Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may có doanh thu cao, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu lớn phải hạ chỉ tiêu kinh doanh vì Covid-19.
Xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 8,9 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ.
Đồng loạt hạ chỉ tiêu
Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco) là doanh nghiệp quy mô xuất khẩu lớn trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020 rất khiêm tốn.
Năm 2019, dù chịu ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhưng nhờ lợi thế của nhà sản xuất, gia công hàng may mặc uy tín, Hugaco vẫn cán đích các chỉ tiêu kinh doanh với mức tăng trưởng đáng mơ ước với không ít doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, doanh thu đạt trên 500 tỷ đồng (hơn 20 triệu USD), tăng 21,5% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 97,8 tỷ đồng, tăng 50,5%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 9,5 triệu đồng/tháng, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Nhưng bức tranh kinh doanh ngành hàng dệt may đang chứng kiến sự ảm đạm chưa từng thấy do Covid-19. Cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành, Hugaco phải đối diện thực tế giảm mạnh sản xuất, kinh doanh.
Bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng giám đốc Hugaco cho hay, với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sức mua của các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU giảm; giá gia công cũng giảm và thời gian thanh toán bị kéo dài, Hugaco phải hạ chỉ tiêu tăng trưởng.
Được biết, năm 2020, Hugaco phấn đấu đạt doanh thu 450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 39 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với thực hiện năm 2019; nộp ngân sách 13 tỷ đồng, trong khi năm 2019 mức nộp ngân sách gần gấp đôi.
Một doanh nghiệp đầu tàu của ngành dệt may với doanh thu hơn 9.000 tỷ đồng trong năm 2019 cũng phải khẩn cấp hạ chỉ tiêu năm 2020, đó là Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến. Dự liệu thị trường dệt may toàn cầu giảm tốc mạnh, May Việt Tiến chỉ dám đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2020 ở mức 6.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 150 tỷ đồng, chỉ bằng 70% doanh thu và 39% lợi nhuận thực hiện của năm 2019.
Ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc May Việt Tiến nhận định, Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh, vì vậy cần một phương án phù hợp với tình hình năm 2020 là khẩn cấp với doanh nghiệp.
“Với việc giảm đơn đặt hàng tại 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, EU, Nhật Bản, chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may sẽ khiến May Việt Tiến gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất dệt may là sản xuất theo mùa và phần lớn sản xuất để phục vụ xuất khẩu”, ông Tiến nói.
Cần phải nói thêm, năm 2019, May Việt Tiến đã không hoàn thành chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông giao phó, khi doanh thu dù đạt 9.036 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm 7% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 504 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 418 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo Tổng công ty May Việt Tiến cho biết, các doanh nghiệp dệt may đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn do cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh.
Chưa có thị trường thay thế
Hầu hết các doanh nghiệp dệt may đưa ra mục tiêu khá hạn chế, nhưng chưa chắc khả thi vì hoạt động kinh doanh phụ thuộc nhiều vào việc chống dịch của thế giới.
Thị trường hàng dệt may toàn cầu chỉ có thể khá lên khi Covid-19 được khống chế, đưa hoạt động bán lẻ khởi động lại. Còn tại thời điểm này, các doanh nghiệp EU hay Mỹ vẫn đang tạm ngưng và giảm đặt hàng các mặt hàng không thiết yếu như dệt may, da giày, vốn là những sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất.
Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may tại Bắc Ninh cho biết, kể cả khi dịch bệnh được khống chế thì sức mua hàng dệt may, giày dép không thể trở lại như xưa, bởi kinh tế nhiều nước đã sụt giảm mạnh, người dân phải thắt chặt chi tiêu. Tình hình tiêu dùng sụt giảm nhiều khả năng còn kéo dài hết năm 2021.
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2019, xuất khẩu cả 2 ngành dệt may, da giày đạt 63 tỷ USD, trong đó, riêng xuất sang 2 thị trường EU và Mỹ trên 30 tỷ USD. Với tỷ trọng xuất khẩu lớn như vậy, chỉ cần đơn hàng giảm 10% đã “thổi bay” trên 3 tỷ USD và tình hình sẽ tệ hơn nếu dịch bệnh còn kéo dài, tác động trực tiếp đến sức mua của người tiêu dùng.
Vitas cho biết, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU, chắc chắn, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu. Về thị trường thay thế, theo Vitas là không thể có, bởi dịch bệnh ảnh hưởng toàn thế giới, đến Mỹ và EU còn chao đảo thì các thị trường khác chịu ảnh hưởng lớn hơn nhiều.
Xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 8,9 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ. Nhưng mức giảm này chưa phản ánh hết thực tế thiếu đơn hàng xuất khẩu của ngành. Con số giảm mạnh phải chờ đến hết tháng 6, khi lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều nằm trong khoảng thời gian này.
"Trong một kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019. Trong khi với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể chỉ đạt 30 - 31 tỷ USD", Vitas dự báo.
Theo Vitas, đến hết quý II/2020, nếu dịch bệnh không được đẩy lùi, mà kéo dài đến quý III, dự báo cầu nhập khẩu dệt may thế giới sẽ xuống đến ngưỡng 600 - 680 tỷ USD, giảm từ 15 - 25% so với mức 780 tỷ USD của năm 2019 do nhu cầu hàng hóa xuân hè đã qua đi. Năm nay sẽ là năm thị trường dệt may bị mất mùa một vụ. |