Theo Vitas, từ giai đoạn 2008 – 2016 mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm và đối với các doanh nghiệp FDI đã tăng 18,1%/năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn này tăng bình quân 10,7%, năng suất lao động tăng 3,9%.
So sánh mức lương tối thiểu hàng tháng & phí BHXH + Công đoàn phí 2015 của Việt Nam so với các nước trong khu vực (Mức đóng của Người sử dụng lao động) Đơn vị tính: US$
Ông Trương Văn Cầm – Phó Chủ tịch Vitas cho biết, mỗi lần tăng lương tối thiểu là chi phí nhân công tăng theo do phải bù thu nhập cho những người lao động mới tuyển, tay nghề yếu, những người khả năng lao động có hạn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tăng các khoản trích nộp bảo hiểm, kinh phí công đoàn… vì lương tối thiểu là căn cứ để xác định mức lương khởi điểm trong hệ thống thang, bảng lương theo quy định của Nghị định 49/2013/NĐ của Chính phủ. Đặc biệt, từ 1/1/2016 các khoản trích nộp phải đóng thêm trên các khoản phụ cấp và từ 1/1/2018 sẽ đóng trên cả các khoản bổ sung khác, trong khi tỷ lệ đóng bảo hiểm, kinh phí của doanh nghiệp dệt may đã cao hơn tất cả các đối thủ cạnh tranh (Bangladesh, Ấn Độ, Mianmar, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippin, Mexico, Peru…)
Vì vậy, Vitas kiến nghị giãn lộ trình tăng lương tối thiểu vùng đến 2020 hoặc 2022 và không tăng thường xuyên hằng năm, cụ thể năm 2017 không tăng, vì lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp trong nước năm 2016 đã tăng 3,28 lần đến 3,57 lần so với năm 2010. Kiến nghị không sử dụng lương tối thiểu làm căn cứ khởi điểm để xây dựng hệ thống thang, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ – CP và làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm.
Đồng thời, cần giảm thiểu tỉ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm theo lương, vì hiện tỉ lệ này đang cao, cụ thể người sử dụng lao động đóng 18% (BHXH 15%, BHYT 2%, BHTN 1%) thay vì 22%, người lao động đóng 7% (BHXH 5%, BHYT 1%, BHTN 1%) thay vì 10,5%. Bởi lẽ, tỉ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động cũng đang ở mức rất cao (22%) so với các nước trong khu vực như: Malaysia 13%, Philipines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%… Ngoài ra, người lao động phải đóng 10,5%, đó là chưa kể 1% đoàn phí nếu là đoàn viên công đoàn.
Mặt khác, Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 quy định mức đóng các khoản kể trên đến hết năm 2017 sẽ căn cứ trên mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động. Từ 1/1/2018 trở đi được tính trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp khó khăn càng khó khăn hơn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trong giai đoạn khởi nghiệp.
Ngoài các khoản bảo hiểm, doanh nghiệp còn phải đóng thêm 2% phí công đoàn. Theo quy định của Tổng liên đoàn Lao động, để lại 65% tại công đoàn cơ sở, 35% nộp cho công đoàn cấp trên cơ sở. “Chúng tôi kiến nghị để lại DN toàn bộ số tiền này để công đoàn cơ sở cùng với DN chăm lo đời sống cho người lao động” – ông Cầm đề xuất.
Quốc Anh / DĐDN