Theo tính toán, sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể tiết kiệm được 64% tiền thuế, tương đương 1-1,1 tỷ USD/năm.
Ảnh minh họa |
Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ hiện đang chịu thuế suất 17,5%, nhưng khi TPP có hiệu lực, 73% dòng thuế sẽ về 0%. Nếu tính theo kim ngạch hiện nay, hàng dệt may xuất khẩu sang nước này có khả năng tiết kiệm được 64% tiền thuế, tương đương 1-1,1 tỷ USD.
Bên cạnh những con số hấp dẫn từ thị trường Mỹ, DN dệt may trong nước cũng kỳ vọng không kém vào các thị trường mới như: Canada, Autralia, Peru… Riêng với Canada, ngay từ năm đầu tiên TPP có hiệu lực, 42% thuế xuất khẩu vào thị trường này sẽ về 0%, đến năm thứ 4 là 57,1%. Trong khi đó, hàng dệt may của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 2% thị phần tại Canada. Vì vậy, cơ hội mở rộng thị trường rất lớn.
Quy tắc xuất xứ từ sợi vẫn được coi là trở ngại lớn của ngành Dệt may trong việc tận dụng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi quy mô xuất khẩu chưa đủ lớn, việc đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu khó khả thi. Thậm chí, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 30 tỷ USD, lượng vải sử dụng khoảng 15 tỷ USD hiện nay, vẫn chưa đủ sức tạo ra các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu có khả năng cạnh tranh về giá với nguyên liệu từ Trung Quốc.
Ông Lê Tiến Trường cho rằng, bài toán kinh tế trong đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu mặc dù rất đáng cân nhắc, nhưng vẫn cần có tỷ lệ nguyên liệu nội địa nhất định để đảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Bản thân Vinatex từ năm 2005 đến nay đã triển khai nhiều dự án đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, nhờ đó tỷ lệ nội địa hóa đã tăng từ 20% lên 50% năm 2015. Tập đoàn cũng dự kiến, khi TPP có hiệu lực ngay những năm đầu có thể chủ động khoảng 60% nguyên phụ liệu.
Nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt cho phép DN mua một số nguyên liệu khó sản xuất, nhu cầu sử dụng ít tại các quốc gia ngoài khối mà vẫn được hưởng ưu đãi. Trong 194 dòng nguyên liệu đã được quy định có 8 dòng tạm thời áp dụng 5 năm, còn lại 186 dòng là vĩnh viễn. Việt Nam cũng có 3 mặt hàng áp dụng quy tắc xuất xứ cắt và may gồm balo, túi xách; quần áo trẻ em từ vải polyester; áo ngực nữ. Ngoài ra, với mặt hàng quần sản xuất từ vải cotton, cứ mua 1m vải từ các nước trong TPP may quần nam và quần nữ sẽ được mua 0,75m và 1,25m vải ở các nước ngoài khối. Đây cũng là chương trình hết sức thuận lợi cho các DN may hàng cơ bản và tạo đà tăng trưởng nhanh cho các mặt hàng như áo sơ mi, quần.
Hiện đang có làn sóng đầu tư của DN Hoa Kỳ vào Việt Nam trong các ngành sản xuất vải, dệt nhuộm. Đây là cơ hội tốt cho DN trong nước tranh thủ đầu tư nước ngoài mở rộng sản xuất, chuyển hướng kinh doanh. |