Chợ, siêu thị vẫn mở cửa; các cơ quan hành chính, doanh nghiệp làm việc bình thường, chỉ giảm người có mặt tại đơn vị, bảo đảm an toàn phòng Covid-19.
Họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chiều 31/3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, chỉ thị của Thủ tướng về phòng chống Covid-19 là nâng những chỉ đạo trước đây lên một mức, do diễn biến phức tạp của dịch. 24 quận huyện sẽ hướng dẫn, cùng ký cam kết với doanh nghiệp thực hiện biện pháp an toàn chống dịch bệnh.
"Những yêu cầu về cách ly xã hội sẽ khiến người dân, doanh nghiệp không thoải mái nhưng mong tất cả chấp hành. Công tác phòng dịch sẽ không thành công nếu không có sự đồng thuận của người dân", ông Phong nói.
Toàn bộ siêu thị, chợ tại Sài Gòn vẫn hoạt động trong 15 ngày "cách ly toàn xã hội". Ảnh: Thành Nguyễn.
Cơ quan hành chính, sự nghiệp của thành phố thay đổi cách làm việc nhưng vẫn đảm bảo kế hoạch, chương trình hoạt động. Ở một số đơn vị, phương thức và địa điểm làm việc có thể thay đổi, ưu tiên giải quyết hồ sơ qua mạng.
Ngoài duy trì trực lãnh đạo, không quá 1/3 nhân sự làm việc trực tiếp. Trường hợp đặc biệt, các đơn vị phải thông qua cơ quan chủ quản và được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND thành phố.
Thành phố khẳng định các chợ, siêu thị, cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn hoạt động bình thường sau 0h ngày 1/4. Hàng hóa có thể cung ứng ít nhất 6 tháng đến một năm. Tuy nhiên, người dân được khuyến khích mua online, hạn chế đến các điểm tập trung để giảm rủi ro lây nhiễm, phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m giữa 2 người.
"Người dân đang đổ xô đến các siêu thị mua sắm, chen lấn, không đảm bảo khoảng cách an toàn. Các đơn vị cần phối hợp hướng dẫn họ mua theo nhóm để giảm áp lực, đảm bảo theo cự ly Bộ Y tế hướng dẫn", ông Phong đề nghị.
Giao thông công cộng tại TP HCM đã bị hạn chế, toàn bộ tuyến xe buýt sẽ dừng hoạt động từ ngày 1/4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ triển khai chính sách giúp đỡ người vô gia cư, người bán vé số mất việc...
Trước đó, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đề nghị các quận huyện, đơn vị tăng cường quản lý những người giao hàng (shipper). Mỗi nơi phải đăng ký số lượng, lộ trình nhật ký, biết những địa điểm nào tiếp xúc, người nhận hàng để dễ truy tìm nếu phát hiện bệnh.
Chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng chống Covid-19 yêu cầu cả nước "cách ly toàn xã hội" theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh". Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.
Mọi người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các biện pháp này mang tính "tiền khẩn cấp", để giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh. "Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình", Thủ tướng nói.