì tiền gia công không thể thanh toán được, gây ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Thông tin thêm, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nói, hàng loạt nhãn hàng đã gửi thông báo đến doanh nghiệp dệt may, nếu không giao hàng đúng tiến độ thì doanh nghiệp phải giao hàng máy bay. Lúc đó, chi phí "đội" lên sẽ rất lớn. Ngoài ra, ở một số doanh nghiệp dệt may đang phải tạm dừng sản xuất do nằm trong vùng dịch thì doanh nghiệp vẫn phải chi trả lương, giữ chân người lao động.
Theo đánh giá của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay là mất cân đối dòng tiền. Hiện tượng này bắt đầu nảy sinh từ khi Covid-19 xuất hiện và ngày càng trầm trọng.