Dù Việt Nam đang là nước sản xuất và xuất khẩu (XK) điều lớn nhất thế giới nhưng trên thực tế, lượng điều thô trong nước mới chỉ đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu của hơn 300 doanh nghiệp chế biến.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, diện tích điều trên cả nước hiện nay khoảng 400.000 ha; sản lượng điều hàng năm đạt khoảng 400 nghìn tấn thô.
Nếu như cách đây 10 năm, các doanh nghiệp chỉ nhập khẩu điều thô vào khoảng 20 - 30%, còn lại 70 - 80% là sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước thì đến nay, tình thế đã hoàn toàn đảo ngược, nhập khẩu điều thô chiếm tới 60 - 70%. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập khẩu 450 nghìn tấn điều thô với tổng giá trị hơn 600 triệu USD.
Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài đã khiến doanh nghiệp chế biến trong nước không chủ động được sản xuất, đặc biệt là chất lượng hàng không ổn định dẫn đến ảnh hưởng các đơn hàng đã ký kết.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo Công ty Cổ phần Nhật Huy cho biết, doanh nghiệp dự tính mua một lượng điều nguyên liệu nhất định để chế biến trong một năm. Tuy nhiên, với tình hình thiếu nguồn cung như hiện nay, DN nhiều khả năng bị vỡ kế hoạch, vi phạm hợp đồng đã ký với đối tác.
Để tập trung phát triển nguồn nguyên liệu, theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT, đến năm 2020, cả nước sẽ có 300.000ha điều, tăng 5.000ha so với thời điểm hiện tại.
Theo TS. Nguyễn Như Hiến - Phó Trưởng phòng cây công nghiệp và cây ăn quả (Cục Trồng trọt), để chế biến, XK điều bền vững, các doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ hơn với người nông dân, tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định. Những địa phương có thời tiết, đất đai phù hợp với cây điều như: Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai cần có quy hoạch cụ thể cho mỗi vùng trồng điều. Mục tiêu thời gian tới là phải đưa năng suất điều lên khoảng 2 tấn/ha.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), XK hạt điều 6 tháng đầu năm 2016 đạt 156 nghìn tấn, kim ngạch 1,2 tỷ USD, tăng gấp 4,4 về khối lượng và tăng 11,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. |