Để cạnh tranh thu hút khách hàng trong thời đại công nghệ số hiện nay, nhiều doanh nghiệp gỗ nội thất không tiếc tiền bắt tay với các kiến trúc sư và công ty công nghệ để tạo ra các phần mềm thiết kế, cung cấp miễn phí cho khách hàng.
Khách hàng hiện nay có xu hướng chọn mẫu thiết kế tổng thể, chứ không chọn mua từng sản phẩm đơn lẻ
Xu hướng mới
Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra sự thay đổi lớn của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội, trong đó ngành gỗ nội thất không nằm ngoài xu hướng.
Không chỉ còn tư vấn cho khách một cách mù mờ, giờ đây, dựa vào công nghệ, các doanh nghiệp gỗ nội thất đã bắt tay với các kiến trúc sư, công ty công nghệ tạo ra các phần mềm thiết kế dựa trên các thông số về diện tích căn hộ, mẫu mã sản phẩm, màu sắc, giá, thậm chí là cả tuổi, mệnh của chủ nhà để hợp phong thủy… cung cấp cho khách hàng.
Dù chi phí bỏ ra để xây dựng các phần mềm này là không nhỏ, nhưng với các doanh nghiệp, đây là điều cần làm và chi phí bỏ ra này giống như việc “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”, tạo ra lợi thế cạnh tranh, vị thế cho doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chuyên gia gỗ nội thất Ngụy Thanh Vĩ (Công ty cổ phần Gỗ An Cường) cho biết: “Công nghệ hiện nay phát triển rất nhanh và ngành gỗ nội thất cũng tận dụng tốt xu hướng này. Nếu ngày xưa thiết kế 2D hoặc 3D mất rất nhiều thời gian, thì hiện nay, nhờ sự phát triển của công nghệ, đã có nhiều phần mềm thiết kế hiện đại, nhanh gọn ra đời. Chẳng hạn, với phần mềm House3D, chỉ cần bỏ kích thước sẵn, chọn mẫu là bạn sẽ có bản thiết kế trong vòng khoảng 20 - 30 phút”.
Theo ông Vĩ, bản thân An Cường cũng đang ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, bán hàng và quản lý để tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh. Cùng số lượng công nhân và thời gian, ngày xưa chỉ sản xuất 100 tấm ván, thì giờ áp dụng công nghệ có thể sản xuất 500 tấm. Ngoài ra, trong tư vấn khách hàng về không gian, hiện tại An Cường đang áp dụng phần mềm ancuongcatalog tư vấn cho khách hàng về màu sắc, thiết kế nội thất căn hộ để họ đưa ra lựa chọn của mình.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Toàn, người sáng lập thương hiệu Thiên Ấn Furniture, thời gian trước, Công ty chưa quan tâm đúng mức tới thị trường nội địa, nhưng đến năm 2006 - 2007, cùng với sự suy giảm từ đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, Thiên Ấn Furniture bắt đầu nhận những đơn hàng nội địa, xem như một hướng giải quyết khó khăn về doanh thu. Tuy nhiên, sau đó, Công ty đã nhận thấy tiềm năng của thị trường nội địa nên đã chú trọng tới thị trường này.
Ông Toàn cho biết, dù có sự đổ bộ của các thương hiệu nội thất nhập khẩu đến từ châu Âu, Italy, Mỹ..., nhưng doanh nghiệp nội địa nói chung và Thiên Ấn nói riêng hoàn toàn có cơ hội để chiếm lĩnh thị phần. Phương cách thâm nhập thị trường nội địa của Thiên Ấn không chỉ là mở showroom, tiếp thị với khách hàng trong nước, chứng minh chất lượng, mà còn tận dụng công nghệ, bắt tay với đội ngũ thiết kế và chủ đầu tư các dự án. Kiến trúc sư đưa ra ý tưởng tổng thể, doanh nghiệp sẽ đi vào chi tiết công trình do khả năng sản xuất. Mối liên kết này tạo lợi ích cho cả hai đối tượng.
Theo ông Toàn, cách làm này giúp Thiên Ấn bán được cả không gian nội thất, nghĩa là nội thất, trang trí cho cả không gian từng phòng, chứ không chỉ riêng một vài sản phẩm. Khi đó, giá trị các đơn hàng cũng cao hơn hẳn.
Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng giám đốc Công ty Ván sàn Sao Nam Đồng cũng cho rằng, cách tiếp cận với giới sáng tạo là con đường ngắn và hiệu quả để tiếp cận được với nhu cầu của khách hàng hiện nay. Đối tượng này cũng sẽ là kênh phân phối hiện đại của ngành gỗ. Hiện Sao Nam đang liên kết với các đơn vị thiết kế nội thất để tiếp cận khách hàng.
“Hiện chúng tôi đã có 3 đơn vị thiết kế chấp nhận làm nhà phân phối. Với kinh nghiệm làm việc trực tiếp với khách hàng, những nhà thiết kế còn trao đổi, tư vấn cho Sao Nam để hiểu hơn “gu” của người dùng, giúp chúng tôi có thể lắng nghe thị trường, kịp thời cải tiến sản phẩm”, bà Loan nói.
Thị trường gỗ nội thất đang được công nghệ hóa
Giá trị mới
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Bùi Sĩ Nguyên, Giám đốc điều hành House3D cho biết: “Với hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ và tiếp xúc nhiều với giới kiến trúc sư, tôi nhận thấy, xu thế thiết kế trải nghiệm dựa trên 3D và thực tế ảo là xu thế tất yếu. Trải nghiệm dựa trên 3D và thực tế ảo mang lại công cụ nền tảng cho thị trường, mà ở đó các đối tượng đều hưởng lợi. Một người thiết kế sẽ có thể hoàn thành bản vẽ của mình nhanh hơn từ 10 - 50 lần so với phương pháp truyền thống”.
Cũng theo ông Nguyên, thông qua việc hợp tác này, người bán đồ nội thất sẽ có cơ hội bán trực tiếp sản phẩm của mình cho khách hàng. Bởi nền tảng house3D cho phép kiến trúc sư sử dụng sản phẩm trực tiếp làm trực quan cho người tiêu dùng, như là một phương thức marketing cho công ty nội thất. Trong quá trình thiết kế, chính kiến trúc sư là người có vai trò đặt các mẫu nội thất thật của các hãng vào các căn hộ một cách trực quan.
Còn đại diện Công ty An Cường cho biết, việc kết hợp công nghệ và hợp tác giữa kiến trúc sư và các nhà phân phối nội thất nói chung đang là một xu thế. Hiện House 3D liên kết với An Cường, Malloca, Aconcept…, lấy các thông tin về màu sắc vật liệu, mẫu mã sản phẩm nhập vào phần mềm để cho ra các bản vẽ. Nếu khách hàng duyệt bản thiết kế, thì họ sẽ mua sàn gỗ sử dụng của An Cường, ghế sofa là của Aconcept, bếp sử dụng của Malloca…
Đây là sự kết hợp thông minh và các bên cùng có lợi. Các doanh nghiệp nội thất bán được hàng, còn khách hàng không quá khó khăn trong việc tiềm kiếm sản phẩm phù hợp hay mất tiền thêm để thuê thiết kế. Vì chỉ qua phần mềm này, khách hàng đã có hết được thông tin về thiết kế và nếu có tới trực tiếp showroom sau đó, thì cũng chỉ để kiểm chứng thông tin về sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, khi doanh nghiệp sản xuất chịu bắt tay với các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư, thị trường nội thất sẽ có những biến chuyển rất tích cực.
Các doanh nghiệp gỗ nội thất đã quan tâm tới thị trường nội địa từ 10 năm nay và rất quyết tâm làm chủ sân nhà. Tuy nhiên, cách quảng bá trước đây chỉ chú trọng yếu tố chất lượng và giá rẻ chưa thực sự hiệu quả. Doanh nghiệp cũng mở showroom trưng bày, nhưng chỉ làm riêng lẻ, không tạo được ấn tượng với người dùng.
“Hiện tại, Hội đang tổ chức các hoạt động kết nối để mối liên kết giữa nhà sản xuất - đơn vị thiết kế được hình thành. Nếu tiếp cận khách hàng thông qua thiết kế, công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội chinh phục khách hàng ở phân khúc cao hơn”, ông Khanh cho biết.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty Nội thất MHome cho biết, việc tận dụng công nghệ vào ngành gỗ nội thất là một hướng đi tất yếu, là xu thế của sự phát triển. Qua đó, việc kết hợp các đơn vị, các nhà (thiết kế, phân phối, thi công, người tiêu dùng) lại với nhau sẽ tạo ra sự liền mạch, chuyên nghiệp hơn cho thị trường và đôi bên cùng có lợi.
Nhất Nam (Báo Đầu tư Bất động sản)